Peru ngừng đánh bắt cá cơm; Nhu cầu tiêu thụ bột cá của Trung Quốc giảm (13-04-2023)

Hạn ngạch tăng ở Bắc Đại Tây Dương và sản lượng lớn hơn ở Chile đang hỗ trợ nguồn cung bột cá và dầu cá toàn cầu (vốn đã cạn kiệt do sản lượng khai thác thấp ở Peru). Trung Quốc chiếm một nửa lượng nhập khẩu bột cá toàn cầu vào năm 2021, nhưng lũ lụt và sự gián đoạn khác đối với sản xuất nuôi trồng thủy sản đã làm giảm nhu cầu trong năm nay.
Peru ngừng đánh bắt cá cơm; Nhu cầu tiêu thụ bột cá của Trung Quốc giảm
Ảnh minh họa

Sản xuất

Nghề đánh bắt cá cơm năm 2022 ở Peru, vốn là nguồn cung cấp phần lớn bột cá và dầu cá toàn cầu, đã phải chịu những thất bại liên tục do thời tiết xấu và sản lượng đánh bắt cá con cao. Khai thác cá ở khu vực Bắc Trung Bộ của Peru đã chính thức kết thúc vào cuối tháng 7, đạt 84% của hạn ngạch 2,8 triệu tấn. Sản lượng đánh bắt cá con cao có nghĩa là sản lượng dầu cá chỉ chiếm 2% tổng sản lượng đánh bắt, thấp hơn nhiều so với mức 3% thông thường. Cùng với đó, sản lượng khai thác ở miền Nam Peru vẫn rất thấp, chỉ đạt 13% trong hạn ngạch 486.000 tấn. Sản lượng khai thác cá cơm ở Peru giảm đã dẫn tới việc giảm 6,7% nguồn cung bột cá toàn cầu, và giảm 12,7% nguồn cung dầu cá toàn cầu.

Tuy nhiên, sản lượng khai thác tăng ở các nhà sản xuất thứ cấp đã bù đắp phần lớn sự thiếu hụt nguồn cung của Peru. Iceland đã tăng sản lượng đánh bắt lên 380.000 tấn trong nửa đầu năm, tăng 84% so với năm ngoái. Điều này chủ yếu là do hạn ngạch cá trứng tăng gấp 7 lần lên 870.000 tấn.

Thương mại

Trên thị trường bột cá và dầu cá thế giới, Trung Quốc chiếm một nửa tổng lượng nhập khẩu bột cá vào năm 2021. Nhu cầu này đã giảm nhẹ do điều kiện thời tiết xấu đối với người nuôi cá, mặt khác, Trung Quốc vẫn còn lượng lớn bột cá dự trữ trong kho. 6 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 873.000 tấn bột cá, thấp hơn 77.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn nhiều hơn 308.000 tấn so với 6 tháng đầu năm 2020.

Sau khi giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm 2022, Na Uy, thị trường chính của dầu cá trên thế giới đã chứng kiến lượng nhập khẩu tăng trong quý hai với 52.000 tấn. Giá dầu cá của Peru tăng cao đã thúc đẩy nhu cầu tìm các nguồn thay thế. Lượng nhập khẩu của Na Uy từ Peru đã giảm từ 33.400 tấn trong nửa đầu năm 2021 xuống còn 16.200 tấn trong cùng kỳ năm 2022. Iceland hiện là nhà cung cấp chính cho thị trường Na Uy và đã xuất khẩu 19.200 tấn dầu cá tới thị trường này.

Giá cả

Giá bột cá đạt đỉnh vào tháng 4 năm 2022, ở mức 1.600 USD/tấn (CIF Peru, hàm lượng đạm 65%). Kể từ đó tới nay, giá bột cá nhìn chung vẫn ổn định.

Giá dầu cá tiếp tục tăng trong tháng 9 năm 2022, đạt mức 3.700 USD/tấn đối với dầu cá dùng làm thức ăn chăn nuôi của Peru (Peruvian feed grade oil). Con số này gần gấp đôi giá của Peru vào cùng thời điểm năm trước. Các nguồn dầu cá ở Bắc Đại Tây Dương được đánh giá cao về khả năng cạnh tranh của chúng, với việc tăng hạn ngạch cho các đối tượng khai thác chính, góp phần hỗ trợ nguồn cung. Hiện giá nhập khẩu trung bình đối với mặt hàng dầu cá là 3.000 USD/tấn tại các cảng Bắc Âu, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo

Thông thường mỗi năm Peru sẽ sản xuất và đóng góp gần một nửa nguồn cung bột cá và một phần ba nguồn cung dầu cá toàn cầu. Do đó, những thất bại mà nghề khai thác cá cơm của Peru đang phải đối mặt trong năm nay đã có tác động rõ rệt đến thị trường bột cá và dầu cá toàn cầu. Những điều này sẽ càng rõ ràng hơn nếu chúng không trùng hợp với hạn ngạch tăng rất nhiều ở khu vực Bắc Đại Tây Dương. Thuế được đề xuất áp dụng cho các trang trại nuôi cá hồi ở Na Uy cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giảm sản lượng (đã được dự đoán trước đó). Và đương nhiên sẽ làm hạn chế nhu cầu dầu cá trên thị trường thế giới.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác