Tôm Ấn Độ lo mất thị phần tại Mỹ (01-03-2023)

Khối lượng xuất khẩu tôm của Ecuador đã khiến thị phần tôm Ấn Độ sụt giảm tại Mỹ trong năm 2022. Tuy nhiên mặt hàng giá trị gia tăng và tôm sú vẫn là những điểm sáng của ngành tôm Ấn Độ.
Tôm Ấn Độ lo mất thị phần tại Mỹ
Ảnh 1: tôm thẻ chân trắng (ảnh Hải Đăng)

Lo ngại tại thị trường Mỹ

Sau nhiều năm “thống trị” ngành sản xuất tôm toàn cầu, Ấn Độ đã bị đánh bật khỏi vị trí dẫn đầu cả về khối lượng và giá trị kể từ sau đại dịch COVID-19. Riêng tại thị trường Mỹ, thị phần tôm Ấn Độ cũng đang bị lung lay khi xuất tôm của Ecuador sang đây đang dần chiếm một phần không nhỏ.

Tại Triển lãm Thủy sản Quốc tế Ấn Độ (IISS) lần thứ 23 được tổ chức tại Kolkata từ ngày 15 - 17/2/2023, Jagdish Fofandi, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ thừa nhận: “Đây là một mối đe dọa lớn mà ngành tôm Ấn Độ đang phải chứng kiến. Mỹ vẫn có nhu cầu đối với tôm Ấn Độ. Sau những năm khó khăn vừa qua, Ấn Độ vẫn là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu tại thị trường Mỹ, tuy nhiên chúng tôi đang mất thị phần”.

Willem van der Pijl, người sáng lập Shrimp Insights cũng cho rằng, ngành tôm đã có nhiều sự thay đổi kể từ Triển lãm IISS cuối cùng ở Kochi 3 năm trước. Ngành tôm dường như đã không có sự cạnh tranh trong gần 10 năm qua, tuy nhiên bây giờ các nhà sản xuất đều nhận thấy rằng nếu họ không làm gì đó thì có thể sẽ bị thiệt hại nặng nề trong 2 - 3 năm tới.

“Tôi nghĩ kịch bản xấu nhất có thể giống như trường hợp của Thái Lan. Sản lượng tôm của Thái Lan đột ngột sụt giảm hơn 50% vào đầu những năm 2010 do Hội chứng tôm chết sớm (EMS). Tất nhiên, trong trường hợp với tôm Ấn Độ, lý do không phải vì dịch bệnh mà là do nhu cầu thị trường”, Van der Pijl nói.

Đa dạng hóa thị trường và sản phẩm

Năm 2022, mặt hàng giá trị gia tăng và tôm sú là “cứu cánh” đối với ngành tôm Ấn Độ.

Khi chia sẻ số liệu sản xuất hàng năm cho những người tham dự Triển lãm IISS, Van der Pijl nhấn mạnh việc hướng tới các thị trường khác có thể bù đắp tình trạng sụt giảm từ Mỹ. Theo đó, kết quả cuối cùng của ngành tôm Ấn Độ cũng sẽ không ảm đạm như nhiều người lo ngại.

“Tôi nghĩ một số người dự kiến sản lượng tôm Ấn Độ sẽ giảm đáng kể trong năm 2023. Năm nào họ cũng lo lắng như vậy, bởi vì có rất nhiều tin đồn về dịch bệnh, về đủ loại vấn đề sẽ cản trở xuất khẩu tôm của nước này, nhưng vào cuối năm, Ấn Độ sẽ cố gắng xoay sở và vẫn tăng trưởng”, Van der Pijl nói.

Dự kiến, xuất khẩu tôm Ấn Độ trong năm 2023 sẽ đạt 635.000 tấn, giảm 4% so với năm 2022. Đã có một cuộc khủng hoảng về giá tôm xuất khẩu trong quý IV/2022, mặc dù sự sụt giảm giá tôm không ảnh hưởng đến tổng sản lượng tôm xuất khẩu của Ấn Độ. Tuy nhiên, sản lượng tôm xuất khẩu dự kiến ​​sẽ giảm đáng kể trong quý I/2023, do nông dân không muốn lưu giữ tôm trong ao với mức giá hiện tại.

Van der Pijl cho hay: “Việc giá tôm giảm trong quý IV/2022 thực sự phản ánh rằng vụ nuôi tôm đã chấm dứt trước khi thị trường ngừng hoạt động. Vì vậy, một lượng lớn tôm đã được thu hoạch và có rất nhiều tôm giá rẻ được đưa vào thị trường. Như thường lệ, phần lớn lượng tôm nguyên liệu xuất khẩu này đến thị trường Mỹ, nhưng trong năm 2022 đã giảm 20% so với năm 2011. Điều này rõ ràng là do sự cạnh tranh của tôm Ecuador, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu”.

“Tuy nhiên, may mắn thay, một số thị trường khác đã tiêu thụ lượng tôm Ấn Độ dư thừa này. Xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang Trung Quốc, châu Âu, Việt Nam tăng nhẹ; Trung Đông và Nhật Bản giảm; Canada tăng. Cụ thể, xuất khẩu tôm của Ấn Độ trong năm 2022 sang Trung Quốc tăng 12%, EU tăng 23% so với năm 2021. Điều này giúp tổng sản lượng tôm xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2022 chỉ giảm 4% so với năm 2021”, Van der Pijl nói.

Cũng theo Van der Pijl, sản lượng tôm thẻ chân trắng nguyên liệu giảm nhiều nhất, khoảng 50.000 tấn, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đã được bù đắp từ mặt hàng tôm chế biến. Đây là điều cần lưu ý. Mặt hàng tôm giá trị gia tăng, chủ yếu là tôm chế biến sẵn (không kể tôm tẩm bột) và tôm sú đang giúp ngành tôm Ấn Độ tăng doanh số. Khối lượng xuất khẩu tôm sú tuy thấp hơn kỳ vọng nhưng vẫn đạt 21.000 tấn, gần gấp đôi so với năm 2021.

Ảnh 2: Chế biến tôm HLSO (ảnh Hải Đăng)

Ngoài ra còn có sự khác biệt rõ ràng về thị trường theo danh mục sản phẩm, như: Mỹ nhập khẩu tôm còn vỏ bỏ đầu (HLSO), trong khi Trung Quốc tăng lượng nhập khẩu tôm HLSO thô. Sự gia tăng sản xuất tôm chế biến sẵn của Ấn Độ đã gần như bán hoàn toàn sang Mỹ, chiếm 85% xuất khẩu tôm nấu chín và tẩm bột, lên tới gần 60.000 tấn.

“Tôm sú được xuất khẩu đến EU, Bắc Âu, vốn là những thị trường truyền thống của loài này. Và nhiều nhà nhập khẩu từ châu Âu có mặt tại Triển lãm IISS này đang có nhu cầu ngày càng nhiều hơn với tôm sú”, Van der Pijl nói.

Đề cập tới những lo ngại về việc Ecuador tập trung vào thị trường Mỹ, Van der Pijl chứng minh rằng, Ấn Độ vẫn là nhà xuất khẩu dẫn đầu trong hầu hết các danh mục sản phẩm tôm. Theo Van der Pijl, dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy, Mỹ chủ yếu nhập khẩu tôm bóc vỏ và Ấn Độ vẫn là nhà cũng cấp lớn nhất mặt hàng này trong năm 2022. Ấn Độ với khối lượng xuất khẩu đạt 201.000 tấn tôm bóc vỏ đã vượt gấp 2,5 lần so với Ecuador. Và vị trí số 1 này không hề dễ dàng để thay đổi trong tương lai. Đúng là Ecuador đang tăng cường đầu tư vào tôm bóc vỏ nhưng tăng trưởng rất chậm.

Với thị trường tôm nguyên vỏ đông lạnh của Mỹ, Ecuador đã củng cố vị trí hàng đầu mà nước này giành được trong năm 2020, trong đó Ấn Độ hiện tụt xuống vị trí thứ 3, sau Indonesia sau khi xuất khẩu giảm xuống chỉ còn 43.000 tấn năm 2022.

Đáng chú ý, trong danh mục sản phẩm giá trị gia tăng, doanh số bán hàng của Ấn Độ sang Mỹ tăng 36%, trong đó hầu như là sản phẩm chế biến nấu chín hoàn toàn, thay vì tẩm bột. Ấn Độ cũng đang giữ thị phần lớn đối với mặt hàng này. Việt Nam, Thái Lan, Indonesia cũng có tiềm năng. Ecuador vẫn chưa thực sự đóng vai trò đáng kể nào.

Xuất khẩu tôm tẩm bột của Ấn Độ sang Mỹ trong năm 2022 cũng rất đáng chú ý khi tăng 400% về tổng sản lượng. Nhưng khi xét về mặt tương quan với diện tích, dân số, sản lượng này vẫn còn nhỏ so với Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.

“Như vậy, đối với sản phẩm bóc vỏ, giá trị gia tăng và qua chế biến, Ấn Độ không lo bị cạnh tranh về vị trí số 1. Ngành tôm Ấn Độ có thể tiếp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm. Cũng không có quá nhiều sự cạnh tranh trực tiếp”, Van der Pijl khẳng định.

Hải Đăng (Theo Under Current News)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác