Nguồn cung tôm hùm khan hiếm, giá tăng (19-12-2022)

Sau một năm rất tốt vào năm 2021, nguồn cung tôm hùm Mỹ (Homarus americanus) được đánh giá là khan hiếm hơn vào năm 2022. Trong khi nhu cầu tiêu thụ tôm hùm trên thị trường vẫn rất tốt, điều này đã dẫn tới giá tăng. Thương mại tôm hùm toàn cầu nhìn chung đã trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Nguồn cung tôm hùm khan hiếm, giá tăng
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Năm 2021 là một năm kỷ lục đối với nghề khai thác tôm hùm Maine. Nghề đánh bắt đã mang lại cho người nuôi tôm hùm 724,9 triệu USD, tăng 312,3 triệu USD (+76%) so với năm 2020. Khối lượng khai thác lên tới 108.048.704 pound (tương đương với 49.010 tấn), cao hơn khoảng 10% so với sản lượng khai thác của năm 2020. Nhu cầu rất mạnh được cho là yếu tố góp phần vào sản lượng khai thác tăng kỷ lục; đồng thời với mức giá được đẩy lên cao đã khiến cho việc thu hoạch tôm hùm trở nên hấp dẫn hơn đối với ngư dân.

Cho đến nay, Maine là nhà cung cấp tôm hùm quan trọng nhất của Hoa Kỳ, chiếm 82% tổng số lượng tôm hùm cập cảng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, triển vọng của ngành tôm hùm ở Maine không phải lúc nào cũng tươi sáng. Xung đột đang diễn ra trong các biện pháp bảo vệ cá voi, đặc biệt là các yêu cầu mới về thiết bị sử dụng khai thác tôm hùm và một số quy định nghiêm ngặt khác là những điều khiến ngư dân đánh bắt tôm lo ngại. Các hướng dẫn thiết bị mới bao gồm việc sử dụng "các liên kết yếu" (weak links) để một khi cá voi nếu có mắc phải hoặc vướng vào dây thừng gắn với bẫy tôm hùm thì chúng hoàn toàn có thể vùng vẫy thoát ra được. Trong mùa cao điểm, có tới 80.000 sợi dây thẳng đứng trong nước, tình trạng này được yêu cầu thay đổi để tạo ra “liên kết yếu”.

Các nhóm nghiên cứu môi trường cũng đã tham gia thảo luận. Chương trình Theo dõi Hải sản của Vịnh Monterey (the Seafood Watch programme of the Monterey Bay Aquarium) đã đề xuất bổ sung một số nghề cá vào “Danh sách Đỏ” (Red List), là danh mục hải sản mà Chương trình Theo dõi Hải sản của Vịnh Monterey khuyến cáo người tiêu dùng nên tránh. Trong số đó có tôm hùm từ Bờ biển phía Đông của Hoa Kỳ là một trong những loài mà nhóm này muốn người tiêu dùng tránh xa do mối đe dọa đối với cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương.

Cũng có lo ngại rằng biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến ngành tôm hùm của Maine. Cụ thể, nước ở Vịnh Maine đang nóng lên đã đẩy tôm hùm ra xa hơn về phía Bắc.

Thị trường và thương mại

Thương mại tôm hùm toàn cầu tăng trở lại và ít nhiều đã trở lại mức như trước khi xảy ra COVID-19, với nhập khẩu toàn cầu tăng gần 15% vào năm 2021 so với năm 2020. Canada ghi nhận mức tăng nhập khẩu 33,6% và xuất khẩu tăng 16,9%. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng chứng kiến ​​sự gia tăng lớn trong ngoại thương, trái lại Trung Quốc đã nhập khẩu giảm 11% vào năm 2021 so với năm 2020.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra một số sóng gió trên thị trường tôm hùm toàn cầu. Các vấn đề về hậu cần khiến việc vận chuyển trở nên khó khăn và rất tốn kém. Có nhiều khó khăn về năng lực cung cấp hàng hóa qua các chuyến bay cũng như việc xử lý hàng hóa, tình trạng thiếu lao động và nguyên vật liệu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tôm hùm. Ví dụ như: Trong khi tôm hùm Maine có nhu cầu tiêu thụ tăng cao ở Trung Quốc và Đặc khu Hành chính Hồng Kông thì các vấn đề nêu trên đã gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu khi tiến hành phục vụ các thị trường này.

Tết Nguyên đán thường là mùa cao điểm kinh doanh tôm hùm ở Trung Quốc và cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự sẵn sàng của các chuyến bay thương mại vẫn chưa trở lại mức như trước đại dịch, đồng nghĩa với việc giảm khả năng vận chuyển hàng hóa (trong đó có mặt hàng tôm hùm). Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận chuyển tôm hùm sống từ Bắc Mỹ đến Trung Quốc. Do đó, khối lượng vận chuyển năm 2022 chỉ đạt khoảng 30% so với những gì người ta mong đợi như của một năm thông thường.

2021 là năm kỷ lục về doanh số bán tôm hùm Canada

Điều này một phần là do sự phục hồi sau sự gián đoạn ban đầu của đại dịch, vì người tiêu dùng dường như quan tâm đến việc thưởng thức các loại hải sản xa xỉ như tôm hùm. Canada xuất khẩu tôm hùm Mỹ tăng vọt, đạt 3,2 tỷ CAD (tương đương với 2,52 tỷ USD), cao hơn 700 triệu CAD so với kim ngạch xuất khẩu năm 2020. Trung Quốc nhập khẩu tôm hùm sống trị giá 454 triệu CAD từ Canada, trong khi Hoa Kỳ nhập khẩu tôm hùm sống trị giá 522 triệu CAD từ Canada.

Xuất khẩu các mặt hàng tôm hùm đông lạnh và tôm hùm chế biến từ Canada tăng 790 triệu USD vào năm 2021 so với năm 2020. Hoa Kỳ là thị trường quan trọng nhất, với lượng nhập khẩu 31.706 tấn tôm hùm đông lạnh và chế biến của Canada trong 11 tháng đầu năm 2021, tiếp theo là Hàn Quốc với 2.211 tấn và Tây Ban Nha với 1.595 tấn. Trung Quốc chỉ nhập khẩu 1.200 tấn tôm hùm đông lạnh và chế biến từ Canada vào năm 2021.

Triển vọng thị trường tôm hùm Canada năm 2022 rất khả quan

Doanh số tôm hùm trong hai tháng đầu năm 2022 của Canada tiếp tục tăng mạnh với mức giá cao.

Vì Hoa Kỳ đang xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một (ký với Trung Quốc vào tháng 1 năm 2020) nên rõ ràng là lượng tôm hùm Hoa Kỳ cung cấp cho thị trường EU đã giảm xuống (mặc dù tháng 11 năm 2020 đã có quy định miễn thuế đối với tôm hùm Hoa Kỳ nhập khẩu vào thị trường EU). Tuy nhiên, khoảng trống này ở thị trường tôm hùm EU đã được lấp đầy bởi nguồn cung từ Ireland. Năm 2021, xuất khẩu tôm hùm của Ireland sang Liên minh châu Âu đã tăng 37% về giá trị, đạt 19 triệu USD.

Doanh số bán tôm hùm gai nước ấm ở châu Âu dự kiến sẽ tăng vào năm 2022 do Liên minh châu Âu cho phép nhập khẩu tôm hùm từ Nicaragua. Dự kiến xuất khẩu tôm hùm gai từ Nicaragua sẽ tăng khoảng 27% vào năm 2022 so với năm 2021; đặc biệt phần lớn mức tăng trưởng này chính là khối lượng tôm hùm được chuyển đến Liên minh châu Âu.

Cùng với đó, nhu cầu đối với tôm hùm gai nước ấm cũng đang tăng ở thị trường Mỹ, mặc dù tăng khá chậm. Tôm hùm nước ấm chiếm 22% thị trường tôm hùm Hoa Kỳ và trong năm 2021 doanh số mặt hàng này đã tăng nhẹ (2%). Nguồn cung tôm hùm gai nước ấm khá hạn chế, phần nào do bão và gián đoạn thương mại do COVID-19 gây ra.

Giá cả

Giá tôm hùm sống tăng cao đã khiến người tiêu dùng Hoa Kỳ chuyển sang tiêu thụ đuôi tôm hùm (lobster tails). Trong khi giá tôm hùm Mỹ tươi sống khoảng 10 USD/lb, thì đuôi tôm hùm được bán với giá khoảng 7 USD/lb. Việc chuyển từ tôm hùm sống sang đuôi tôm hùm cũng bắt đầu được ghi nhận trong các báo cáo số liệu thống kê: Doanh số bán đuôi tôm hùm ở Hoa Kỳ tăng 16% vào năm 2021, trong khi doanh số bán tôm hùm tươi sống tăng 14,4%

Diễn biến giá tôm hùm Mỹ tại thị trường châu Âu duy trì theo hướng liên tục tăng cho đến cuối năm 2020, sau đó giá tôm hùm bắt đầu có sự sụt giảm từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2021. Kể từ giữa năm 2021, giá nhập khẩu tôm hùm Mỹ vào thị trường châu Âu luôn giữ ở mức cao và duy trì ổn định. Lạm phát ở nhiều nước châu Âu đang tiếp tục diễn ra, có thể khiến các nhà kinh doanh tôm hùm bị giảm phần nào doanh số bán hàng.

Giá tôm hùm được dự đoán sẽ duy trì ở mức cao. Nguồn cung giảm trong những tháng đầu năm 2022 có nghĩa là giá tôm hùm trên thị trường thế giới có thể sẽ tăng cao hơn nữa.

Dự báo

Triển vọng cho thị trường tôm hùm nói chung là tươi sáng. Nhu cầu mạnh và tăng đáng kể ở các thị trường quan trọng nhất, giá cao và sẽ tiếp tục duy trì như vậy trong một thời gian nữa. Vẫn còn những vấn đề trong tình hình thương mại Mỹ-Trung, nhưng hai nước dường như đang quan tâm hơn đến việc giải quyết các tranh chấp hiện nay. Thương mại hai nước đã được cải thiện sau giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại.

Nhu cầu tiêu thụ tôm hùm cũng rất tốt ở thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, giá cả cao và tỷ lệ lạm phát cao có thể làm giảm phần nào tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng. Hơn nữa, một số tác động kinh tế của cuộc chiến ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm xa xỉ như tôm hùm, mặc dù còn quá sớm để nói chính xác điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường tôm hùm thế giới như thế nào.

Ngọc Thúy (Globefish Highlights)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác