Chiến tranh ở Ukraine đã ảnh hưởng đến thị trường cá nổi toàn cầu (21-12-2022)

Chiến tranh ở Ukraine đã làm gián đoạn thị trường cá nổi. Liên bang Nga là nhà sản xuất chính cũng như thị trường tiêu thụ chính; Trong khi Ukraine là một thị trường quan trọng (nhất là đối với mặt hàng cá trứng). Liên bang Nga, quốc gia tiêu thụ lớn mặt hàng cá nổi trên thế giới, hiện phải phụ thuộc nhiều hơn vào các chuyến bay nội địa kể từ khi thương mại bị hạn chế.
Chiến tranh ở Ukraine đã ảnh hưởng đến thị trường cá nổi toàn cầu
Ảnh minh họa

Các quốc gia ven biển châu Âu lo ngại về hạn ngạch đối với cá nổi nhỏ năm 2022. Trong khi các quốc gia liên quan khác lại bày tỏ sự nhất trí với các giới hạn khoa học dành cho hạn ngạch đánh bắt cá nổi nhỏ năm 2022.

Năm 2022, ngay từ trước khi các cuộc đàm phán diễn ra, một số quốc gia đã tự động đặt hạn ngạch cho riêng quốc gia mình. Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã đặt hạn ngạch cho cá thu (209.217 tấn), cá trích Atlanto-Scandian (11.690 tấn) và cá trích xanh (58.393 tấn). Liên minh châu Âu đã thiết lập hạn ngạch cho cá thu (108.067 tấn) và cá trích Atlanto-Scandian (19.095 tấn). Na Uy đã thiết lập hạn ngạch cho cá trích Atlanto-Scandian (454.927 tấn) và cá trích xanh (200.230 tấn).

Nhóm vận động cá nổi Bắc Đại Tây Dương (the North Atlantic Pelagic Advocacy Group - NAPA) lo ngại rằng việc thiếu sự phân bổ hạn ngạch cho các quốc gia theo thỏa thuận có thể dẫn tới việc đánh bắt quá mức nguồn tài nguyên cá nổi toàn cầu và về lâu dài sẽ đe dọa tính bền vững của các trữ lượng này.

Cá thu

Năm 2021, Tổng cục Thủy sản Na Uy đã ban hành quy định hạn chế đánh bắt cá thu vào năm 2022. Phần lớn các tàu của Na Uy không được phép khai thác cá thu trong năm nay (trong khi những tàu được phê duyệt có thể đánh bắt 100.000 tấn cá thu ở các vùng biển của Na Uy). Do đó, tổng nguồn cung cá thu sẽ bị hạn chế vào năm 2022. Tổng hạn ngạch đã được Na Uy, Liên minh Châu Âu, Quần đảo Faroe, Greenland, Iceland và Vương quốc Anh và Bắc Ireland thống nhất là 794.920 tấn cho năm 2022, giảm từ 852.284 tấn năm 2021. Điều này phù hợp với các khuyến nghị của Hội đồng Quốc tế về Thám hiểm Biển (the International Council for the Exploration of the Sea - ICES).

Nhập khẩu cá thu đông lạnh của Hàn Quốc tăng 31% vào năm 2022 so với năm 2021. Tổng lượng nhập khẩu lên tới 55.225 tấn, tăng từ 42.238 tấn năm 2021. Trong tổng số này, 47.192 tấn, tương đương 85%, đến từ Na Uy. Các nhà cung cấp khác bao gồm Trung Quốc (4.167 tấn), Liên bang Nga (3.100 tấn) và Hà Lan (246 tấn).

Xuất khẩu cá thu của Na Uy đạt kỷ lục mới vào năm 2022, đạt 389.000 tấn trị giá 5,9 tỷ NOK (663 triệu USD). Theo số liệu thống kê năm 2021, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nhà nhập khẩu lớn nhất của cá thu Na Uy. Năm 2021, Nhật Bản đã nhập khẩu giảm khoảng 10% so với năm 2020, trong khi Hàn Quốc tăng 40% lượng nhập khẩu cá thu từ Na Uy.

Nhập khẩu cá thu đông lạnh nguyên con của Trung Quốc năm 2021 giảm 14,3% so với năm 2020, từ 117.742 tấn xuống 100.909 tấn. Bất chấp sự sụt giảm trong thương mại nói chung, nhập khẩu từ Na Uy đã tăng đáng kể, từ 36.409 tấn năm 2020 lên 59.947 tấn năm 2021 (tăng 65%).

Giá cá thu dự báo không thay đổi nhiều trong năm 2022 so với năm 2021. Nếu các quốc gia ven biển châu Âu đồng ý với các mức phân bổ hạn ngạch, điều đó sẽ đồng nghĩa là hạn ngạch khai thác thấp hơn đối với Na Uy, và do đó sẽ kéo theo một số áp lực về giá.

Cá trích

Có những báo cáo lạc quan từ Alaska về việc các tàu bội thu cá trích, đã phá vỡ các kỷ lục trước đó. Nghề đánh bắt cá trích ở Sitka Sound bắt đầu vào cuối tháng 3/2022 với sản lượng khai thác đạt 45.164 tấn (90 triệu pao). Nghề đánh cá ở Kodiak bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng 4, với hạn ngạch đặt ra là 8.075 tấn (16 triệu pao). Nghề đánh bắt cá trích có trứng tại Togiak (ở Vịnh Bristol) đã bắt đầu từ tháng 5 và TAC được thiết lập ở mức kỷ lục 65.107 tấn (130 triệu pound). Tuy nhiên, phần lớn lượng cá trích này sẽ không được thu hoạch vì thiếu người mua. Thị trường quan trọng duy nhất chính là Nhật Bản.

Nước ấm hơn đang đẩy cá trích ở Đông Bắc Đại Tây Dương và dọc theo bờ biển Na Uy tiến xa hơn về phía Bắc. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải Na Uy đã thực hiện một hành trình nghiên cứu vào tháng 2/2022. Họ phát hiện ra rằng đàn cá trích đã di chuyển xa hơn về phía Bắc so với những năm trước, đồng thời quần thể cá trích được ước đoán ít hơn so với năm 2021.

Xuất khẩu cá trích đông lạnh của Na Uy chỉ tăng dưới 30% vào năm 2021, lên 165.438 tấn, tăng từ 127.352 tấn của năm 2020. Các thị trường lớn nhất là Ai Cập (chiếm 38,6% trong tổng khối lượng xuất khẩu cá trích đông lạnh của Na Uy) và Nigeria (17,9%).

Xuất khẩu cá trích đông lạnh nguyên con của Nga năm 2021 đã giảm 14% so với năm 2020. Hàn Quốc và Nigeria nổi lên là hai thị trường lớn nhất, ghi nhận mức tăng lần lượt là 48,7% và 53,8%.

Cá trứng

Năm 2022, nghề đánh cá trứng quanh Iceland và ở Biển Barents đã kết thúc vào tháng 3. Ngư dân Iceland đã khai thác được tổng cộng 521.475 tấn trong hạn ngạch 685.148 tấn. Phần lớn số này được dùng để sản xuất bột cá và dầu cá. Trái lại, gần như tất cả cá trứng đánh bắt được ở Biển Barents đều được dùng làm thực phẩm cho con người.

Na Uy khai thác cá ở vùng biển Iceland chỉ đánh bắt được 90.000 tấn trong hạn ngạch 145.000 tấn vào giữa tháng 3/2022. Các đội tàu của Na Uy sau đó di chuyển đến Biển Barents, nơi có hạn ngạch 42.000 tấn. Những người khai thác cá trứng của Na Uy đang cố trì hoãn thời điểm khai thác vì hy vọng việc trì hoãn như vậy sẽ giúp họ khai thác được nhiều cá có trứng hơn. Thị trường châu Á có nhu cầu mạnh đối với mặt hàng cá trứng, tại đó, cá trứng cũng được bán với giá cao hơn thị trường châu Âu.

Về cơ bản, cá trứng (capelin) có hai thị trường tiêu thụ sản phẩm khác nhau: cá capelin đực được bán vòng quanh các thị trường Đông Âu, chủ yếu là Ukraine; trong khi cá capelin cái có trứng được bán cho thị trường châu Á. Với chiến tranh đang hoành hành ở Ukraine, thị trường cá trứng Ukraine đã trở thành điểm không thể tiếp cận, làm suy yếu thị trường cá capelin đực ở Đông Âu.

Cá cơm và cá sardines

Sản lượng cá sardines của Algeria đạt gần 30.000 tấn vào năm 2021. Con số này đã thể hiện mức tăng 60% so với 18.441 tấn được đánh bắt vào năm 2020. Lượng cá tăng đã góp phần đẩy giá cá sardines giảm xuống.

Ở Peru, sản lượng khai thác cá cơm và cá sardines phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của con người đã tăng 44%, đạt 178.400 tấn vào đầu năm 2022. Tháng 1/2022, nguyên liệu thô được phân bổ cho các sản phẩm đóng hộp và đông lạnh đã tăng lần lượt là 56,7% và 78,5%. Ngược lại, lượng phân bổ cho mục đích sản xuất bột cá và dầu cá đã giảm.

Xuất khẩu cá cơm và cá sardines của Peru đã tăng 39% vào năm 2021 lên 3,5 tỷ USD. Trong số đó, bột cá và dầu cá chiếm 2,3 tỷ USD (tương đương với 66% tổng giá trị xuất khẩu). Sản lượng khai thác cá cơm tăng là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu này của Peru.

Dự báo

Triển vọng thị trường cá nổi nhỏ không rõ ràng, một phần là do chiến tranh ở Ukraine đã khiến các nhà kinh tế rất khó dự đoán về những diễn biến tiếp theo.

Đối với hạn ngạch khai thác cá thu, một số quốc gia trên thế giới đã tự động đơn phương thiết lập cho quốc gia của mình, mặc dù đã có sự đồng thuận về tổng giới hạn đánh bắt chung (được xây dựng theo khuyến cáo khoa học của Hội đồng Quốc tế Thám hiểm Biển - ICES). Rất khó để xác định chắc chắn tổng nguồn cung cá thu sẽ đạt được là bao nhiêu. Hiện nhu cầu tốt ở các thị trường châu Á, đặc biệt là Nhật Bản sẵn sàng trả giá tương đối cao cho mặt hàng này.

Cá trích phân bổ dọc theo bờ biển Na Uy dường như đang di chuyển xa hơn về phía Bắc để tìm kiếm vùng nước lạnh hơn, và điều đó có thể ảnh hưởng đến việc khai thác cá trích của các đội tàu. Theo lẽ thông thường, một phần sản lượng cá trích của Na Uy sẽ được xuất khẩu đến Liên bang Nga và Ukraine; nhưng trong tương lai gần thì chiến tranh đã làm gián đoạn hoạt động thương mại này. Nguồn cá trích ở Alaska có thể vẫn chưa được khai thác hết và giá dự kiến sẽ giảm nhẹ.

Ngọc Thúy (Globefish Highlights)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác