Mỹ vượt Liên minh châu Âu trở thành nhà nhập khẩu tôm hàng đầu thế giới vào năm 2021 (20-12-2022)

Thương mại tôm quốc tế đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021 sau khi lĩnh vực nhà hàng và khách sạn được phép mở cửa trở lại ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Tác dụng tích cực của nó là đã khiến nguồn cung tôm nuôi ở Châu Mỹ Latinh và Châu Á tăng lên rõ rệt so với năm 2020. Đối với hai thị trường nhập khẩu lớn nhất ở Châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, khối lượng nhập khẩu tăng nhẹ.
Mỹ vượt Liên minh châu Âu trở thành nhà nhập khẩu tôm hàng đầu thế giới vào năm 2021
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Chi phí sản xuất tôm nuôi toàn cầu được báo cáo đã tăng từ 10-14% trong năm 2021. Tuy nhiên, ngành này vẫn sản xuất được 4,5 triệu tấn tôm, cao hơn 12,5% so với năm 2020. Ecuador là nước sản xuất hàng đầu, thu hoạch 1 triệu tấn tôm năm 2021. Sản lượng tôm nuôi cũng đã tăng lên ở các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia.

Bị ảnh hưởng bởi nguồn cung tôm nuôi trong nước giảm, Thái Lan đã phải nhập khẩu 32.600 tấn tôm trong năm 2021, cao hơn 87% so với năm trước đó. Tại Việt Nam, nhập khẩu tôm nguyên liệu cũng tăng 15-20% lên 60.000 tấn, chủ yếu được cung cấp bởi Ấn Độ (41.000 tấn) và Ecuador (5.700 tấn).

Thương mại quốc tế

Năm 2021, thị trường tôm toàn cầu khá ổn định với nhu cầu được cải thiện và nguồn cung tôm nuôi cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Ước tính thương mại quốc tế đối với mặt hàng tôm trong năm 2021 là 3,35 triệu tấn – con số này được cho là đạt mức cao lịch sử.

Bên cạnh đó, việc mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh nhà hàng – khách sạn cũng đã khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ nhiều tôm hơn trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu

Ecuador, nhà xuất khẩu tôm hàng đầu, chiếm 25% thị phần trong thương mại tôm quốc tế năm 2021. Trung Quốc vẫn là thị trường chính về nhập khẩu tôm của Ecuador nhưng với tỷ trọng giảm - từ 54% năm 2019 xuống 46% năm 2021; Trái lại, mức tăng xuất khẩu của Ecuador cao hơn đáng kể ở các thị trường như: Hoa Kỳ (+53%), Liên minh Châu Âu (+18%), Liên bang Nga (+55%), Hàn Quốc (+33%), Thái Lan (+175%) và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (+ 54%). Gia tăng xuất khẩu tôm đóng gói, sơ chế và chế biến sẵn đã góp phần làm tăng khối lượng xuất khẩu tôm từ Ecuador sang các thị trường phát triển ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Đặc biệt, xuất khẩu tôm từ Ấn Độ sang hầu hết các thị trường này cũng tăng.

Nhập khẩu

Thị trường tôm toàn cầu phục hồi đáng kể vào năm 2021. Bảy nhà nhập khẩu hàng đầu là Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Hàn Quốc và Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Tổng nhập khẩu tôm của các thị trường này là 2,82 triệu tấn vào năm 2021, chiếm 85% thị phần thương mại tôm quốc tế.

Mỹ

Năm 2021 tiếp tục là một năm kỷ lục về nhập khẩu tôm của Mỹ (895.030 tấn, trị giá 8.011 triệu USD). Về cơ cấu thị trường: Trong 05 nguồn cung tôm hàng đầu, nhập khẩu tăng từ Ấn Độ (+25%), Ecuador (+46%), Indonesia (+8,6%) và Việt Nam (+33%); nhập khẩu giảm nhẹ từ Thái Lan.

Về cơ cấu mặt hàng: Tôm nguyên liệu bóc vỏ đông lạnh là nhóm sản phẩm phổ biến nhất (chiếm 46% với 416.415 tấn) trong tổng nhập khẩu tôm của Mỹ, tiếp theo là tôm nguyên vỏ (30% với 276.000 tấn), tôm tẩm bột (7% với 62.182 tấn) và sản phẩm tôm giá trị gia tăng khác (14% với 125.364 tấn). Nhìn chung, giá tôm tại thị trường Mỹ vẫn ổn định trong thương mại bán lẻ và ăn uống.

Châu Âu

Việc khôi phục lại hoạt động kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống đã khiến nhu cầu chung đối với tôm nguyên liệu và tôm chế biến trên khắp lục địa châu Âu tăng lên.

Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu tôm cao hơn 13,3% so với năm 2020, đạt 829.300 tấn. Tây Ban Nha, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan và Ý là những nhà nhập khẩu tôm hàng đầu trong khối EU.

Tỷ lệ nguồn cung ngoài EU trong tổng nhập khẩu của EU đã giảm từ 73% năm 2020 xuống 71% năm 2021 (590.304 tấn), trong đó có 108.617 tấn tôm chế biến.

Nhập khẩu tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tăng 10% lên 84.657 tấn; các nhà cung cấp hàng đầu là Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador và Đan Mạch. Nhập khẩu tại Liên bang Nga cao hơn 52,8%, đạt 90.000 tấn. Các nhà cung cấp tôm hàng đầu trong bảng xếp hạng của Liên bang Nga là Ecuador, Greenland, Ấn Độ, Argentina và Việt Nam.

Tương tự, nhập khẩu của Ucraina cũng đã tăng 38,6% lên 16.700 tấn; nguồn cung chủ yếu đến từ Canada (38%), Ecuador (20%) và Ấn Độ (11%).

Tại Na Uy và Thụy Sĩ, nhập khẩu năm 2021 cũng tăng so với năm 2020.

Bước sang năm 2022, nhập khẩu của Liên bang Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xung đột ở Ukraine. Các lô hàng đến Liên bang Nga, thị trường tôm lớn thứ sáu của Ecuador trong năm 2021, đã buộc phải chuyển hướng sang các thị trường khác do những rắc rối về dịch vụ hậu cần và khó khăn trong thanh toán thương mại.

Trung Quốc

Nhìn chung, nhu cầu của người tiêu dùng đối với thủy sản, trong đó có tôm, được cải thiện trong năm 2021. Thương mại nội địa diễn ra sôi động trong quý I và quý IV do dịp Tết Nguyên đán (tháng 1/2) và Quốc khánh vào tháng 10.

Trong khi đó, chính sách quốc gia “không COVID-19” và việc kiểm tra thực phẩm nghiêm ngặt đối với thủy sản nhập khẩu đã giữ cho lượng nhập khẩu tôm chỉ duy trì trong khoảng 146.000 tấn mỗi quỹ (trong suốt 9 tháng đầu năm 2021). Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu đã tăng vọt trong quý cuối cùng của năm 2021 lên 211.400 tấn, góp phần làm tăng 7,4% lượng nhập khẩu năm 2021 so với năm trước, đạt 658.117 tấn. Ecuador, nhà cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Trung Quốc, đã được hưởng lợi rất nhiều khi thị phần của họ tăng lên 57,6% vào năm 2021 so với 45% vào năm 2019 và 52% vào năm 2020.

Tổ chức Nuôi trồng thủy sản Quốc gia Ecuador (the National Chamber of Aquaculture of Ecuador - CNA) và Đại sứ quán Ecuador tại Trung Quốc đã phát động Chiến dịch quảng bá “Tôm Ecuador” vào năm 2021 nhằm mang lại hình ảnh mới cho thương hiệu tôm Ecuador, thể hiện những ưu việt của tôm Ecuador đối với các nhà phân phối và người tiêu dùng Trung Quốc, không chỉ đối với hương vị và giá trị dinh dưỡng mà còn là quy trình sản xuất, chế biến có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, tại thị trường Trung Quốc, nhập khẩu tôm tăng 10% từ Ấn Độ, +13% từ Thái Lan so với năm 2020 (nhưng vẫn thấp hơn mức của năm 2019). Đặc biệt, sự sụt giảm trong nhập khẩu tôm từ Việt Nam là rất lớn (con số này lên tới -35% năm 2021).

Năm 2022 đã được bắt đầu với lượng nhập khẩu tôm hàng quý vào thị trường Trung Quốc tăng 30% so với quý trước, do trữ lượng tôm đông lạnh tại quốc gia này bị giảm mạnh trong dịp Tết Nguyên đán (từ tháng 1 đến tháng 2).

Đáng tiếc là tại Thượng Hải, thị trường thủy sản vô cùng ảm đảm sau sự bùng phát của COVID-19 kể từ cuối tháng 3/2022. Thượng Hải đã áp dụng lệnh phong tỏa hoàn toàn được thực hiện theo chính sách “zero-Covid-19” của Trung Quốc. Thậm chí, việc phong tỏa (toàn bộ hoặc một phần) cũng được mở rộng đến Bắc Kinh và một số thành phố lớn khác kể từ tháng 4 và tháng 5/2022, khiến các nhà hàng phải đóng cửa không phục vụ khách hàng đến dùng bữa nhưng được phép mở cửa phục vụ mua-mang đi và giao hàng tận nhà (kể từ ngày 1 tháng 5 năm 2022).

Nhật Bản

Từng là thị trường tôm hàng đầu thế giới nhưng Nhật Bản đã mất đi vị thế nổi bật trong thương mại tôm toàn cầu do nhu cầu của người tiêu dùng không thực sự ấn tượng trong những năm qua. Trong thập kỷ qua, nhập khẩu tôm bình quân hàng năm của thị trường này ổn định từ 210.000 đến 220.000 tấn.

Tổng lượng nhập khẩu năm 2021 là 219.334 tấn (+4,4%), trong đó 28% (62.000 tấn) là sản phẩm chế biến/giá trị gia tăng. Trong số 5 nhà cung cấp hàng đầu, nhập khẩu tôm giảm từ Việt Nam nhưng tăng nhẹ từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Argentina.

Tiêu thụ tôm ở Nhật Bản thường tăng lên trong các tháng lễ hội mùa xuân (tháng 4 và tháng 5). Tuy nhiên, nhập khẩu quý trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022 thấp hơn 3,5% so với cùng kỳ năm 2021 cho thấy lượng hàng tồn kho cao trong chuỗi cung ứng tôm ở Nhật.

Châu Á và Thái Bình Dương

Nhu cầu chung về tôm tại các thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được cải thiện khi các nhà hàng phục vụ người dân địa phương mở cửa trở lại và dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc ăn uống ở bên ngoài. Tuy nhiên, những hạn chế đối với khách du lịch quốc tế vẫn còn ở hầu hết các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cho đến quý hai của năm 2022.

Theo đánh giá của FAO, thương mại tôm tươi đã tăng lên tại nhiều thị trường Đông Nam Á (như Malaysia, Singapore). Nhập khẩu tôm đông lạnh cũng tăng (ở các thị trường như Ấn Độ, Ecuador) để phục vụ cho tiêu thụ nội địa; đặc biệt là phục vụ nhu cầu tiêu thụ tôm vào dịp Tết Nguyên đán.

Giá cả

Mặc dù chi phí vận chuyển tăng cao nhưng giá tôm đông lạnh giao dịch quốc tế năm 2021 vẫn ổn định. Dọc chuỗi phân phối tại một số thị trường nhập khẩu (như Mỹ), giá tôm năm 2021 đối mặt với lạm phát từ 10-14% so với năm 2019. Tuy nhiên, mức tăng giá dường như thấp hơn so với các loại hải sản khác như sò điệp, tôm hùm và cua...

Trong thương mại bán lẻ ở các thị trường Đông Nam Á và Đông Á, giá tôm tươi/ướp đá đã tăng lên (dao động trong khoảng 25 đến 30% vào năm 2022 so với mức giá của năm 2021).

Tại Ấn Độ, các nhà sản xuất tôm đang rất lo ngại về việc tăng cước phí vận chuyển, chi phí thuê nhân công và đóng gói, hiện giá đã bị đội thêm từ 0,3 - 0,4 USD/pound vào giá xuất khẩu tôm của Ấn Độ.

Dự báo

Các nhà lãnh đạo ngành tôm dự đoán sản lượng tôm nuôi trên thị trường thế giới sẽ tăng 10% năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng thị trường vẫn không chắc chắn trên toàn thế giới do các vấn đề địa chính trị và tài chính, hiện tại là cuộc xung đột ở Ukraine, khiến chi phí nhiên liệu tăng, giá cước vận tải cao và chi phí dịch vụ hậu cần cũng tăng lên.

Các nhà xuất khẩu tôm ở châu Á và Mỹ Latinh cũng lo ngại về khả năng nhu cầu từ Trung Quốc và châu Âu sẽ suy yếu. Dự kiến nguồn cung tăng ở châu Á, giá chắc chắn sẽ chịu áp lực từ việc nguồn cung tăng. Tính đến tháng 3 năm 2022, giá tôm thẻ chân trắng xuất xưởng ở Ấn Độ cao hơn 20-30% so với mức cùng kỳ năm 2021.

Ngư dân đánh bắt tôm Argentina dự báo sản lượng khai thác tôm năm 2022 sẽ thấp hơn năm 2021. Các bên liên quan cho rằng việc khối lượng khai thác tôm không thực sự khả quan là do các tàu đánh bắt tôm đã hoạt động ít hơn, số tàu cập cảng giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, các hoạt động chế biến tôm có thể bị gián đoạn một thời gian do thiếu nguyên liệu tôm giữa các mùa thu hoạch.

Sẽ có thêm nguồn cung ở Ecuador vì xuất khẩu của nước này sang thị trường mới nổi ở Liên bang Nga sẽ bị đình trệ cho đến khi lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga được dỡ bỏ.

Việc mở lại giao dịch dịch vụ nhà hàng khác sạn (HORECA) vào năm 2021 đã giúp tăng cơ hội bán hàng ở nhiều thị trường tôm trên thế giới, ở cả thị trường truyền thống và mới nổi. Tuy nhiên, các chuẩn mực mới đã phát triển trong hoạt động tiếp thị bán lẻ do các hạn chế của COVID-19 vẫn tiếp tục tác động mạnh, khiến các dịch vụ mua sắm trực tuyến, nấu ăn tại nhà và giao hàng tận nhà phát triển hơn trước.

Tại Mỹ, nhập khẩu tôm tăng 19% trong quý đầu tiên của năm 2022, cho thấy nguồn cung tốt trên thị trường này. Tuy nhiên, tiêu thụ tôm có thể bị ảnh hưởng nếu thu nhập khả dụng của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát gia tăng.

Trong quý đầu tiên của năm 2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc cũng đã tăng lên 30% so với quý trước. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa do COVID-19 áp đặt lên hàng triệu người dân ở Thượng Hải, Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn khác trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 đã gây ra sự gián đoạn trong các chuyến hàng từ tất cả các nguồn cung đến thị trường này.

Tại châu Âu, xung đột ở Ukraine chắc chắn sẽ tác động tiếp đến doanh số thương mại tôm năm 2022 của khối EU.

Ngọc Thúy (Globefish Highlights)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác