Dự báo giá của nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng (17-12-2022)

Theo thống kê thủy sản toàn cầu 2021 của FAO, nhu cầu đối với các mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng mạnh vào năm 2021 so với 2020, do các hạn chế về COVID-19 được giảm bớt ở các quốc gia tiêu thụ chính những mặt hàng này.
Dự báo giá của nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng
Ảnh minh họa

Trong năm 2021, giá xuất xưởng của Sò điệp đã tăng hơn 50% tại Hoa Kỳ, giá Vẹm tại Pháp tăng 10%. Nhìn chung, thương mại quốc tế đối với các mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ đều tăng lên trong năm 2021, quay trở lại như mức trước COVID-19. Những tháng đầu năm 2022, giá các mặt hàng này tiếp tục tăng, phù hợp với tỷ lệ lạm phát cao ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ.

Vẹm: Năm 2021 sản lượng Vẹm tại Pháp rất tốt, trong khi Hà Lan báo cáo sản lượng giảm do thời tiết xấu và nhiệt độ nước thấp. Sản lượng Vẹm ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu hầu như không đáp ứng được 80% nhu cầu của người tiêu dùng nên các nước này đã phải nhập khẩu Vẹm từ Chile và New Zealand để đáp ứng nhu cầu thị trường EU đối với loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ này. Hầu hết sản phẩm Vẹm tiếp cận thị trường ở dạng đông lạnh, đa số là sản phẩm còn nguyên vỏ.

Pháp là thị trường thế giới chính của Vẹm, nhập khẩu vào nước này tăng 13% trong năm 2021, nhưng vẫn thiếu 5.000 tấn so với nhập khẩu năm 2019. Tây Ban Nha hiện là quốc gia xuất khẩu Vẹm tươi sống chính sang thị trường Pháp, tiếp theo là Hà Lan. Tuy nhiên tại Hà Lan, xuất khẩu chỉ tăng nhẹ do sản xuất hạn chế trong năm 2021.

Tổng khối lượng nhập khẩu Vẹm trên toàn thế giới là 330.000 tấn năm 2021, tăng 20% so với năm 2020 và gần bằng kết quả năm 2019. Trong năm 2021, Hoa Kỳ nổi lên như một nhà nhập khẩu chính của Vẹm, với lượng nhập khẩu tăng 10.000 tấn so với năm 2020, và cũng nhiều hơn 6.000 tấn so với lượng nhập khẩu năm 2019. FAO nhận định thị trường Vẹm của Hoa Kỳ trong thời gian tới còn có khả năng tăng trưởng hơn nữa.

Hàu: Thương mại Hàu phát triển mạnh trong năm 2021, thậm chí vượt cả kết quả năm 2019. Khoảng 71.000 tấn Hàu đã được nhập khẩu trên toàn thế giới trong năm 2021, cao hơn 15.000 tấn so với năm 2020 và thậm chí cao hơn 6.000 tấn so với năm 2019. Điều này chủ yếu là do nhập khẩu Hàu vào Hoa Kỳ tăng mạnh. Trong năm 2021, Hoa Kỳ trở thành nhà nhập khẩu chính của Hàu, đứng trước Pháp và Ý. Nhập khẩu Hàu của Hoa Kỳ đã tăng khoảng 41% trong năm 2021. Nhập khẩu của Pháp thậm chí còn tăng mạnh hơn ở mức 45%, trong khi nhập khẩu của Ý tăng 50%.

Pháp là nước xuất khẩu chính của Hàu ra thị trường thế giới, mặt hàng này được xuất khẩu chủ yếu sang các nước láng giềng như Ý và Tây Ban Nha, ngoài ra còn xuất sang Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu Hàu của Pháp đã phục hồi trong năm 2021, trở lại mức như trước thời điểm xảy ra COVID-19. Tuy nhiên, sản xuất Hàu ở Pháp cũng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ nước thấp trong những tháng mùa hè năm 2021.

Sò điệp: Trung Quốc đồng thời là nước sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu chính của Sò điệp trên thế giới. Trung Quốc đã cố gắng tăng xuất khẩu Sò điệp vào năm 2021 khoảng 40%. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của FAO, thế giới sẽ cần phải xem xét các đợt phong tỏa do COVID-19 trong năm 2022 có tác động như thế nào đối với hoạt động xuất khẩu Sò điệp của Trung Quốc.

Nhật Bản là quốc gia sản xuất Sò điệp lớn thứ hai trên thế giới, cả từ sản lượng đánh bắt trong tự nhiên và nuôi trồng thủy sản. Nhật Bản cũng là nước xuất khẩu chính của Sò điệp sang thị trường Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu Sò điệp của Nhật Bản tăng gấp đôi lên 2.300 tấn.

Peru đã báo cáo một kết quả tuyệt vời vào năm 2021 sau những khó khăn trải qua trong các năm 2018 và 2019. Peru là quốc gia xuất khẩu Sò điệp lớn thứ hai với 11.400 tấn vào năm 2021, tăng 23% so với năm 2020. Đặc biệt, giá của Sò điệp tăng ấn tượng trong năm 2022.

Ngành công nghiệp Sò điệp của Hoa Kỳ báo cáo sản lượng khai thác Sò điệp giảm vào năm 2021, nhưng trái lại giá tăng mạnh. Giá cao hơn đã được ghi nhận, đặc biệt là đối với Sò điệp cỡ lớn. Kết quả cụ thể là, sản lượng ở Maine đã giảm 20%, tổng giá trị Sò điệp trái lại tăng 20%. Sản lượng Sò điệp của Hoa Kỳ năm 2022 được dự đoán là sẽ thấp, điều này có thể dẫn đến mức giá Sò điệp tiếp tục bị đẩy cao hơn nữa tại thị trường này.

Ngao: Mặt hàng Ngao ở thị trường Ý chủ yếu được cung cấp bởi các nhà sản xuất trong nước. Giá duy trì ở mức cao, chẳng hạn như 19,99 EUR/kg đối với loài Ruditapes, trong khi Ngao khai thác trong tự nhiên được bán với giá khoảng 6,99 EUR/kg.

Năm 2021, tổng thương mại Ngao trên toàn thế giới tăng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thương mại các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác. Khoảng 287.000 tấn đã được nhập khẩu trong năm 2021, nhiều hơn 20.000 tấn so với năm 2020, nhưng vẫn kém 6.000 tấn so với năm 2019. Điều này là do nhập khẩu vào Nhật Bản và Hàn Quốc giảm, đây là hai quốc gia lớn về nhập khẩu Ngao trên thế giới.

Tương tự như nhập khẩu các mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác, Hoa Kỳ đã báo cáo mức tăng trưởng nhập khẩu ấn tượng, từ 14.000 tấn năm 2020 lên 21.000 tấn năm 2021. Trung Quốc cho đến nay vẫn là nhà cung cấp Ngao chính cho thị trường thế giới, chiếm khoảng 50% tổng lượng xuất khẩu Ngao toàn thế giới. Hầu hết các mặt hàng này được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dự báo: Cùng với việc các hạn chế về COVID-19 được dỡ bỏ ở cả Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, nhu cầu đối với mặt hàng hai mảnh vỏ ở các nhà hàng dự kiến sẽ rất cao trong những tháng mùa hè. Có một xu hướng chung là thế giới đã quay trở lại các hoạt động của cửa hàng ăn uống phục vụ du lịch, nơi mà mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ được coi là một trong những sản phẩm chính của nhà hàng.

Trái với nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên, sản lượng trên toàn thế giới nhìn chung lại giảm xuống do nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, có khả năng giá của mặt hàng hai mảnh vỏ sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi có tỷ lệ lạm phát cao ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tác động của cuộc xung đột ở Ukraine dường như không ảnh hưởng gì đối với mặt hàng Vẹm, vì Vẹm xuất khẩu từ Chile sang Liên bang Nga - là nước tiêu dùng chính của Vẹm Chile - sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.

Ngọc Thúy (Globefish Highlights)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác