Những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Châu Âu (phần 1) (25-04-2022)

Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (the Centre for the Promotion of Imports from developing countries - CBI) vừa công bố kết quả nghiên cứu về những sản phẩm thủy sản xuất khẩu từ các nước đang phát triển có tiềm năng nhất tại thị trường Châu Âu.
Những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Châu Âu (phần 1)
Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, nhu cầu đối với các sản phẩm tiện lợi ở châu Âu tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các sản phẩm thao tác nhanh, dễ chuẩn bị. Trong thời kỳ xảy ra đại dịch Covid-19, nhu cầu này càng trở nên mạnh mẽ hơn khi ngày càng có nhiều người chuyển sang nấu ăn tại nhà và giao hàng tận nhà trong bối cảnh ngành dịch vụ ăn uống bị đóng cửa. Về kênh bán lẻ, được dự đoán là tiếp tục được duy trì. Do đó, với tư cách là một nhà xuất khẩu, việc cung cấp các sản phẩm trực tiếp cho thị trường châu Âu (chẳng hạn như xuất khẩu các sản phẩm đóng hộp) có thể mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tốt để cung cấp cho kênh bán lẻ. Nếu doanh nghiệp của bạn (hoặc quốc gia của bạn) không thể tự chế biến sản phẩm, bạn hoàn toàn có thể cung cấp nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp chế biến của Châu Âu.

Sản phẩm tôm giá trị gia tăng

Tất cả các nước Châu Âu đều nhập khẩu sản phẩm tôm. Tùy theo xuất xứ và thị trường nhập khẩu, có rất nhiều loại tôm, như: tôm nguyên đầu - nguyên vỏ (head-on shell-on/HOSO), tôm nguyên vỏ - bỏ đầu (headless shell-on/HLSO), tôm dễ bóc vỏ, tôm đã bỏ vỏ, tôm tẩm bột. Hầu hết tôm được nhập khẩu với mã giáp xác (HS0306), bên cạnh đó có một lượng nhỏ hơn được nhập khẩu dưới dạng đã sơ chế và bảo quản (HS1605). Tôm nhập khẩu dưới dạng sơ chế và bảo quản phải trải qua ít nhất hai bước xử lý (ví dụ: hấp chín và bóc vỏ). Những sản phẩm này thường được gọi là sản phẩm “giá trị gia tăng” và thuộc các mã HS160521 và HS160529.

Năm 2020, tôm chế biến và bảo quản chiếm khoảng 18% tổng nhập khẩu tôm nước ấm của châu Âu, với tổng giá trị 750 triệu đô la đến từ các nước đang phát triển. Nhóm sản phẩm này có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 2%/năm đối với nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 của các quốc gia trong giám sát của CBI đạt 5%. Do đó, việc gia tăng giá trị cho sản phẩm tôm có thể mang lại cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản một vị thế tốt hơn trên thị trường tôm châu Âu khi nhu cầu đối với sản phẩm này đang tăng lên.

Thị phần nhập khẩu chính của các sản phẩm tôm giá trị gia tăng từ các nước đang phát triển (các mã HS160521/29) là Hà Lan, Vương quốc Anh và Đức. Ba quốc gia châu Âu này đã nhập khẩu 68% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu. Cụ thể, Hà Lan đã nhập khẩu 219 triệu USD với khối lượng 119.000 tấn. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng phần lớn mặt hàng này được nhập khẩu từ Maroc, thực tế có bao gồm tôm nâu đã bóc vỏ và chế biến (peeled and processed brown shrimp) là một loại tôm nước lạnh. Tiếp sau Maroc là Việt Nam và Indonesia, những nước cung cấp tôm nước ấm.

Vương quốc Anh là nhà nhập khẩu tôm nước ấm đã chế biến và bảo quản lớn thứ hai với giá trị 180 triệu USD, khối lượng trên 16.000 tấn. Nhà cung cấp chính là Việt Nam. Đức đứng thứ ba, chiếm 14% với giá trị 107 triệu USD và khối lượng 11.000 tấn.

Khu vực thị trường Nam Âu chủ yếu nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm tôm nguyên đầu - nguyên vỏ (HOSO), phần còn lại của Châu Âu thì đã chuyển hướng sang tiêu thụ mạnh mẽ các sản phẩm tiện lợi. Những sản phẩm này có thể ăn ngay hoặc dễ chế biến tại nhà hoặc tại các nhà hàng (như: tôm đã bóc vỏ, hấp chín, có thể kèm theo nước sốt; hoặc tôm tẩm bột, chỉ việc chiên giòn).

Sản phẩm thủy sản đóng hộp

Ở châu Âu, đại dịch COVID-19 đã tạo ra xu hướng tiêu thụ tích cực các sản phẩm thuỷ sản đóng hộp khi ngày càng có nhiều người chuyển sang nấu ăn tại nhà và mua hàng tại kênh bán lẻ. Khi hoạt động bán lẻ trở thành đầu ra chính cho các sản phẩm thủy hải sản, nhu cầu đối với thủy sản đóng hộp đã tăng lên, đặc biệt trong thời kỳ các quốc gia châu Âu thực hiện lệnh đóng cửa. Điều này củng cố xu hướng tiêu dùng của người châu Âu muốn mua các mặt hàng đơn giản, tiện lợi và có thể ăn ngay.

Trong giai đoạn 2016-2019, các sản phẩm thủy sản chế biến - bảo quản (mã HS1604) được xuất khẩu vào thị trường EU với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,1%/năm và đạt tổng giá trị 3,2 tỷ USD vào năm 2020. Trong nhóm này, cá ngừ chế biến đạt tốc độ tăng trưởng 7,5%. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu cá ngừ chế biến từ các nước đang phát triển lại giảm xuống, trung bình giảm 2%/năm. Con số này chỉ thể hiện sự giảm nhẹ, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu đối với mặt hàng cá ngừ chế biến nhập khẩu từ các nước đang phát triển đang tăng lên và sức tiêu thụ các sản phẩm này ngày càng tăng sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khi quyết định thâm nhập thị trường châu Âu.

Năm 2020, châu Âu nhập khẩu tổng cộng 702.395 tấn thủy sản đóng hộp. Trong tổng lượng nhập khẩu đó có đến 375.850 tấn (chiếm 53,5%) đến từ các nước ngoài châu Âu.

Cá ngừ đóng hộp

Năm 2020, cá ngừ đóng hộp có nhu cầu lớn nhất trong phân khúc thủy sản đóng hộp ở châu Âu, với tổng giá trị nhập khẩu 2,5 tỷ USD. Sự bùng phát đại dịch COVID-19 đã khiến mối quan tâm đối với cá ngừ đóng hộp tăng lên. Là một loại sản phẩm quen thuộc, dễ chế biến và được nhiều người châu Âu ưa thích. Điều này mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp vào thị trường châu Âu.

Tây Ban Nha là nhà nhập khẩu hàng đầu mặt hàng cá ngừ đóng hộp, chiếm 23% thị phần vào năm 2020, đạt giá trị nhập khẩu 574 triệu USD và khối lượng 130.000 tấn. Nhà cung cấp hàng đầu cho Tây Ban Nha là Ecuador. Tiếp theo là Ý, chiếm 18% thị phần với 453 triệu USD và 72.000 tấn; Ecuador cũng là nhà cung cấp chính cho Ý. Đứng thứ ba là Đức với kim ngạch nhập khẩu 335 triệu USD và khối lượng 81.000 tấn; Các nhà cung cấp chính của Đức là Philippines và Papua New Guinea.

Nếu bạn quan tâm đến việc hợp tác kinh doanh với Tây Ban Nha trong ngành sản xuất thủy sản đóng hộp, hãy nhớ rằng Tây Ban Nha là một quốc gia chế biến lớn và đã thiết lập các kênh xuất khẩu lâu đời ở châu Âu. Do đó, bằng cách tham gia vào thị trường Tây Ban Nha, sản phẩm của bạn cũng có thể tiếp cận phần còn lại của Châu Âu. Một số công ty Tây Ban Nha thậm chí còn nỗ lực tiếp thị thị trường quốc tế, chiếm 30% đến 40% doanh số bán hàng của họ.

Đức không phải là quốc gia đánh bắt hay chế biến cá ngừ. Tuy nhiên, quốc gia này là thị trường quan trọng về nhập khẩu cá ngừ đóng hộp, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp ngoài châu Âu. Đức có một số công ty chế biến địa phương sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, do đó phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu – chế biến sản phẩm giá trị gia tăng. Hầu hết các sản phẩm cá ngừ đóng hộp bán sang Đức đều có nhãn hiệu riêng, có nghĩa là những nhà nhập khẩu này sẽ làm việc với các công ty cung cấp của họ để sản xuất ra các sản phẩm đúng theo thông số kỹ thuật của công ty và bán dưới tên thương hiệu của công ty.

Cá sardines/ cá cơm đóng hộp

Trong những năm qua, cá sardines và cá cơm đóng hộp cũng có tốc độ tăng trưởng khoảng 3%/năm. Các nước đang phát triển chỉ chứng kiến ​​mức tăng trưởng 1%. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, trung bình hàng năm mức tiêu thụ cá sardines của châu Âu tăng từ 0,53-0,57 kg/người. 

Tổng giá trị nhập khẩu cá sardines và cá cơm đạt 380 triệu USD, chiếm 12% tổng giá trị nhập khẩu thủy sản đóng hộp. Trong khi cá cơm được nhập khẩu bởi các quốc gia giống như đã nói bên trên (tại phần “Cá ngừ đóng hộp”), cá sardines đóng hộp lại ở trong hoàn cảnh khác: Pháp là nước nhập khẩu hàng đầu với tỷ trọng 23%; 45 triệu USD với khối lượng 12.000 tấn. Tiếp theo Pháp là Vương quốc Anh với tỷ trọng nhập khẩu cá sardines đóng hộp là 17%; trị giá 34 triệu USD, với khối lượng là 10.500 tấn.

Cá cơm vốn được coi là một món ngon ở Ý. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia vào thị trường Ý, nhất là khi doanh nghiệp đó muốn xuất khẩu mặt hàng cá cơm đóng hộp.  

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác