Châu Âu - thị trường mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu thủy sản (Phần 2) (13-04-2022)

Theo Cơ quan Giám sát thị trường thủy sản châu Âu (the European Market Observatory for Fisheries and Aquaculture - EUMOFA), nhập khẩu của Tây Bắc Âu vẫn ổn định trong thời gian bùng phát dịch bệnh Covid-19.
Châu Âu - thị trường mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu thủy sản (Phần 2)
Ảnh minh họa

Tại châu Âu, ngoài Nam Âu thì khu vực Tây Bắc Âu cũng mang đến những cơ hội xuất khẩu thú vị cho các nước đang phát triển, do Tây Bắc Âu chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu của Châu Âu từ các nước đang phát triển. Khu vực này có bốn quốc gia nhập khẩu hàng đầu: Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức và Bỉ.

Năm 2020, Tây Bắc Âu nhập khẩu thủy sản trị giá 5,0 tỷ USD từ các nước đang phát triển. Không giống như Nam Âu, giá trị nhập khẩu năm 2020 đã tăng 2% so với năm 2019 (4,98 tỷ USD). Nhập khẩu từ các nước đang phát triển chiếm 74% tổng kim ngạch nhập khẩu của Tây Bắc Âu từ bên ngoài châu Âu (6,8 tỷ USD).

Ba nhóm sản phẩm chiếm ưu thế trong nhập khẩu thủy sản từ các nước đang phát triển là philê cá với giá trị 1,4 tỷ USD (chủ yếu là các sản phẩm chế biến đến từ Trung Quốc như cá minh thái, cá tra và cá tuyết), giáp xác 1,3 tỷ USD (chủ yếu là tôm nguyên liệu và tôm bóc vỏ, được chế biến lại và cung cấp cho các kênh bán lẻ), thủy sản chế biến trị giá 1,2 tỷ USD (gồm cá ngừ vằn đóng hộp và cá ngừ đại dương bonito). Trong khi giá trị nhập khẩu philê cá giảm 12% thì trái lại giá trị nhập khẩu giáp xác đã tăng lên 9% và nhập khẩu thủy sản chế biến tăng mạnh 17%.

Thị trường cung cấp chính từ các nước đang phát triển là Trung Quốc (1,0 tỷ USD), chủ yếu xuất khẩu philê cá; và Việt Nam (821 triệu USD), chủ yếu xuất khẩu cá tra và tôm. Các thị trường cung cấp lớn khác là Ecuador (490 triệu USD), chủ yếu xuất khẩu tôm và cá ngừ; Ấn Độ (361 triệu USD), chủ yếu xuất khẩu tôm; Thổ Nhĩ Kỳ (315 triệu USD), chủ yếu xuất khẩu philê cá mú và cá tráp. Nhập khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt giảm 13% và 2%, trong khi giá trị nhập khẩu từ Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ tăng lần lượt 3% và 4%. Giá trị nhập khẩu từ Ecuador tăng vượt bậc 44%. Ngược lại, thị phần của Ecuador tại thị trường Trung Quốc giảm do COVID-19. Do đó, sự hiện diện của Ecuador ở thị trường thủy sản châu Âu ngày càng mạnh mẽ.

Ba nhà nhập khẩu hàng đầu của Tây Bắc Âu là Vương quốc Anh, Hà Lan và Đức. Năm 2020, Vương quốc Anh đã nhập khẩu 1,54 tỷ USD, giảm 1% so với năm trước (1,55 tỷ USD). Đức nhập khẩu 1,41 tỷ USD, cũng ít hơn 1% so với năm trước (1,43 tỷ USD). Trái lại, nhập khẩu vào Hà Lan đã tăng lên 1,50 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước (1,37 tỷ).

Vương quốc Anh là thị trường hải sản lớn nhất Tây Bắc Âu

Vương quốc Anh là thị trường lớn nhất Tây Bắc Âu đối với thủy sản nhập khẩu từ các nước đang phát triển và mức tiêu thụ thủy sản bình quân 22 kg/người vào năm 2018. Các sản phẩm chính nhập khẩu từ các nước đang phát triển là philê cá (404 triệu USD), giáp xác (390 triệu USD), cá sơ chế hoặc chế biến sẵn (386 triệu USD), động vật giáp xác và động vật thân mềm đã sơ chế hoặc chế biến sẵn (202 triệu USD). Trong khi giá trị nhập khẩu philê cá và động vật giáp xác giảm nhẹ, thì giá trị nhập khẩu của hai loại sau lại tăng (gồm cá sơ chế hoặc chế biến sẵn; động vật giáp xác và động vật thân mềm sơ chế hoặc chế biến sẵn).

Do Brexit nên thị trường Anh là một trong những thị trường cần để mắt nhiều hơn. Mặc dù hiện tại rất khó để xác định tác động của Brexit, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhất định sẽ sớm quan sát và đánh giá được tác động của các thỏa thuận thương mại Brexit đến hoạt động nhập khẩu thủy sản vào Vương quốc Anh.

Hà Lan và Đức là trung tâm thương mại lớn

Sự ưa chuộng các món hải sản của người tiêu dùng Hà Lan dường như đang tăng lên với mức tiêu thụ bình quân năm 2018 là 21 kg/người. Các sản phẩm chính được nhập khẩu từ các nước đang phát triển là giáp xác (411 triệu USD), cá chế biến (385 triệu USD), philê cá (316 triệu USD) và các sản phẩm tôm giá trị gia tăng (244 triệu USD). Trong khi giá trị nhập khẩu của philê cá và các sản phẩm tôm giá trị gia tăng đều giảm khoảng 10% vào năm 2020, thì ngược lại giá trị nhập khẩu đối với tôm và cá chế biến đều tăng khoảng 30%.

Cần nhớ rằng Hà Lan cũng là quốc gia tái chế rất nhiều tôm, và là đầu mối thương mại tái xuất tôm sang các nước khác. Một số nhà tái chế tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương của Hà Lan là Heiploeg và Klaas Puul. Các công ty này rã đông các khối đá, chế biến chúng thành sản phẩm mong muốn và đóng gói chúng để phân phối bán lẻ hoặc bán cho các công ty khác hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Nhập khẩu tôm có mã HS030617 tăng 28% từ năm 2019 đến năm 2020 có thể là tôm đã qua chế biến và tham gia vào thị trường bán lẻ đang mở rộng.

Cũng là một quốc gia thương mại quan trọng, mức tiêu thụ thủy sản của Đức bình quân năm 2018 là 15 kg/người. Các sản phẩm chính mà họ nhập khẩu từ các nước đang phát triển vào năm 2020 là philê cá (542 triệu USD), cá chế biến (402 triệu USD), giáp xác (223 triệu USD) và các sản phẩm tôm giá trị gia tăng (122 triệu USD). Trong khi giá trị nhập khẩu philê cá giảm 17%, giá trị nhập khẩu cá và động vật giáp xác đã sơ chế hoặc chế biến sẵn tăng 23% và 9%. Nhập khẩu các sản phẩm tôm giá trị gia tăng vẫn ổn định.

Tây Bắc Âu chuyển sang tập trung ở kênh bán lẻ

COVID-19 đã tấn công ngành công nghiệp thủy sản của Tây Bắc Âu nhưng đối với các thương nhân và nhà chế biến của khu vực này thì một điều đáng ngạc nhiên đã xảy ra. Nhu cầu thủy sản chuyển dịch rõ rệt từ ngành dịch vụ ăn uống sang ngành bán lẻ. Do đó, nhập khẩu tổng thể từ các nước đang phát triển giảm không đang kể. Sẽ rất thú vị khi quan sát chuyển biến về nhu cầu tiêu thụ thủy sản lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và lĩnh vực bán lẻ, chúng sẽ thay đổi như thế nào khi ngày càng có nhiều quốc gia giảm bớt các lệnh hạn chế vì COVID-19, đặc biệt trong lĩnh vực ăn uống trong nhà và ngoài trời.

Nhập khẩu của Đông Âu từ bên ngoài châu Âu giảm

Mặc dù Đông Âu chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Châu Âu từ các nước đang phát triển, nhưng nhập khẩu thủy sản vào Đông Âu tăng đều đặn kể từ năm 2015 và khu vực này mang lại một số cơ hội cho các nhà xuất khẩu thủy sản từ các nước đang phát triển.

Đông Âu bao gồm nhóm 11 quốc gia: Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia. Năm 2020, Đông Âu nhập khẩu thủy sản trị giá 435 triệu USD từ các nước đang phát triển. Đây là mức giảm 24% so với năm 2019 (572 triệu USD), là mức giảm nhập khẩu lớn nhất so với Nam Âu và Tây Bắc Âu. Nhập khẩu từ các nước đang phát triển chiếm 53% tổng kim ngạch nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu (819 triệu USD). Có thể thấy con số này của Đông Âu thấp hơn so với Nam Âu và Tây Bắc Âu, đồng nghĩa với việc Đông Âu nhập khẩu phần lớn hải sản không phải từ các quốc gia đang phát triển.

Các nhóm sản phẩm phổ biến được nhập khẩu từ các nước đang phát triển chứng tỏ rằng Đông Âu không phải là nước chi tiêu nhiều cho thủy sản và phản ánh sự ưa thích của Đông Âu đối với các loài hải sản giá rẻ như cá Hake. Xét về các sản phẩm nhập khẩu từ các nước đang phát triển, philê cá chiếm ưu thế với 219 triệu USD (chủ yếu là cá minh thái Alaska và cá hake). Tiếp theo là cá chế biến giá trị 81 triệu USD (chủ yếu là cá ngừ) và động vật giáp xác là 34 triệu USD (chủ yếu là tôm). Năm 2020, giá trị nhập khẩu của cả ba nhóm hàng này đã giảm từ 26% đến 35%.

Các nhà cung cấp chính từ các nước đang phát triển gồm có Trung Quốc (140 triệu USD), chủ yếu cung cấp cá minh thái Alaska và philê cá hồi, và Việt Nam (66 triệu USD), chủ yếu cung cấp tôm và cá tra. Các nhà cung cấp chính khác là Ecuador (27 triệu USD), chủ yếu cung cấp cá ngừ, Thổ Nhĩ Kỳ (25 triệu USD), chủ yếu cung cấp cá mú và cá tráp, Argentina (24 triệu USD), chủ yếu cung cấp cá ngừ. Điều thú vị là Ba Lan đang xây dựng năng lực chế biến cá mú và cá tráp.

Ba nhà nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Đông Âu từ các nước đang phát triển là Ba Lan, Romania và Cộng hòa Séc. Năm 2020, Ba Lan nhập khẩu 210 triệu USD, giảm 25% so với năm 2019 (281 triệu USD). Nhập khẩu của Romania thực sự đã tăng trong năm 2020. Romania đã nhập khẩu 50 triệu USD, cao hơn 6% so với mức cùng kỳ năm 2019 (47 triệu USD). Cộng hòa Séc, nhà nhập khẩu đứng thứ hai của Đông Âu vào năm 2019, cũng đã nhập khẩu 36 triệu USD vào năm 2020, giảm mạnh 57% so với mức năm 2019 (82 triệu USD).

Ba Lan là nhà nhập khẩu hàng đầu của Đông Âu và cũng là nhà chế biến lớn, với mức tiêu thụ bình quân 13 kg/người vào năm 2018. Ba Lan đã chứng kiến ​​mức tiêu thụ thủy sản của khách du lịch giảm 44%, phản ánh trong số liệu báo cáo nhập khẩu của họ. Năm 2020, các sản phẩm chủ yếu được Ba Lan nhập khẩu từ các nước đang phát triển là philê tươi (150 triệu USD), giáp xác (21 triệu USD) và cá chế biến (21 triệu USD). Nhập khẩu của tất cả các loại sản phẩm này giảm từ 22% đến 34%.

Trung tâm thương mại của Đông Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch

Mặc dù nhập khẩu của Croatia từ các nước đang phát triển vào năm 2020 chỉ là 23 triệu USD, nhưng đây là một quốc gia cần được đề cập đến vì hai lý do. Đầu tiên, ngành du lịch của Croatia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và hải sản nhập khẩu ở Croatia chủ yếu được tiêu thụ trong các nhà hàng và phục vụ du lịch. Để minh chứng cho điều này, nhập khẩu philê cá, nhóm sản phẩm nhập khẩu lớn nhất của họ, đạt 6,8 triệu USD vào năm 2020, giảm 27% so với năm 2019.

Thứ hai, Croatia có thể được coi là một trung tâm thương mại của Đông Âu. Nó có vị trí thuận tiện dọc theo Biển Adriatic, trong khi rất nhiều quốc gia láng giềng không có lối đi ra biển này. Điều đó có nghĩa là Croatia là nhà cung cấp thủy hải sản quan trọng cho các nước phía Đông như Bosnia, Serbia, Hungary, Slovakia và cả Romania. Bạn có thể coi Croatia như một trung tâm hậu cần, mở ra một thế giới đầy tiềm năng ở các quốc gia ở phía Đông.

Sự tập trung vào hoạt động du lịch của Đông Âu đã làm tăng mức độ dễ bị tổn thương của khu vực này đối với dịch bệnh COVID-19

Các nước Đông Âu như Cộng hòa Séc, Slovakia hay Hungary là những nước đầu tiên thực thi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan Covid-19. Khu vực này có xu hướng tiêu thụ hải sản trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống hơn là tiêu thụ tại nhà. Hơn nữa, thủy sản phục vụ chủ yếu cho ngành du lịch hơn là người tiêu dùng trong nước. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhập khẩu thủy sản nhìn chung giảm xuống. Với việc du lịch ven biển ở Ba Lan vào quý 3 năm 2020 gần đạt với mức dự kiến, đã đem đến hy vọng rằng đây có thể là bước khởi đầu cho sự trở lại chậm chạp của ngành du lịch ở các quốc gia này. Tiến độ tiêm phòng vắc xin được thúc đẩy mạnh trong năm 2021, có thể sẽ có tác động tích cực đến nhập khẩu thủy sản của khu vực này trong tương lai.       

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác