Châu Âu - thị trường mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu thủy sản (Phần 1) (13-04-2022)

Cơ quan Giám sát thị trường thủy sản châu Âu (the European Market Observatory for Fisheries and Aquaculture - EUMOFA) khẳng định Vương quốc Anh vẫn là một thị trường thủy sản sôi động. Ngoài ra, khối thị trường thủy sản châu Âu cũng là điểm đến lý tưởng cho các sản phẩm thủy sản xuất khẩu, nhất là từ các nước đang phát triển.
Châu Âu - thị trường mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu thủy sản (Phần 1)
Ảnh minh họa

Ngày 31 tháng 1 năm 2020, Vương quốc Anh rời Liên minh Châu Âu. Sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng và các cuộc đàm phán bị trì hoãn do COVID-19, Hiệp định Thương mại và Hợp tác EU-Vương quốc Anh có hiệu lực vào ngày 31 tháng 12 năm 2020. Hiệp định mới có nghĩa là có những thay đổi về hải quan, thuế quan, kiểm tra an toàn thực phẩm và ghi nhãn.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là có thể dẫn tới tình trạng phức tạp hơn khi các sản phẩm của các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển đi qua Vương quốc Anh đến phần còn lại của châu Âu hoặc đi qua phần còn lại của châu Âu đến Vương quốc Anh. Để tìm hiểu và nắm vững những quy định đã thay đổi áp dụng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản, Cơ quan Giám sát thị trường thủy sản châu Âu (the European Market Observatory for Fisheries and Aquaculture - EUMOFA) đã khuyến cáo các doanh nghiệp xem trang web của Seafish. Tại đó cung cấp thông tin dễ hiểu và thường xuyên cập nhật về cách Brexit đã thay đổi các quy tắc xung quanh việc buôn bán thủy sản với Vương quốc Anh.

Với việc Brexit được thực hiện từ đầu năm 2020, thống kê cho thấy nhập khẩu trực tiếp vào Anh từ các nước đang phát triển tăng 9% trong quý 3 và 6% trong quý 4 năm 2020. Đặc biệt là giá trị nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh (29%) trong quý cuối cùng của năm 2020, và giá trị nhập khẩu của cả năm 2020 cao hơn 9% so với năm 2019. Xu hướng tương tự, nhưng ở mức độ lớn hơn, áp dụng cho Ecuador. Giá trị nhập khẩu năm 2020 tăng đáng kể 104% so với năm 2019. Đồng thời, xuất khẩu năm 2020 từ Hà Lan sang Anh giảm 10% và xuất khẩu từ Đức sang Anh giảm 13%. Nếu xem xét kỹ hơn một loài, sẽ thấy xuất khẩu tôm nước ấm từ Hà Lan sang Anh đã giảm 22%. Điều này chứng minh việc có ít sản phẩm được chuyển đến Anh qua Hà Lan và Đức.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là sự thay đổi trong nhập khẩu vào Vương quốc Anh không thể chỉ do Brexit, vì tác động của COVID-19 rất có thể cũng đóng một vai trò nhất định.

Thị trường châu Âu nào mang lại nhiều cơ hội nhất cho lĩnh vực thủy sản

Theo Cơ quan Giám sát thị trường thủy sản châu Âu, các doanh nghiệp không nên nhầm lẫn khái niệm “thị trường thủy sản châu Âu” với một thị trường riêng lẻ. Châu Âu được tạo thành từ một nhóm đa dạng các quốc gia với các thị trường riêng biệt nhưng có liên quan lẫn nhau. Thị trường thủy sản châu Âu được chia thành ba khu vực chính: Nam Âu, Tây Bắc Âu và Đông Âu. Thành công trong sự nghiệp kinh doanh ở châu Âu phụ thuộc vào sự hiểu biết về nhu cầu của các thị trường mục tiêu khác nhau trong khối Liên minh này. Kết quả nghiên cứu dưới đây sẽ đề cập cụ thể hơn về ba khu vực này, làm nổi bật các cơ hội ở từng quốc gia.

Nam Âu vẫn là khu vực ưa chuộng nhất các mặt hàng thủy sản

Nam Âu là cơ hội lớn nhất cho việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang Châu Âu. Nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Nam Âu chiếm 58% tổng nhập khẩu của Châu Âu, với ba quốc gia nhập khẩu hàng đầu là Tây Ban Nha, Ý và Pháp. Các quốc gia này không chỉ có tỷ lệ tiêu thụ thủy sản cao nhất, mà còn là các quốc gia chế biến thủy sản lớn của châu Âu.

Nam Âu bao gồm các quốc gia ven biển Địa Trung Hải. Trong nghiên cứu này sẽ đề cập đến Nam Âu với bảy nhà nhập khẩu là: Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Malta và Síp. Tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của Nam Âu từ các nước đang phát triển vào năm 2020 là 8,3 tỷ USD, giảm 12% so với năm 2019 (9,4 tỷ USD) - chiếm 82% tổng nhập khẩu của Nam Âu từ các nước ngoài Châu Âu (10,1 tỷ USD), cho thấy phần lớn thủy sản nhập khẩu đến khu vực này đến từ các nước đang phát triển.

Bốn nhóm sản phẩm chiếm ưu thế trong nhập khẩu của Nam Âu từ các nước đang phát triển là động vật giáp xác như tôm với 2,0 tỷ USD, động vật thân mềm (chủ yếu là mực ống và mực nang) 1,9 tỷ USD, cá chế biến hoặc bảo quản như thăn cá ngừ và cá ngừ đóng hộp là 1,7 tỷ USD, philê tươi như philê cá tra là 1,0 tỷ USD. Năm 2020, tổng giá trị nhập khẩu của tất cả các loại sản phẩm thủy sản đã giảm từ 8 đến 10%, cá biệt trường hợp nhập khẩu động vật thân mềm giảm sâu 19%.

Các nhà cung cấp hàng đầu của Nam Âu từ các nước đang phát triển là Maroc (1,10 tỷ USD), chủ yếu xuất khẩu động vật thân mềm và Ecuador (1,06 tỷ USD), chủ yếu cung cấp cá ngừ và tôm. Vào năm 2020, Maroc đã vượt qua Ecuador để trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Nam Âu, điều này có thể được giải thích bởi hai yếu tố. Thứ nhất, thương mại giữa Maroc và Tây Ban Nha tương đối dễ dàng do vị trí địa lý gần nhau, điều này đã tạo ra lợi thế trong một năm khi thương mại gặp nhiều khó khăn do các hạn chế của dịch COVID-19. Thứ hai, cá ngừ của Ecuador đang chịu nhiều áp lực về giá. Ecuador phải đối mặt với sự cạnh tranh cao từ các nước khác nên giá trị xuất khẩu giảm là điều không tránh khỏi. Các nhà cung cấp lớn khác của Nam Âu từ các nước đang phát triển còn có Trung Quốc (759 triệu USD), Argentina (587 triệu USD) và Ấn Độ (414 triệu USD).

Ở Nam Âu, Tây Ban Nha, Ý và Pháp là ba quốc gia nhập khẩu nhiều nhất từ ​​các nước đang phát triển; Trong đó, Tây Ban Nha dẫn đầu, nhưng thị trường này cũng đã trải qua sự sụt giảm lớn nhất về nhập khẩu thủy sản năm 2020. Cụ thể năm 2020, giá trị nhập khẩu của Tây Ban Nha đã giảm từ 4,5 tỷ USD xuống 3,8 tỷ USD, giảm 14%. Nhập khẩu của Ý giảm từ 2,2 tỷ USD xuống 2,1 tỷ USD, giảm 8% và nhập khẩu của Pháp giảm từ 1,8 tỷ USD xuống 1,7 tỷ USD, tương ứng với mức giảm 7%.

Tây Ban Nha là nhà chế biến thủy sản hàng đầu Châu Âu

Tây Ban Nha là quốc gia tiêu thụ nhiều hải sản nhất ở Châu Âu. Mức tiêu thụ bình quân của quốc gia này trong năm 2018 là 46 kg/người, cho thấy nhu cầu lớn của Tây Ban Nha đối với thực phẩm hải sản. Vào năm 2020, nhập khẩu của Tây Ban Nha từ các nước đang phát triển chủ yếu là nhuyễn thể (1,1 tỷ USD), giáp xác (911 triệu USD) và cá chế biến/bảo quản (747 triệu USD). Nhìn chung, giá trị nhập khẩu của tất cả các danh mục thủy sản này đều giảm trong năm 2020.

Bên cạnh việc nhập khẩu để tiêu dùng trong nước, Tây Ban Nha cũng chế biến và tái xuất một phần hàng nhập khẩu. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản của Tây Ban Nha tập trung chủ yếu vào động vật thân mềm (mực ống và mực nang), động vật giáp xác (chủ yếu là tôm nguyên đầu, nguyên vỏ và tôm bỏ đầu, nguyên vỏ chất lượng cao) và cá đóng hộp (cá ngừ, cá cơm, cá mòi). Tây Ban Nha là quốc gia chế biến mực hàng đầu ở châu Âu, với các công ty lớn như Congalsa và Fesba. Nueva Pescanova, một nhà nhập khẩu và chế biến khác của Tây Ban Nha, có công suất chế biến lên tới 20.000 tấn mực mỗi năm.

Để biết thêm thông tin chi tiết, các doanh nghiệp thủy sản nên xem xét các kết quả nghiên cứu của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (the Centre for the Promotion of Imports from developing countries - CBI) trong việc thâm nhập thị trường châu Âu, đối với các mặt hàng mực ống và mực nang.

Ý – thị trường lớn về dịch vụ ăn uống

Ý cũng là một nhà sản xuất lớn trên thế giới, có nhu cầu cao đối với sản phẩm cá cơm và cá ngừ. Mức tiêu thụ bình quân năm 2018 là 31 kg/người. Năm 2020, nhập khẩu của Ý từ các nước đang phát triển chủ yếu là nhuyễn thể (591 triệu USD), cá chế biến và bảo quản (587 USD) và động vật giáp xác (359 triệu USD). Giá trị nhập khẩu của cá chế biến và bảo quản tăng 3% vào năm 2020, trong khi các loại khác đều giảm.

Ở Ý, phần lớn nhập khẩu thủy sản được dành cho ngành dịch vụ ăn uống, do đó, việc mở cửa trở lại của các nhà hàng có thể thúc đẩy mạnh khối lượng thủy sản nhập khẩu của Ý từ các nước đang phát triển.

Động vật giáp xác chiếm ưu thế trong nhập khẩu của Pháp

Pháp là một fan hâm mộ lớn nữa của hải sản, với mức tiêu thụ bình quân năm 2018 là 33 kg/người. Pháp tập trung nhập khẩu tôm, động vật thân mềm và cá đóng hộp như cá mòi và cá ngừ. Năm 2020, động vật giáp xác chiếm ưu thế trong nhập khẩu thủy sản của Pháp từ các nước đang phát triển với 682 triệu USD. Nhìn chung, tình hình nhập khẩu tương đối ổn định trong suốt cả năm 2020. Tuy nhiên, năm 2020 nhập khẩu cá chế biến và bảo quản (345 triệu USD), philê cá (339 triệu USD) và nhuyễn thể (118 triệu USD) đều giảm xuống. Giống như các nước ở Tây Bắc Âu, Pháp ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bền vững và thị trường tôm sinh thái của Pháp tăng trưởng mạnh trong 5 năm qua.

Nam Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19

Các nước Nam Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Theo “Dự báo kinh tế châu Âu, mùa đông năm 2021” của Ủy ban châu Âu, trong khi một số quốc gia thành viên dự đoán ​​rằng đến cuối năm 2021, mức GDP của họ sẽ đạt bằng mức trước khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 thì hai quốc gia Nam Âu là Tây Ban Nha và Ý lại dự đoán sẽ mất nhiều thời gian hơn mới trở về được mức GDP trước khủng hoảng. Trong lĩnh vực thủy sản ở Nam Âu, tác động tiêu cực của COVID-19 đặc biệt rõ ràng nhất là ở lĩnh vực chế biến thủy sản. Lĩnh vực này đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể, chẳng hạn như việc thiết lập các điều kiện làm việc an toàn để tránh lây lan COVID-19 trong cộng đồng người lao động. Một số doanh nghiệp thậm chí đã phải đóng cửa.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác