Thị trường cá ngừ không đóng hộp hồi sinh trong khi thị trường cá ngừ đóng hộp và chế biến suy yếu (29-03-2022)

Năm 2021, thương mại cá ngừ toàn cầu rất đặc trưng với nhu cầu cá ngừ không đóng hộp được cải thiện, nhu cầu bán lẻ cá ngừ đóng hộp giảm và cơ hội bán hàng của lĩnh vực khách sạn - nhà hàng - phục vụ ăn uống (HORECA) được cải thiện, nhất là ở thị trường các nước phương Tây.
Thị trường cá ngừ không đóng hộp hồi sinh trong khi thị trường cá ngừ đóng hộp và chế biến suy yếu
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Quý 3 năm 2021, sản lượng khai thác cá ngừ trên toàn thế giới ở mức thấp, cân bằng với nhu cầu tiêu thụ chậm nguồn nguyên liệu đông lạnh ở các nhà máy đóng hộp cá ngừ. Tuy nhiên, giá bán phải chịu áp lực do thiếu nhu cầu đối với các sản phẩm cuối cùng.

Sản lượng khai thác cá ngừ ở Thái Bình Dương đạt thấp với hai đợt áp dụng lệnh đóng cửa khai thác. Khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (the Western and Central Pacific - WCPO) áp dụng lệnh cấm FAD (cấm khai thác cá ngừ bằng thiết bị thu hút cá) trong vòng ba tháng từ tháng 7 đến tháng 9. Dẫn tới tổng sản lượng khai thác giảm. Ủy ban cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ (Inter American Tropical Tuna Commission – IATTC) cũng áp dụng lệnh cấm ‘veda’ trong vòng 72 ngày tại Đông Thái Bình Dương (the Eastern Central Pacific - EPO) từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 8 tháng 10 năm 2021 với 49% tàu thuyền trong khu vực ngừng đánh bắt cá ngừ.

Trong giai đoạn này, sản lượng khai thác trung bình được ghi nhận tại Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, nơi các nhà máy đóng hộp đã có đủ nguyên liệu thô do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cuối cùng ở các thị trường xuất khẩu giảm. Tại Liên minh châu Âu, hầu hết các nhà máy đóng hộp cá ngừ đã nghỉ hè vào tháng 8 và hoạt động trở lại vào tháng 9 năm 2021.

Nhập khẩu nguyên liệu thô

Sự bùng phát COVID-19 ở Thái Lan trong nửa đầu năm 2021 đã làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu nguyên liệu thô để chế biến - xuất khẩu. Tuy nhiên, tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ đông lạnh để đóng hộp tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước, đạt 348.350 tấn (gồm: cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh, cá ngừ vây vàng, cá ngừ albacore, thăn cá hấp). Đáng chú ý là nguồn cung cá ngừ vằn đông lạnh và thăn cá hấp tăng lần lượt 22% và 4,5%. Các nhà máy đóng hộp cá ngừ ở Tây Ban Nha cũng nhập khẩu ít nguyên liệu hơn (-22% cá nguyên con - 60.455 tấn; -14,6% thăn hấp đông lạnh - 60.000 tấn). Nhập khẩu thăn hấp của Pháp cũng giảm 12% trong khi Ý và Bồ Đào Nha tăng lượng nhập khẩu lần lượt là 11% và 3%.

Thị trường cá ngừ tươi và cá ngừ đông lạnh (không đóng hộp)

Năm 2021, các hoạt động ngoài trời được cải thiện trong những tháng mùa hè đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng đối với cá ngừ không đóng hộp. Tuy nhiên, nhập khẩu cá ngừ tươi/vận chuyển đường hàng không vẫn thấp, do các chuyến bay quốc tế theo lịch trình vẫn chưa được nối lại; giá cước vận chuyển đường biển cũng cao kỷ lục làm tăng chi phí nhập khẩu. Tuy nhiên, nhập khẩu cá ngừ sashimi và không sashimi tăng ở nhiều thị trường trong nửa đầu năm 2021 và nhu cầu tốt vẫn tiếp tục trong những tháng mùa hè.

Nhật Bản

Lần đầu tiên trong nhiều năm, nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh trong 6 tháng đầu năm của Nhật Bản tăng trưởng ấn tượng (tăng 8,7% so với năm 2020) đạt gần 98.000 tấn. Điều này có thể liên quan đến các cơ hội kinh doanh đạt được trong Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020, được tổ chức vào năm 2021.

Mỹ

Thị trường cá ngừ không đóng hộp của Mỹ phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021 với tổng nhập khẩu 6 tháng tăng 12% (đạt 29.000 tấn). Nhập khẩu cá ngừ tươi tăng 25% do nhu cầu tốt từ việc kinh doanh các mặt hàng sashimi/sushi. Nhập khẩu của nhóm sản phẩm truyền thống (thăn và bít tết đông lạnh) cũng tăng 7% với nguồn cung tăng đến từ Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Canada và Nhật Bản.

Các thị trường khác

Liên minh Châu Âu: Việc mở cửa trở lại của lĩnh vực khách sạn, nhà hàng (HORECA) vào mùa hè 2021 đã thúc đẩy nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh tại thị trường EU cho mục đích sử dụng không đóng hộp (sashimi và không sashimi). So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu cá ngừ tươi từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021 đã tăng 31% đạt 1.530 tấn. Các nhà cung cấp chính là Sri Lanka và Maldives. Tương tự, nhập khẩu philê cá ngừ đông lạnh cũng tăng 8,3% lên gần 13.000 tấn trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021. Năm thị trường hàng đầu là Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Đức và Hà Lan (nhập khẩu tăng ở hầu như tất cả các thị trường này ngoại trừ Pháp).

Nhập khẩu philê cá ngừ đông lạnh tăng mạnh ở Liên bang Nga đạt mức 2.330 tấn (+41%) và cũng tăng ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (+63% đạt mức 1.400 tấn) và Thụy Sĩ (+80% đạt mức 195 tấn). Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhập khẩu philê cá ngừ ở Hàn Quốc, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Hong Kong trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021 cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Thương mại cá ngừ đóng hộp

Năm 2021, với sự mở cửa trở lại của lĩnh vực khách sạn - nhà hàng, mô hình kinh doanh cá ngừ đóng hộp đã có bước ngoặt lớn. Thị trường cá ngừ đóng hộp suy yếu. Kể từ đầu mùa hè, ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống phục hồi, trong khi tiêu dùng gia đình chậm đã làm gián đoạn doanh số bán lẻ tại một số thị trường.

Xuất khẩu

Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp giảm từ hầu hết các nước sản xuất châu Á và châu Âu do nguyên nhân có sự thay đổi về nhu cầu tiêu thụ. So với năm trước, các quốc gia Thái Lan, Tây Ban Nha và Indonesia đã giảm mạnh lượng xuất khẩu trong suốt khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6. Trái lại, Philippines, nhà sản xuất hàng đầu cá ngừ đóng hộp thì ít bị ảnh hưởng bởi xu hướng này.

Nhập khẩu

Tương tự như xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu suy yếu tại các thị trường lớn phía Tây (Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu) và lượng nhập khẩu giảm cũng được ghi nhận ở Trung Đông, Tây Phi và Đông Nam Á.

Bắc và Nam Mỹ

Do nhu cầu yếu trong thương mại bán lẻ, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp và chế biến tiếp tục giảm trong quý 2 năm 2021. Nhập khẩu của Hoa Kỳ đạt mức thấp nhất trong 3 năm (-10%) ảnh hưởng đến nguồn cung từ tất cả các nhà sản xuất hàng đầu, trừ Indonesia. Nhập khẩu ở Canada cũng giảm 10,4%, đạt 18.110 tấn. Ở châu Mỹ Latinh, nhập khẩu tăng ở Mexico và Argentina nhưng giảm ở Colombia, Chile và Peru. Ecuador là nhà cung cấp chính cho các thị trường này.

Châu Âu

Doanh số bán lẻ cá ngừ đóng hộp chậm lại trên toàn châu Âu ảnh hưởng đến nhập khẩu cá ngừ đóng hộp và chế biến. Trong khi, nhu cầu trong ngành kinh doanh ăn uống phục hồi mạnh mẽ trong những tháng mùa hè. Tại Liên minh Châu Âu, nhập khẩu cá ngừ chế biến trong nửa đầu năm 2021 bao gồm cả thăn cá ngừ hấp đạt ở mức thấp nhất trong 3 năm qua, chỉ đạt 343.340 tấn. Nguồn cung ngoài EU chiếm 78% trong tổng lượng nhập khẩu (tương đương 268.250 tấn), giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland báo cáo nhập khẩu cá ngừ chế biến giảm 7%. Thụy Sĩ và Liên bang Nga cũng nhập khẩu mỗi loại ít giảm 16%.

Châu Á / Thái Bình Dương và các nước khác

Nhu cầu cá ngừ đóng hộp ở Nhật Bản và các thị trường Đông Nam Á giảm. Duy nhất có trường hợp ngoại lệ là Thái Lan, nơi vẫn nhập khẩu rất nhiều cá ngừ (chủ yếu là thăn hấp, để chế biến – tái xuất) đã tăng lượng nhập khẩu 4,5%.  

Tại khu vực rộng lớn Trung Đông và Bắc Phi (Middle East and North Africa - MENA), nhập khẩu chậm lại ở Ả Rập Xê Út, Ai Cập và các thị trường lớn khác vốn là nơi các nhà sản xuất Đông Nam Á thường xuất khẩu đến. Đáng chú ý là xuất khẩu cá ngừ đóng hộp từ Thái Lan (nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Đông) đã tăng lên ở các thị trường Ai Cập, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Yemen và Algeria nhưng lại giảm xuất khẩu sang Ả Rập Xê Út, Libya, Jordan, Lebanon và một số thị trường nhỏ khác trong khu vực Hợp tác Vùng Vịnh (the Gulf Cooperation Council - GCC).

Giá cả

Tháng 9 năm 2021, nhu cầu giảm từ các nhà máy đóng hộp Thái Lan đã khiến giá cá ngừ vằn đông lạnh giảm xuống 1.300 USD/tấn, giảm 13% so với tháng 8. Tại Ecuador, giá cá ngừ vằn cao hơn giá ở Bangkok 400 USD/tấn, khiến nguồn cung chuyển sang các nhà máy đóng hộp Đông Thái Bình Dương ở Manta. Giá cá ngừ vằn cũng suy yếu ở Ấn Độ Dương, mặc dù tồn kho đông lạnh tại các nhà máy đóng hộp địa phương không nhiều. Giá cá ngừ vây vàng đông lạnh đóng hộp vẫn ổn định. Ở châu Âu, giá tương đối ổn định đối với các mặt hàng cá ngừ vằn đông lạnh nguyên con, cá ngừ vây vàng và thăn cá ngừ hấp do các nhà máy đóng hộp đã hoạt động trở lại.

Dự báo

Trong những tháng cuối năm 2021, ước tính sản lượng khai thác cá ngừ ở Thái Bình Dương đạt mức trung bình. Do hoạt động xuất khẩu các sản phẩm cuối cùng giảm khiến nhập khẩu nguyên liệu thô ở Thái Lan cũng giảm 23% trong tháng 8 năm 2021. Xu hướng suy yếu này sẽ dẫn đến việc nhiều cá đông lạnh được chuyển đến Ecuador, chủ yếu để chế biến thăn hấp ở châu Âu. Giá nguyên liệu thô ở Ecuador cao hơn so với mức giá này ở thị trường Thái Lan.

Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp tại các thị trường lớn được dự báo sẽ tiếp tục suy yếu cho đến khi lượng tồn kho sản phẩm cuối cùng tại quốc gia đó giảm.

Nhu cầu đối với cá ngừ không đóng hộp, đặc biệt là sử dụng sashimi, được cải thiện trong những tháng mùa đông ở Nhật Bản, nơi có nhu cầu tiêu dùng truyền thống tăng cao nhất trong hai tuần cuối cùng của năm. Tại Trung Quốc, lượng tiêu thụ cá ngừ sashimi tăng lên trong những ngày lễ hội mùa thu vào tháng 10 năm 2021. Tại thị trường các nước phương Tây, sức tiêu thụ trong ngành dịch vụ ăn uống sẽ tiếp tục tăng mạnh, nhưng nhu cầu bán lẻ có thể sẽ vẫn ở mức thấp.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác