COVID-19 khiến giá tôm hùm giảm mạnh (28-01-2021)

Đại dịch COVID-19 đã tàn phá ngành công nghiệp tôm hùm. Nhu cầu đã giảm ở các thị trường lớn, một phần do các nhà hàng đóng cửa và nhu cầu tổng thể giảm do suy thoái kinh tế gây ra bởi COVID-19. Kết quả là, giá đã giảm đáng kể trên tất cả các thị trường. Trước mắt, không có sự cứu trợ nào đối với ngành hàng này.
COVID-19 khiến giá tôm hùm giảm mạnh
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Ngành công nghiệp tôm hùm Úc bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu. Do đó, phần lớn thị trường của tôm hùm Úc đã biến mất. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang dần mở cửa trở lại. Để giúp ngành công nghiệp tôm hùm hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại và bù đắp khoản lỗ hồi đầu năm 2020, ngành tôm hùm Úc bắt đầu mùa vụ sớm hơn bình thường hai tuần. Mặc dù vậy, giá cả vẫn thấp hơn trước khi xảy ra đại dịch.

Ở Tây Úc, sản lượng tôm hùm tăng đột biến nhưng giá giảm xuống. Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19, giá tôm hùm đá Tây Úc đã giảm đáng kể. Vào tháng 5 năm 2020, giá xuất khẩu đã giảm 19% so với cùng thời điểm năm 2019. Có một số lý do khiến giá giảm, trong đó có khó khăn trong việc tìm kiếm dịch vụ vận tải hàng không. Bên cạnh đó, nguồn cung tôm hùm đá (rock lobster) từ New Zealand và Tasmania đã tăng lên. Ngoài ra, việc đóng cửa nhiều nhà hàng ở Đặc khu hành chính Hồng Kông (Hong Kong SAR) và các thành phố lớn khác của Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ tôm hùm. Hầu hết tôm hùm nhập khẩu của Trung Quốc là mặt hàng tôm tươi sống, vận chuyển bằng đường hàng không. Việc khan hiếm các chuyến bay đã khiến việc giao thương tôm hùm trở nên khó khăn hơn. Indonesia có tiềm năng đáng kể về sản lượng tôm hùm gai (spiny lobster). Tuy nhiên, luật hiện hành cấm đánh bắt tôm hùm con và sử dụng chúng vào hoạt động nuôi trồng thủy sản. Trên thực tế, rất nhiều cá thể tôm hùm non bị khai thác bất hợp pháp và được vận chuyển đến Việt Nam, nơi tôm hùm được nuôi dưỡng để phát triển đến kích thước thương phẩm, bán trên thị trường. Người ta ước tính rằng nếu cá thể con bị đánh bắt hợp pháp để nuôi trồng thủy sản ở Indonesia, sản lượng tôm hùm gai đạt kích cỡ thương phẩm hàng năm có thể tăng khoảng 12.500 tấn.

Mùa chính của tôm hùm Maine kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11 (Maine là một tiểu bang trong vùng New England của Hoa Kỳ). Trong khi ở Canada, mùa tôm hùm đóng cửa sớm hơn, vì vậy ở một mức độ nào đó, hai quốc gia này có thể bổ sung cho nhau. Vào năm 2020, vụ thu hoạch tôm hùm mùa hè đã diễn ra như vậy ở Canada và New England. Khối lượng quá lớn đã gây áp lực lên giá cả. Vụ tôm hùm mùa xuân ở Đảo Prince Edward được đánh dấu bởi tình trạng thiếu lao động tại các nhà máy chế biến do COVID-19. Sau đó, việc thu hoạch trở nên tốt, tạo sự dư thừa tôm hùm trên thị trường, đẩy giá giảm xuống.

Thương mại quốc tế

Trong 6 tháng đầu năm 2020, buôn bán tôm hùm thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng. Xuất khẩu toàn cầu giảm 24,4% xuống 63.402 tấn. Xuất khẩu của Mỹ giảm mạnh 44,6% xuống chỉ còn 4.583 tấn, trong khi Canada giảm 17,8% xuống 40.092 tấn. Về mặt nhập khẩu, Trung Quốc nhập khẩu ít hơn 18,4% (18.596 tấn) so với sáu tháng đầu năm 2019. Nhà nhập khẩu lớn nhất, Hoa Kỳ, nhập khẩu 24.326 tấn, tức giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Hơn 90% nhập khẩu tôm hùm của Mỹ là từ Canada, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 22.075 tấn, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc cũng giảm và tất cả các nhà cung cấp chính đều cho thấy sự suy giảm lượng xuất khẩu. Nhập khẩu từ Canada đã giảm từ 11.595 tấn trong nửa đầu năm 2019 xuống còn 8.579 tấn trong cùng kỳ năm 2020 (-26,0%). Liên minh châu Âu ghi nhận mức nhập khẩu tôm hùm giảm 22,2% trong giai đoạn này, với tổng lượng nhập khẩu là 10.625 tấn. Canada là nguyên nhân chính cho những rắc rối của ngành công nghiệp tôm hùm Maine. Nhưng chính quyền Hoa Kỳ hiện đã thực hiện một số đột phá có thể thay đổi cán cân có lợi cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Gần đây, Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc loại bỏ thuế quan 35%, giúp tôm hùm Canada có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc.

Hoa Kỳ cũng đã ký một thỏa thuận với Liên minh Châu Âu để xóa bỏ thuế quan đối với tôm hùm Hoa Kỳ. Những người đánh bắt tôm hùm Ireland tỏ ra khó chịu về thương vụ này. Ngành công nghiệp tôm hùm Ireland bị ảnh hưởng nặng bởi tác động của đại dịch COVID-19, dịch bệnh đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ tôm hùm do kinh tế suy giảm, tính đến nay giá đã giảm từ 20% đến 30%. Suy thoái do COVID-19 gây ra dự kiến ​​sẽ đẩy người tiêu dùng khỏi các sản phẩm có giá cao như tôm hùm và chuyển sang các loài giáp xác giá thấp hơn như tôm sú, tôm chân trắng và tôm càng (shrimp and crayfish).

Giá cả

Triển vọng trong những tháng còn lại của năm 2020 là không chắc chắn. Trong khi nhu cầu có vẻ tăng lên thì giá tôm hùm tại Việt Nam đã giảm đáng kể do hậu quả của đại dịch COVID-19. Xuất khẩu chậm lại khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, và sau khi nước này mở cửa trở lại, ở một mức độ nào đó, việc kiểm tra rất nghiêm ngặt, và nhu cầu thị trường vẫn còn yếu.

Tại Việt Nam, tôm hùm được nuôi chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và thị trường chính của tôm hùm Việt Nam là Trung Quốc. Nhưng khi đại dịch bùng phát, các lô hàng đến Trung Quốc đã giảm nghiêm trọng. Người nuôi tôm hùm sau đó đã hạ giá tại thị trường nội địa để bán được nhiều hơn ở thị trường trong nước. Nhưng hiện tại, giá quá thấp nên các hộ nuôi tôm hùm của Việt Nam bị thua lỗ.

Gần đây, đã có một số cơn bão đổ bộ vào miền Nam Hoa Kỳ. Bão ở Florida có thể ảnh hưởng đến giá tôm hùm gai từ khu vực này, vì sản lượng khai thác sẽ giảm. Tuy nhiên, giá cả biến động mạnh, dao động trong khoảng 4,00 USD đến 8,59 USD/pound. Năm 2019, giá trung bình tại bãi biển đối với mặt hàng tôm hùm gai ở Florida là 7,80 USD/pound. Cho đến năm 2020, giá trung bình là 7,62 USD/pound, mặc dù thực tế là lượng hàng cập cảng đã sụt giảm từ 1.867 tấn xuống chỉ còn 281 tấn.

Dự báo

Triển vọng thị trường tôm hùm ở khắp nơi trên thế giới đều ảm đạm. Thậm chí, tình trạng này còn có thể tồi tệ hơn khi nhiều nền kinh tế gặp khó khăn. Các mặt hàng xa xỉ như tôm hùm thường chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời kỳ kinh tế suy thoái, và nhiều người ái ngại rằng nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục suy thoái trong khoảng thời gian dài sắp tới.

Như vậy, thương mại tôm hùm sẽ giảm, giá cả sẽ tiếp tục xuống thấp, hoặc thậm chí còn giảm sâu hơn nữa. Ngoài ra, nguồn cung có thể giảm vì các doanh nghiệp thủy sản không cảm thấy hào hứng vì giá tôm hùm quá thấp.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác