Hướng tới sự bền vững trong ngành hàng tôm (04-01-2021)

Thương mại tôm đóng một vai trò quan trọng trong thương mại thủy sản thế giới; chiếm 18% tổng giá trị thương mại thủy sản thế giới.
Hướng tới sự bền vững trong ngành hàng tôm
Ảnh minh họa

Hàng năm, thương mại tôm toàn cầu ước tính đạt 28 tỷ USD, phần lớn đến từ các trang trại ở Châu Á và Châu Mỹ Latinh (chủ yếu là Ecuador) sản xuất tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei. Nhìn chung, sản lượng tôm toàn cầu ổn định nhưng dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng đã khiến các trang trại mất trắng ở các nước như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan. Tại các thị trường quốc tế lớn, các quy định ngày càng nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm đã yêu cầu các nhà sản xuất và kinh doanh tôm phải đảm bảo rằng sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng không có các chất như kháng sinh, phụ gia. Nếu không thực hiện đúng yêu cầu, các lô hàng sẽ bị từ chối và hơn nữa còn gây thiệt hại về thương hiệu.

Sản xuất và nhu cầu tôm toàn cầu

Thị trường tôm nuôi toàn cầu tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn các loài nuôi trồng thủy sản khác, với hầu hết tôm được sản xuất ở châu Á. Thị trường chính bên ngoài châu Á là Mỹ Latinh, với Ecuador gần đây đã vượt qua Thái Lan để trở thành nhà sản xuất tôm lớn thứ năm thế giới. Ở châu Á, nuôi thâm canh đồng nghĩa với việc thả nuôi mật độ cao, kết hợp các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt theo mô hình trang trại, đã dẫn đến hiện tượng dư thừa dưỡng chất, phát sinh dịch bệnh và nhạy cảm hơn với những biến đổi khí hậu. Đã có một số tiến bộ tích cực trong an toàn sinh học và nông dân nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải hợp tác quốc tế nhiều hơn nữa trong các quy trình an toàn sinh học. Theo thời gian, châu Á sẽ chứng kiến ​​nhiều trang trại áp dụng hệ thống nuôi với mức độ kiểm soát cao, ấu trùng sạch bệnh, tuần hoàn nước, tái chế chất thải và sản xuất không kháng sinh. Ngành nuôi tôm của Thái Lan đã trải qua những đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng kể từ giữa những năm 1990, nhưng nước này hiện là một trong những quốc gia tiên phong thúc đẩy nuôi tôm an toàn và sử dụng probiotic.

Tại Ấn Độ, năng suất khai thác tốt hơn, sản lượng tôm giống tăng, diện tích nuôi mở rộng là những yếu tố góp phần vào sự phát triển sản xuất ở quốc gia này. Một chương trình chứng nhận thí điểm về sản xuất tôm giống không chứa kháng sinh sẽ được khởi động trong thời gian tới. Ở Bangladesh, tôm sú (P. monodon) chiếm 71,5% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước, đóng góp hơn 90% kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi. Dự thảo Kế hoạch Hành động Quốc gia đề xuất thành lập 20 trại sản xuất giống tôm sú không có mầm bệnh (Specific Pathogen Free - SPF), và từng bước đẩy mạnh sản lượng ở các trang trại truyền thống bằng cách áp dụng các biện pháp cải tiến với năng suất trung bình từ 330 kg/ha đến 1.200 kg/ha. Sự hợp tác và đầu tư quốc tế dự kiến ​​sẽ tăng cường công nghệ chăn nuôi, thúc đẩy thị trường tiêu thụ tôm sú sinh thái, cũng như xây dựng Quy trình hoạt động tiêu chuẩn (Standard Operating Procedures - SOPs) và Thực hành sản xuất tốt (Good Agricultural Practices - GAPs) để quản lý dịch bệnh tại các trại nuôi tôm sú.

Tại Trung Đông, Ả Rập Xê Út là nhà sản xuất tôm nuôi (vannamei) lớn nhất với hơn 65.000 tấn được sản xuất trong năm 2018, tiếp theo là Iran (46.000 tấn) và Ai Cập (7.000 tấn). Ả Rập Xê Út cũng là nơi có Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System - RAS) an toàn sinh học lớn nhất thế giới và sản lượng dự kiến sẽ đạt 200.000 tấn vào năm 2025. Tại Ecuador, sản lượng tôm sẽ tăng lên trong những năm tới do Ecuador tiếp tục quảng cáo tôm của mình là có tính bền vững cao, đặc biệt là với các Đối tác tôm bền vững của họ (Sustainable Shrimp Partnership - SSP), một chương trình chứng nhận đảm bảo không sử dụng kháng sinh, truy xuất nguồn gốc đầy đủ và không có tác động tiêu cực đến môi trường.

Những tiến bộ trong quản lý dịch bệnh

Dịch bệnh là một vấn đề lớn đối với nghề nuôi tôm, đặc biệt là ở châu Á và một số khu vực của châu Mỹ Latinh, dường như cứ vài năm lại có một số chủng bệnh mới xuất hiện, khiến người nuôi phải dùng đến thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nuôi tôm không kháng sinh có thể thực hiện được trong suốt chu kỳ nuôi, với các biện pháp phổ biến và hiệu quả nhất là quản lý chất thải hợp lý, quản lý hệ vi sinh vật và sử dụng chế phẩm sinh học. Chất thải và chất dinh dưỡng dư thừa trong hệ thống nuôi là thủ phạm chính tích tụ các chất độc hại trong môi trường nước và tầng đáy, tạo cơ hội phát triển cho các vi sinh vật gây bệnh, làm ảnh hưởng sức khỏe của tôm nuôi, gây nên dịch bệnh (khoảng 60% thiệt hại trong nghề nuôi tôm là do virus; 20% là do vi khuẩn). An toàn sinh học hiệu quả được coi là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh vào hệ thống nuôi tôm.

Chế độ ăn hợp lý, các biện pháp dự phòng, chất tăng cường hệ miễn dịch và thức ăn lên men cũng là các yếu tố có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa và khống chế dịch bệnh, cũng như việc kết hợp các phương pháp tiếp cận sinh thái. Trong trường hợp thứ hai, ví dụ, nuôi đa loài, nuôi trồng thủy sản tổng hợp nhiều loài trong cùng một hệ thống nuôi mà các đối tượng nuôi/trồng cùng có lợi cho nhau. Nhìn chung, để đạt được sản xuất bền vững trong nghề nuôi tôm, phải dựa trên cơ sở khoa học, được kiểm soát tốt, bền vững và hiệu quả về chi phí, đồng thời kết hợp các quy trình phù hợp về quản lý dinh dưỡng, sức khỏe và môi trường.

Trong trường hợp phát sinh dịch bệnh, các phương pháp chẩn đoán nên có chi phí thấp, dễ sử dụng và có khả năng thay đổi linh hoạt. Dựa trên các yêu cầu này, các công ty và viện nghiên cứu đã và đang nghiên cứu các giải pháp thay thế cho các phương pháp chẩn đoán phổ biến như phản ứng chuỗi polymerase (polymerase chain reaction) vì phương pháp này không thể kiểm tra nhiều hơn ba mầm bệnh cùng một lúc. Thay vào đó, nên sử dụng các bộ dụng cụ chẩn đoán di động (mobile diagnostic kits) để có thể kiểm tra được nhiều loại bệnh hơn trong vòng vài giờ. Ví dụ, sử dụng bộ dụng cụ chẩn đoán di động “Shrimp Multi Path” do CSIRO (Úc) thiết kế, có thể phát hiện 13 mầm bệnh trong một thử nghiệm duy nhất.

Mặc dù đã nâng cao nhận thức, việc sử dụng kháng sinh vẫn còn phổ biến ở các vùng sản xuất tôm chính của châu Á. Công nghệ cảm biến sinh học được phát triển để dễ dàng đo lường các thông số liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration - FDA) đang phát triển Chiến lược Xanh (Strategic Blue); Theo đó, vạch ra các kế hoạch tận dụng công nghệ để tạo ra một hệ thống thực phẩm kỹ thuật số, có thể truy xuất nguồn gốc và an toàn hơn. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có tiềm năng lớn trong quản lý trang trại, vì việc thu thập dữ liệu được thực hiện tự động liên tục cho phép hệ thống phát hiện dịch bệnh, giảm chi phí thức ăn và dự báo giá cả thị trường.

Đánh giá rủi ro và chứng nhận

Gian lận thực phẩm trong thủy sản vẫn là mối lo ngại đối với phần lớn ngành tôm toàn cầu. Theo thống kê, EU28 có tỷ lệ gian lận cao nhất đối với thủy sản nhập khẩu, bao gồm các hoạt động liên quan đến sơ chế và/hoặc chế biến (30%), thay thế thành phần (30%), ghi nhãn (33%) và các hoạt động khác (7%).

Dự báo

Sản lượng tôm nuôi toàn cầu được ước tính sẽ gia tăng với tốc độ 6%/năm, đồng thời được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng, đặc biệt liên quan đến tính bền vững trong chuỗi giá trị tôm toàn cầu. Nhất là khi khái niệm bền vững đã phát triển để bao trùm các vấn đề xã hội, nhân quyền, cũng như điều kiện làm việc tốt (decent working conditions).

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác