Các dự án nuôi trồng thủy sản của Canada không đáp ứng các mục tiêu bền vững (13-12-2019)

Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Dalhousie, hầu như không có bằng chứng nào cho thấy tính bền vững của nuôi cá có vảy ở Canada.
Các dự án nuôi trồng thủy sản của Canada không đáp ứng các mục tiêu bền vững
Ảnh minh họa

Nghiên cứu, được công bố gần đây trên tạp chí Chính sách Biển, đã xem xét tiến trình mà Canada đã đạt được nhằm biến các mục tiêu chính sách nuôi trồng thủy sản bền vững thành các kết quả có thể đo lường được. Nghiên cứu mô tả 11 chỉ số bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế được Bộ Thủy sản và Đại dương (DFO) xác định vào năm 2012 để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nuôi trồng thủy sản ở Canada.

Inka Milewski, một nghiên cứu viên của Khoa Sinh học tại Dalhousie, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “DFO báo cáo về sự tuân thủ của ngành với các quy định môi trường như là một chỉ số về tính bền vững của nuôi trồng thủy sản. Cách tiếp cận này giả định rằng các quy định hiện hành là đủ để bao quát nhiều tác động tiềm năng mà các trang trại nuôi cá có thể gây ra cho các loài khác và hệ sinh thái, và chỉ cần báo cáo kết quả giám sát tầng đáy nước, việc sử dụng thuốc và thuốc trừ sâu hoặc cá chết là các chỉ số đo lường tác động môi trường hoặc tính bền vững”.

Năm 2015, Quy định Hoạt động nuôi trồng thủy sản liên bang mới có hiệu lực, điều này bắt buộc các nhà khai thác thủy sản ở Canada phải báo cáo sử dụng thuốc và thuốc trừ sâu. Năm 2017, các trang trại nuôi cá biển đã báo cáo sử dụng 14,4 tấn kháng sinh và 439 tấn thuốc trừ sâu hydro peroxide. Theo Milewski, những con số này không cho các cơ quan quản lý và công chúng biết gì về các tác động tiềm ẩn gây chết người, sự tích lũy và ảnh hưởng sâu rộng của phơi nhiễm nối tiếp với kháng sinh và thuốc trừ sâu đối với các loài không phải mục tiêu.

Nghiên cứu cũng sử dụng kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu tập trung vào một trang trại cá duy nhất ở Port Mouton Bay, Nova Scotia, để xem xét các mục tiêu chính sách quốc gia của Canada đối với nuôi trồng thủy sản bền vững ở cấp cộng đồng. Ruth Smith, đồng tác giả và đối tác nghiên cứu cộng đồng của nghiên cứu, lưu ý rằng nghiên cứu trường hợp của Port Mouton cho thấy các quy định nuôi trồng thủy sản mới của Canada không làm giảm được sản lượng đánh bắt tôm hùm, việc mất đi loài rong lươn, ô nhiễm đồng và ô nhiễm chất dinh dưỡng được báo cáo trong các nghiên cứu được thực hiện ở Vịnh Mouton .

Nghiên cứu cũng cho thấy mục tiêu bền vững xã hội của DFO là tạo ra việc làm có ý nghĩa ở các cộng đồng nông thôn, vùng xa và ven biển đã không xảy ra. Dữ liệu từ Bộ Thủy sản và Nuôi trồng Thủy sản Nova Scotia cho thấy sản lượng cá có vảy ở Nova Scotia đã tăng 1.000% từ năm 1995 đến 2017 nhưng sử dụng cùng số lượng người làm việc toàn thời gian và đã giảm 86% việc làm bán thời gian.

Milewski cho biết: “Các chỉ số bền vững sẽ cung cấp cho công chúng các biện pháp cụ thể về trách nhiệm của chính phủ đối với các mục tiêu chính sách. Trong trường hợp không có các biện pháp bền vững có ý nghĩa, các mục tiêu chính sách nuôi trồng thủy sản được tuyên bố của Canada có nguy cơ bị giảm xuống chỉ còn các câu khẩu hiệu chính trị”.

Khoản tài trợ cho nghiên cứu từ OceanCanada Partnership, một sáng kiến ​​nghiên cứu 6 năm (2014-2020) do Hội đồng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Canada (SSHRC) tài trợ để đưa các đối tác từ khắp Canada cùng nhau nghiên cứu những thách thức và cơ hội của các đại dương và cộng đồng ven biển của Canada.

HNN (The Thefishsite)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác