Các chính sách về môi trường của EU để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững (08-03-2019)

Ngành nuôi trồng thủy sản ở Châu Âu đang đối mặt với một thời kỳ phát triển mới. Những tác động môi trường của việc này là gì, làm thế nào để phát triển bền vững? Bài viết này giới thiệu tổng quan về nghiên cứu những tác động của nuôi trồng thủy sản và xem xét nó có thể phát triển như thế nào trong sự hài hòa với những mục tiêu môi trường.
Các chính sách về môi trường của EU để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững
Ảnh minh họa

Giới thiệu

Chiến lược Tăng trưởng xanh của EU xác định nuôi trồng thủy sản, gồm nuôi cá, động vật thủy sản có vỏ và thực vật thủy sinh - như là một lĩnh vực có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang lại lợi ích xã hội nhờ cung cấp những việc làm mới. Các cải cách liên quan đến Chính sách nghề cá chung (Common Fisheries Policy) cũng nhằm thúc đẩy khu vực này, đồng thời các nước thành viên EU hiện đang phát triển các chiến lược nuôi trồng thủy sản quốc gia.

Hiện nay, 25% sản phẩm hải sản được tiêu thụ ở EU (kể cả nhập khẩu) là hải sản nuôi. Trong năm 2011, EU sản xuất 1,24 triệu tấn hàng hóa hải sản, đạt giá trị 3,51 tỷ Euro (Ủy ban Châu Âu, 2014a). Có hơn 14.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm trực tiếp cho 85.000 lao động. Trong khi các khu vực khác trên thế giới đang phát triển thì sản xuất nuôi trồng thủy sản ở EU đang bị đình trệ, nhập khẩu lại đang gia tăng.

Đồng thời, có một khoảng cách ngày càng lớn giữa lượng hải sản được tiêu thụ ở EU và lượng đánh bắt từ tự nhiên. Ủy ban châu Âu kêu gọi rút ngắn khoảng cách này bằng việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm với môi trường (Ủy ban châu Âu, 2013). Chính vì vậy, nuôi trồng thủy sản có một vai trò quan trọng trong an ninh lương thực cũng như sự tăng trưởng kinh tế của Châu Âu.

Trong quá trình phát triển, nuôi trồng thủy sản phải luôn tuân thủ pháp luật về môi trường. Báo cáo này trình bày nghiên cứu chọn lọc về các ảnh hưởng của nuôi trồng thủy sản đến nước và hệ sinh thái, đồng thời cung cấp thông tin về các biện pháp hiện tại và sắp đến nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực. Báo cáo cũng nêu bật khả năng bổ sung những kiến ​​thức nhất định để có thể giúp cải thiện hơn nữa tính bền vững của nuôi trồng thủy sản.

Trong một vài trường hợp, nuôi trồng thủy sản có thể có những ảnh hưởng tích cực đến thiên nhiên và chất lượng nước. Người ta cũng đề xuất một số mô hình nuôi trồng có thể đáp ứng được các mục tiêu của pháp luật về môi trường. Tầm quan trọng của công nghệ xử lý nước trong một môi trường rộng lớn hơn cũng đang được quan tâm xem xét.

Nuôi trồng thủy sản rất đa dạng: theo độ mặn của nước (nuôi nước ngọt, nuôi nước mặn, nuôi nước lợ), theo loài nuôi (cá, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, giáp xác, thực vật), theo mật độ nuôi (quảng canh, bán thâm canh, thâm canh), theo dòng chảy của nước (hệ thống kín, hệ thống mở, hệ thống bán kín).

Cần phải nhấn mạnh rằng những ảnh hưởng đến môi trường không thể nói chung cho công nghiệp nuôi trồng thủy sản. Những ảnh hưởng này thay đổi theo loài được nuôi, phương pháp nuôi, kỹ thuật quản lý, địa điểm nuôi cũng như tình trạng môi trường và động vật hoang dã tại đó.

Nuôi trồng thủy sản và chính sách của EU

Những tác động môi trường của nuôi trồng thủy sản được điều chỉnh bởi một loạt các yêu cầu pháp lý của EU nhằm giải quyết các vấn đề rõ ràng hơn, bao gồm: chất lượng nước, bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển bền vững và quy hoạch. Những tác động cũng như các quy định thường liên quan đến nhau. Ví dụ, ô nhiễm nước từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản có thể ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Nghiên cứu được trình bày trong báo cáo này có liên quan đến các yêu cầu pháp lý của EU về nuôi trồng thủy sản. Bao gồm các văn bản sau:

  • Chỉ thị khung về Chiến lược Biển (the Marine Strategy Framework Directive - MSFD) yêu cầu các nước thành viên EU phải đạt được “trạng thái môi trường tốt” (Good Environmental Status - GES) tại các vùng biển của mình vào năm 2020, được cho là dựa vào 11 “mô tả”. Do đó, chiến lược nuôi trồng thủy sản quốc gia phải được đảm bảo rằng nuôi trồng thủy sản không có những tác động tiêu cực về các loài phi bản địa, hiện tượng phú dưỡng, tính toàn vẹn của đáy biển, nồng độ các chất ô nhiễm (cả trong nước nói chung và thực phẩm thủy sản nói riêng), quần thể các loài thủy sản thương mại hay xả rác biển.
  • Chỉ thị khung về Nước (the Water Framework Directive - WFD) giải quyết những vấn đề liên quan đến ô nhiễm và đa dạng sinh học trong các vùng nước nội địa, vùng nước ven biển và các vùng nước chuyển tiếp (cửa sông, vịnh hẹp). Chỉ thị này yêu cầu các nước thành viên đạt được “trạng thái sinh thái tốt” và “trạng thái hóa học tốt” tại các vùng nước của mỗi quốc gia. Ô nhiễm về các chất hóa học được “ưu tiên”, trong số đó có vài chất được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản phải được giảm dần, một vài trường hợp phải loại bỏ hoàn toàn.
  • Các hoạt động nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ thiên nhiên theo Chỉ thị Chim và Môi trường sống (the Birds and Habitats Directives). Cụ thể, phải tuân theo các mục tiêu bảo tồn của các địa điểm có trong Natura 20007, mạng lưới các khu vực được bảo vệ của EU, và phải được Đánh giá phù hợp trước khi cho phép theo Điều 6 của Chỉ thị Môi trường sống.
  • Quy định về việc sử dụng các loài ngoại lai và không có tại địa phương trong nuôi trồng thủy sản nhằm giải quyết sự di chuyển của các loài ngoại lai cho mục đích nuôi trồng thủy sản. Người vận hành phải tiến hành đánh giá rủi ro trước và có giấy phép di chuyển các loài thủy sản ngoại lai. EU vừa thông qua Quy định về phòng ngừa và quản lý việc đưa vào và lây lan các loài ngoại lai xâm lấn cũng sẽ được áp dụng cho nuôi trồng thủy sản. Quy định này sẽ giải quyết các mối đe dọa gây ra bởi các loài ngoại lai xâm lấn thông qua các hành động: (1) hạn chế sự đưa vào và lây lan của các loài ngoại lai xâm lấn; (2) thiết lập cảnh báo sớm có hiệu quả và cơ chế phản ứng nhanh; và (3) quản lý các loài ngoại lai xâm lấn đã có mặt và phổ biến ở EU. Đồng thời, Quy định về phòng ngừa và quản lý việc đưa vào và lây lan các loài ngoại lai xâm lấn sẽ tương thích với Quy định về việc sử dụng các loài ngoại lai và không có tại địa phương trong nuôi trồng thủy sản.
  • Quy hoạch và phát triển các khu nuôi trồng thủy sản mới chịu sự chi phối bởi Đánh giá tác động môi trường (Environmental Impact Assessment - EIA) và Đánh giá môi trường chiến lược (Strategic Environmental Assessment - SEA). Điều này cho phép các mối quan tâm về môi trường được tính toán từ rất sớm trong các quy trình lập quy hoạch, do đó tránh hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực. Ngoài ra, Chỉ thị gần đây về Quy hoạch không gian biển (Maritime Spatial Planning - MSP) đã được thống nhất nhằm mục đích thúc đẩy phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên biển, bao gồm nuôi trồng thủy sản, thông qua Quy hoạch không gian biển được thành lập ở mỗi quốc gia thành viên vào năm 2021.

Anh Minh (Theo The Fish Site)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác