Năm quần đàn cá ngừ nhiệt đới được đánh bắt bởi đội tàu Tây Ban Nha đạt điều kiện được chứng nhận MSC (18-02-2019)

5 trong số 12 loại cá ngừ nhiệt đới mà hạm đội cá ngừ Tây Ban Nha đánh bắt đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cần thiết để đăng ký chứng nhận của MSC (Hội đồng Quản lý Biển).
Năm quần đàn cá ngừ nhiệt đới được đánh bắt bởi đội tàu Tây Ban Nha đạt điều kiện được chứng nhận MSC
Ảnh minh họa

Đó là cá ngừ vây vàng, cá ngừ vằn và cá ngừ mắt to từ miền trung tây Thái Bình Dương, và cá ngừ vây vàng và cá ngừ vằn từ phía đông Thái Bình Dương, trữ lượng chiếm 30% trong số 380.000 tấn được khai thác hàng năm bởi đội tàu này và 3% trong tổng sản lượng đánh bắt cá ngừ nhiệt đới trên thế giới.

Mục tiêu của hạm đội Tây Ban Nha là đáp ứng các điều kiện cần thiết cho 12 quần đàn cá ngừ nhiệt đới mà họ đánh bắt được để tham gia quá trình chứng nhận MSC vào năm 2021.

Đây là kết quả của năm hoạt động thứ hai của Dự án cải thiện nghề cá (FIP) mà đội tàu cá ngừ Tây Ban Nha, trong Tổ chức các nhà sản xuất liên kết Tàu cá ngừ đông lạnh (OPAGAC), được thiết lập với Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF từ năm 2016.

Như đã làm trong năm 2017, FIP đã sử dụng thước đo của MSC để đo lường hiệu quả của dự án, vượt qua kỳ vọng ở bốn tổ chức nghề cá khu vực (RFO) - Ủy ban Cá ngừ nhiệt đới Liên Mỹ IATTC, Ủy ban nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương WCPFC, Ủy ban cá ngừ Ấn Độ Dương IOTC và Ủy ban quốc tế về bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương ICCAT - trong đó 47 tàu OPAGAC hoạt động. Theo đánh giá của một nhà tư vấn độc lập, các chỉ số trong 5 loại cá ngừ nói trên đạt được điểm trên mức tối thiểu do MSC thiết lập (trung bình 80/100 điểm và không có điều kiện nào dưới 60 điểm), một yêu cầu cần thiết để yêu cầu được chứng nhận.

Tương tự như vậy, vào năm 2018, OPAGAC đã tìm kiếm sự phối hợp và liên kết các hành động của tổ chức này với các FIP được phát triển bởi các đội tàu khác, chẳng hạn như tổ chức TUNACONS (Nhóm bảo tồn cá ngừ) ở phía đông Thái Bình Dương và Sáng kiến ​​Cá ngừ Ấn Độ Dương bền vững (SIOTI), bao gồm tất cả đội tàu lưới vây từ Tây Ban Nha, Pháp, Seychelles và Mauritius.

Julio Morón, Giám đốc điều hành của OPAGAC cho biết: “FIP của chúng tôi dẫn đường cho nghề khai thác cá ngừ lưới vây trong quá trình chứng nhận MSC, do đây là sáng kiến ​​đầy đủ nhất trên thế giới vì nó bao gồm ba loài mục tiêu của nghề cá này ở Đại Tây Dương, Ấn Độ và Thái Bình Dương”.

Ông nói thêm: “Tính bền vững phải là ưu tiên hàng đầu trong bất kỳ chương trình nào của đội tàu đánh cá và bất kỳ quan hệ đối tác nào với các tổ chức khác với FIP đang diễn ra là một phương tiện tuyệt vời để đạt được một cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn trong các RFO và liên quan đến các chính phủ, chuỗi thương mại và người tiêu dùng”.

Mặc dù FIP có tiến triển tốt, OPAGAC và WWF có sự trùng hợp khi chỉ ra rằng vẫn còn những vấn đề quản trị quốc tế cản trở sự quản lý bền vững lâu dài của quần thể cá ngừ nhiệt đới và đặc biệt là sự phục hồi của các nguồn lợi bị khai thác quá mức, như quần thể cá ngừ mắt to Đại Tây Dương. Theo ý kiến ​​của họ, tiến độ chậm trong việc thiết lập các khuôn khổ cho Đánh giá các chiến lược đánh bắt và các biện pháp quản lý, giám sát và kiểm soát đầy đủ đối với tất cả các nghề cá nhằm vào các loài này, làm ảnh hưởng đến tính bền vững lâu dài của chúng.

Năm 2018, và trong khuôn khổ FIP, OPAGAC tiếp tục đóng góp vào việc cải thiện đánh giá nguồn lợi thủy sản, cung cấp cho viện công nghệ AZTI dữ liệu được thu thập bởi các phao vệ tinh được tích hợp vào các thiết bị dẫn dụ cá (FAD) được sử dụng bởi đội tàu, để đo lường các chỉ số về sự phong phú của loài. Ngoài ra, đội tàu đánh cá sẽ tiếp tục hợp tác trong ba dự án châu Âu để mở rộng tính khả dụng của dữ liệu không chính thức do ngành đóng góp và cải thiện tính khoa học trong các lĩnh vực cạnh tranh của bốn RFO.

Liên quan đến việc giảm tác động đến hệ sinh thái, năm 2019, đội tàu Tây Ban Nha sẽ tiếp tục thúc đẩy các nghiên cứu ở ba đại dương để đánh giá tác động của lưới vây và các ngư cụ khác, như nghề câu vàng và lưới rê, đến tỷ lệ chết của các loài sinh vật biển bị đánh bắt không mong muốn chủ yếu là cá mập, động vật có vú và rùa biển.

Đội tàu cũng sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án Biofad của Ấn Độ Dương và Đông Thái Bình Dương, trong đó đánh giá hiệu quả của các nguyên mẫu FAD phân hủy sinh học.

"BIOFAD" là một dự án châu Âu do AZTI phối hợp để thử nghiệm các vật liệu phân hủy sinh học trong việc xây dựng các thiết bị dẫn dụ cá ở Ấn Độ Dương

Trong ba năm tới, các mục tiêu sẽ tập trung vào việc cải thiện ba trụ cột của FIP: khoa học tiên tiến hơn, giảm tác động của hoạt động đánh bắt cá và cải thiện quản trị đại dương. Điều này sẽ đạt được thông qua việc cung cấp dữ liệu từ các FAD, cả RFO và các quốc gia ven biển tuân thủ tốt hơn các biện pháp quản lý, và đội tàu hỗ trợ thiết lập các quy tắc kiểm soát đánh bắt để điều chỉnh trong tất cả các nghề cá liên quan, để đảm bảo mức độ phong phú của nguồn lợi thủy sản.

OPAGAC cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng các hệ thống giám sát điện tử (EMS) để đăng ký và xác minh hoạt động đánh bắt cá, và cải thiện thông tin về các loài có nguy cơ tuyệt chủng, bị đe dọa hoặc được bảo vệ.

HNN (Theo fis.com)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác