Đánh cá bất hợp pháp – Hiện trạng khung pháp lý Quốc tế (05-01-2017)

Đánh cá bất hợp pháp là vấn nạn phổ biến, ảnh hưởng nặng nề tới môi trường và cộng đồng trên phạm vi toàn cầu. Nó làm suy giảm trữ lượng, phá hủy hệ sinh thái và tổn hại tới sinh kế của những ngư dân khai thác hợp pháp. Tuy nhiên, bất chấp những hệ lụy nguy hiểm mà nó mang lại, những biện pháp kiểm soát hiệu quả mới chỉ được triển khai trong thời gian gần đây nhằm ngăn chặn vấn nạn này.
Đánh cá bất hợp pháp – Hiện trạng khung pháp lý Quốc tế
Ảnh minh họa

Đánh cá bất hợp pháp đã được thừa nhận như là một vấn đề nghiêm trọng trên phạm vi quốc tế. Hầu hết các hoạt động đánh cá bất hợp pháp diễn ra tại các vùng biển tiếp giáp giữa các quốc gia, và các hệ lụy của nó không chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp diễn ra. Do đó, các biện pháp thực thi đã được triển khai ở nhiều cấp độ thẩm quyền khác nhau nhằm ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp ở mọi góc độ.

Nhận thức quốc tế về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp bắt đầu từ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Đây là thỏa thuận được đưa ra dựa trên kết quả của Hội nghị lần thứ 3 về Luật biển của Liên hợp quốc diễn ra từ năm 1973 đến 1982. UNCLOS xác định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia liên quan đến việc sử dụng các đại dương trên thế giới, xây dựng hướng dẫn về hoạt động kinh doanh, môi trường và quản lý nguồn lợi biển. UNCLOS đã chỉ rõ quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng biển lân cận thông qua việc phân chia thành các khu vực: Lãnh hải; Thềm lục địa; Vùng đặc quyền kinh tế; Vùng tiếp giáp; Biển cả (biển quốc tế).

UNCLOS cũng chỉ ra rằng các quốc gia có nghĩa vụ ngăn chặn đánh cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình (rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở) cũng như phải xin phép trước khi đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác.

Biển cả (Biển quốc tế) bao gồm tất cả vùng nước không nằm trong 4 vùng được phân chia ở trên. Theo UNCLOS, các quốc gia cần chủ động tham gia vào việc ngăn chặn khai thác quá mức ở vùng biển cả, tuy nhiên, chỉ quốc gia mang cờ có quyền đối với tàu cá khai thác tại vùng biển cả.

Những phát triển quan trọng của UNCLOS:

Bộ quy tắc ứng xử về Nghề cá có trách nhiệm của FAO 1991: Mục đích nhằm đưa ra những nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế chung cho quản lý, phát triển và bảo tồn nghề cá. Đây là tài liệu tự nguyện, song phần lớn các quy tắc dựa trên những nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế như UNCLOS.

Thỏa thuận ứng xử của FAO 1993: Đây là một phần của Bộ quy tắc ứng xử FAO 1995 và mang tính ràng buộc pháp lý, kêu gọi các quốc gia mang cờ đảm bảo tất cả tàu cá mang cờ của quốc gia đó được cấp phép khai thác tại vùng biển cả. Việc cấp phép phải phù hợp với các quy định về đánh bắt của khu vực.

Thỏa thuận của Liên hợp quốc về trữ lượng 1995: Triển khai các chi tiết được nêu trong UNCLOS 1982 về bảo tồn và quản lý trữ lượng cá.

Trong vài thập kỷ qua, nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm quản lý và kiểm soát đánh cá bất hợp pháp trên phạm vi toàn thế giới. Điều này đã giúp giảm đáng kể hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và không khai báo trên hầu hết các khu vực, đặc biệt là ở vùng biển tây bắc Đại Tây Dương và đông nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực ghi nhận hoạt động khai thác bất hợp pháp tăng lên như vùng tây bắc Thái Bình Dương và Nam cực.

Huyền Trang (theo thefishsite)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác