New Caledonia: Thành công trong việc đánh dấu cá ngừ Thái Bình Dương (09-11-2016)

Một nhóm các nhà khoa học đang tiến hành cuộc điều tra nghiên cứu ở khu vực Tây Thái Bình Dương nhằm nâng cao việc đánh giá và hiểu biết về nguồn lợi cá ngừ đã đánh dấu 2135 con cá ngừ, trong đó 75% là cá ngừ mắt to.
New Caledonia: Thành công trong việc đánh dấu cá ngừ Thái Bình Dương
Ảnh minh họa

Kết quả được Ban thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương (SPC) báo cáo, chuyến biển kéo dài 36 ngày trên tàu Gutsy Lady 4, là một phần của Chương trình Đánh dấu Cá ngừ Thái Bình Dương, gồm các vùng đặc quyền kinh tế của Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia, Nauru, Quần đảo Solomon, Tuvalu và các vùng biển sâu tiếp giáp với các quốc gia này.     

Chuyến nghiên cứu khoa học này do Chính phủ Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu, Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương và Quỹ Phát triển bền vững Thủy sản Quốc tế (ISSF) tài trợ.

Trong chuyến nghiên cứu này, các nhà khoa học sử dụng thiết bị câu chuyên dụng được sản xuất tại Hawaii nhằm vào đàn cá ngừ tập trung quanh chà rạo di động và các phao neo.

Dự án này được công ty khai thác hải sản Trimarine hỗ trợ bằng cách cung cấp trực tiếp các thông tin cho nhóm nghiên cứu về các vị trí đặt chà rạo di động (dFAD) phù hợp để thu hút đàn cá ngừ, điều này quyết định sự thành công của chuyến nghiên cứu.

SoPacTuna là một công ty khai thác hải sản khác trong khu vực cũng sẵn sàng cung cấp vị trí chà rạo di động trực tuyến cho nhóm khoa học.

Tiến sĩ John Hampton, Phó Giám đốc Bộ phận Nghề cá, Nuôi trồng thủy sản và các hệ sinh thái biển thuộc Ban thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương (SPC) cho biết: “SPC đã và đang thực hiện các chuyến nghiên cứu từ năm 2008 và các kết quả thu được đã đóng góp rất nhiều cho Chương trình Đánh dấu Cá ngừ Thái Bình Dương”.

TS. Hampton nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh dấu đeo thẻ khoảng 38.000 con cá ngừ mắt to trong thời gian 8 năm. Ông cho rằng điều này không thể thực hiện được nếu sử dụng phương pháp truyền thống câu có mắc mồi sống.  

Ông giải thích rằng kết quả của sáng kiến đánh dấu cá ngừ này sẽ có những hàm ý quan trọng mà trong đó các đánh giá về nguồn lợi cá ngừ mắt to trong tương lai sẽ được thực hiện và tư vấn khoa học cho các quốc gia trong khu vực.

Trong chuyến nghiên cứu này, có 4 chà rạo được trang bị trạm thủy âm vệ tinh để ghi nhận và truyền dữ liệu từ những con cá ngừ được gắn thẻ.

Những số liệu như vậy sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng phân biệt các loài cá khác nhau dựa trên tín hiệu âm phản hồi trong nghiên cứu đặc tính cá ngừ và các loài khác tập trung quanh các chà rạo di động (dFADs), cũng như hiểu nhiều hơn về tác động của chà rạo di động đến các loài cá này.

Các nhà khoa học của ISSF tham gia chuyến nghiên cứu này đặc biệt quan tâm đến việc nắm bắt được thời gian ổn định, tập tính phân bố theo chiều thẳng đứng, tần suất xuất hiện của loài cá này.  

Thông tin theo lịch trình thời gian, như độ sâu tương đối của mỗi loài ở các thời điểm  khác nhau trong ngày, có thể giúp xác định thời gian thả lưới vây để tránh đánh bắt loài nào đó là một lựa chọn cho công tác quản lý có thể thực hiện được hay không.

Chuyến nghiên cứu được thực hiện với nỗ lực lớn của các nhà khoa học khi tiến hành gắn được 123 thẻ, trong đó 76% số thẻ gắn cho cá ngừ mắt to.

Những chiếc thẻ được gắn vào lưng cá bằng cách sử dụng quy trình phẫu thuật nhanh có thiết bị cảm biến (sensors) để thu thập và lưu trữ dữ liệu chi tiết về sự di chuyển của cá trong vùng nước và giữa vị trí cá được thả ra và vị trí cá bị bắt lại.

Các nhà nghiên cứu còn cho biết có 25 con cá mập lụa cũng được gắn thẻ vệ tinh, điều này giúp cho việc nghiên cứu tập tính và quá trình di cư của chúng.

Vũ Hậu (theo fis.com)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác