Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước (28-04-2020)

Ngày 24 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước và khoáng sản.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước
Ảnh minh họa

Theo đó, Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước và khoáng sản. Cụ thể là, đối với lĩnh vực Tài nguyên nước, sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước (được quy định cụ thể tại Chương II của Nghị định). Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên nước và khoáng sản không quy định tại Nghị định này thì được áp dụng theo quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Nghị định 36/2020/NĐ-CP áp dụng đối với các Tổ chức/cá nhân trong nước và nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước và khoáng sản (trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Có 05 loại hình Tổ chức trong nước và nước ngoài sẽ bị xử phạt nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước và khoáng sản: (1) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, như: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (Chi nhánh, Văn phòng đại diện), Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã; (2) Nhà đầu tư nước ngoài; Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; Văn phòng đại diện của Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; (3) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; (4) Tổ chức chính trị - xã hội, Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội - nghề nghiệp; (5) Các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

 

Liên quan đến hoạt động sản xuất thủy sản

Phạt tiền từ 10-140 triệu đồng đối với một trong 07 hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép sau: (1) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng trên 0,1 m3/giây đến dưới 0,2 m3/giây; (2) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 0,2 m3/giây đến dưới 0,3 m3/giây; (3) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 0,3 m3/giây đến dưới 0,5 m3/giây; (4) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 0,5 m3/giây đến dưới 1 m3/giây; (5) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 1 m3/giây đến dưới 1,5 m3/giây; (6) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; với lưu lượng từ 1,5 m3/giây đến dưới 2 m3/giây; (7) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên.

Đối với hành vi vi phạm về sử dụng mặt nước hồ chứa (có dung tích dưới 1.000.000 m3), phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu Tổ chức/cá nhân trong nước và nước ngoài sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản; Không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình theo quy định. Riêng trường hợp vi phạm về sử dụng mặt nước hồ chứa thuộc hệ thống công trình thủy lợi thì áp dụng xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Phạt tiền từ 30-250 triệu đồng đối với một trong 07 hành vi vi phạm sau: (1) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ trên 10.000 m3/ngày đêm đến dưới 30.000 m3/ngày đêm; (2) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 30.000 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm; (3) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 50.000 m3/ngày đêm đến dưới 70.000 m3/ngày đêm; (4) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 70.000 m3/ngày đêm đến dưới 100.000 m3/ngày đêm; (5) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 100.000 m3/ngày đêm đến dưới 150.000 m3/ngày đêm; (6) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 150.000 m3/ngày đêm đến dưới 200.000 m3/ngày đêm; (7) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 200.000 m3/ngày đêm trở lên.

Xử lý vi phạm Xả nước thải vào nguồn nước

Các trường hợp vi phạm quy định của giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với các hành vi: Không thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động xả nước thải vào nguồn nước cho Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Không báo cáo kịp thời về Cơ quan cấp phép và Cơ quan chức năng ở địa phương trong trường hợp có sự cố ô nhiễm nguồn nước do hành vi xả nước thải gây ra; Báo cáo không trung thực, không đầy đủ về hoạt động xả nước thải vào nguồn nước cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Đặc biệt, phạt nặng từ 100-130 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Xả nước thải vào nguồn nước không đúng vị trí, tọa độ quy định trong giấy phép; Xả nước thải vào nguồn nước không đúng chế độ, phương thức quy định trong giấy phép; Thu gom nước thải không đúng thiết kế theo quy định của giấy phép; Vận hành hệ thống xử lý nước thải không đúng quy trình vận hành theo quy định của giấy phép; Không chuẩn bị nhân lực, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố gây ô nhiễm nguồn nước; Tự ý cho tổ chức/cá nhân khác xả nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải do mình đầu tư, quản lý, vận hành không đúng quy định của giấy phép.

Đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước vượt quá lưu lượng quy định trong giấy phép thì phần lưu lượng vượt quá quy định áp dụng xử phạt theo các khoản từ 1 đến 8 (Điều 20 của Nghị định). Đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước có hàm lượng chất ô nhiễm vượt quá giới hạn quy định trong giấy phép thì áp dụng xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, sẽ áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trong thời hạn từ 03-06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định làm ô nhiễm nguồn nước, thiệt hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái thủy sinh, hoạt động nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trong trường hợp hành vi vi phạm quy định, gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

Các trường hợp xử phạt khác

Trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với các hành vi: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các loại hoá chất khác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm nguồn nước.

Trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống xâm nhập mặn, sẽ bị phạt tiền từ 6-10 triệu đồng đối với các hành vi: Khai thác, sử dụng nước lợ, nước mặn cho sản xuất, cho nuôi trồng thủy sản ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản gây xâm nhập mặn nguồn nước.

Nghị định 36/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 5 năm 2020; thay thế Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện (hoặc đang xem xét giải quyết), nếu các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định này có lợi cho Tổ chức/cá nhân vi phạm hành chính thì áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành nhưng chưa thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà Tổ chức/cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính có khiếu nại thì xem xét áp dụng quy định có lợi của Nghị định này để giải quyết.

Thông tin chi tiết của Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn/

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác