Nhận thức đầy đủ, hành động quyết liệt quyết tâm tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng IUU” trong năm 2024 (22-04-2024)

Chiều ngày 22/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối với 28 tỉnh, thành phố ven biển, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản. Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nhận thức đầy đủ, hành động quyết liệt quyết tâm tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng IUU” trong năm 2024

Cùng dự Hội nghị có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Trung ương Đảng tại Hà Nội đến 28 tỉnh, thành phố có biển.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&PTNT Lê Minh Hoan đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội...

Tiếp đó, trình bày Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai Chỉ thị 32-CT/TW, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu: Nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hanh vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng, trước mắt cần thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp đến tháng 5/2024 trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” gồm:

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU.

Ưu tiên, bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, lực lượng, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện) cho các cơ quan, lực lượng chức năng; tăng cường lực lượng, phương tiện để thực hiện cao điểm thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát thực hiện các quy định chống khai thác IUU. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật.

Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Về hợp tác quốc tế, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”; không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước. Tích cực nắm thông tin tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; kịp thời thu thập hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, bản án, quyết định xử lý của nước sở tại để phục vụ công tác điều tra, xử lý và bảo hộ công dân. Kịp thời đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với các nước.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng chỉ ra 5 nhiệm vụ, giải pháp dài hạn phát triển bền vững ngành thủy sản, gồm:

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển; cải thiện sinh kế, nâng cao cuộc sống của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo.

Đồng thời phải triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Về nhiệm vụ, giải pháp dài hạn phát triển bền vững ngành Thủy sản, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; nâng cao cuộc sống của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo.

Kiện toàn, nâng cao năng lực, đảm bảo cơ chế, chính sách cho các lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan để quản lý, thực thi hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản.

Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho ngành thủy sản phát triển lâu dài, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Tăng cường hợp tác quốc tế về thủy sản, đàm phán, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước, giải quyết các tranh chấp trên biển; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân khai thác trên biển; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về bảo vệ đại dương, môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.

Triển khai thực hiện các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thủy sản; đảm bảo thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã nêu lên những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; đồng thời nêu lên những cách làm hay trong phát triển thủy sản; việc đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiến nghị, đề xuất Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng chấp pháp trên biển tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến và tại các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực để kịp thời bảo vệ, ngăn chặn và xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp kiểm tra, kiểm soát, quản lý nghiêm đối với nhóm tàu cá ngoài tỉnh xuất, nhập bến thường xuyên tại các địa phương, đặc biệt là các tàu cá có chiều dài dưới 15 m hoạt động ở vùng lộng không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, để phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Quan tâm đầu tư nâng cấp các cảng cá và các khu neo đậu, trú tránh bão để thực hiện tốt công tác quản lý đội tàu, phục vụ tốt công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, tỉnh thực hiện kịp thời và đầy đủ các chỉ thị, nghị định của Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 10/10/2018 thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và tổng kết 5 năm thực hiện vào ngày 26/3/2024. Với sự nỗ lực của các cấp ban, ngành, địa phương, từ tháng 8/2022 đến nay, tỉnh không có trường hợp nào vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo một số kết quả trong phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là các giải pháp tăng cường tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo tính răn đe, thực thi nghiêm pháp luật Thuỷ sản… Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh nhận thức rõ về tầm quan trọng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là cơ hội để phát triển bền vững ngành Thuỷ sản. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh quyết tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp để hiện thực hóa được mục tiêu “Xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc”  theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Quảng Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 32 của Ban Bí thư tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần cùng với cả nước thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thuỷ sản bền vững, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; tăng cường quản lý đội tàu, kiểm tra, kiểm soát sản lượng đánh bắt thủy sản; nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, kiên quyết khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU….

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024.

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 32-CT/TW, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân về phát triển bền vững ngành thủy sản. Chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển ngành thủy sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cùng với đó, cần có chính sách để phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần vào sự phát triển KT-XH nói chung và nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước đối với quốc tế.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác