Thiết lập chuỗi cung ứng giống chất lượng cao phục vụ nuôi biển (12-09-2023)

Đó là chỉ đạo của Cục trưởng Cục Thủy sản tại Hội thảo Phát triển giống và thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển năm 2023 do Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa tổ chức mới đây tại tỉnh Khánh Hòa.
Thiết lập chuỗi cung ứng giống chất lượng cao phục vụ nuôi biển

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo các Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu, Kiên Giang, các Chi cục Thủy sản của một số tỉnh/thành phố ven biển, đại diện các Viện, trường nghiên cứu trong nuôi trồng thủy sản cùng các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng giống, thức ăn, vật tư đầu vào, giải pháp công nghệ nuôi lồng bè.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và ông ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì Hội thảo.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản, tổng số cơ sở nuôi biển tính đến hết năm 2022 có khoảng: 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè. Trong đó, phân theo vùng nuôi thủy sản trên biển: số cơ sở nuôi từ bờ đến 3 hải lý: có 6.506 cơ sở (244.402 lồng bè) với 3.795 cơ sở nuôi cá biển; 1.846 cơ sở tôm hùm và 865 cơ sở nuôi khác. Từ 3 đến 6 hải lý có 914 cơ sở nuôi cá biển (với 4.299 lồng bè). Và số cơ sở nuôi trồng Thuỷ sản trên biển xa trên 6 hải lý: 27 cơ sở nuôi cá biển (137 lồng bè).

Hiện cả nước có 1.122 cơ sở sản xuất giống nuôi biển với công suất thiết kế trên 373 tỷ con/năm. Và có 776 cơ sở ương dưỡng giống cung cấp 538 triệu con giống.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá hiện trạng, giải pháp; định hướng phát triển sản xuất cung ứng giống và thức ăn phục vụ nuôi biển; kết quả kiểm dịch giống thủy sản phục vụ nuôi biển trong cả nước nói chung và ở một số địa phương trọng điểm nuôi biển trong cả nước. Đại diện nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất giống, thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển cũng đã thông tin thêm về kết quả sản xuất giống, thức ăn, nuôi thương phẩm trong thời gian qua. Các cơ sở nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã giới thiệu các giải pháp nghiên cứu, ứng dụng và kết quả chuyển giao công nghệ sản xuất giống, thức ăn, nuôi thương phẩm dành cho nhiều đối tượng thủy sản nuôi trồng trên biển…

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, giống và thức ăn chiếm hơn 80% giá thành, là 2 yếu tố quan trọng để phát triển nuôi biển. Do đó, để phát triển nuôi biển bền vững, chúng ta cần quản lý giống và thức ăn chặt chẽ. Để làm được điều này, chúng ta cần áp dụng công nghệ số.

Theo ông Lê Văn Hoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, ngành nuôi biển hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Đa số ngư dân nuôi biển vẫn sử dụng phương pháp truyền thống, quy mô nhỏ và công nghệ lồng nuôi truyền thống bằng gỗ không thích hợp cho điều kiện biển cả. Ông Hoan cũng nhấn mạnh về hạn chế trong công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường nuôi trồng.

Theo ông Lê Văn Hoan, để giải quyết các thách thức này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đổi mới và thay đổi nhanh công nghệ lồng nuôi bằng vật liệu mới; đầu tư vào công nghệ sản xuất thức ăn để phục vụ đa dạng hóa cho các đối tượng nuôi biển; hợp tác sâu rộng giữa người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi biển.

Tại hội thảo, đại diện Cục Thú y cũng đặt ra vấn đề về tổ chức và nhân lực thú y thủy sản, cũng như khó khăn trong kiểm dịch thủy sản giống. Những khó khăn này gây ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát chất lượng và an toàn của sản phẩm thủy sản.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững ngành nuôi biển, các đại biểu đều có chung quan điểm cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ tập trung chọn con giống chủ lực để sản xuất bài bản, đồng thời tổ chức thực hiện theo chuỗi để nâng giá trị ngành hàng và phát triển nuôi biển bền vững. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát, kiểm tra về chất lượng thức ăn cho thủy sản nuôi.

Phát biểu kết luận, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần rà soát điều kiện các cơ sở sản xuất giống thủy sản, thức ăn và các cơ sở lồng bè nuôi cá bố mẹ. Các địa phương phải nắm rõ từng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi đàn cá bố mẹ ở đâu để quản lý chặt chẽ.

Về phía Cục Thủy sản cũng sẽ rà soát về vấn đề nuôi đàn bố mẹ, ương dưỡng con giống. Sắp tới, Cục Thủy sản cũng sẽ ngồi với các sở sản xuất giống và ương dưỡng giống để bàn và thành lập chuỗi cung ứng nhằm cung cấp con giống ổn định, chất lượng, phục vụ nuôi biển. Đồng thời, phía cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường giám sát chất lượng con giống và thức ăn cho thủy sản.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác