Rong biển giúp hành tinh thêm xanh! (06-07-2024)

Từ trước tới nay, rong biển luôn được biết đến là loài thực vật có giá trị dinh dưỡng, đem lại lợi ích kinh tế cao, được con người khai thác để sản xuất thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và các chế phẩm cao cấp khác. Tại Việt Nam, ngành Thủy sản luôn mong muốn có thể khai thác thêm nhiều tiềm năng to lớn khác của rong biển, nhất là tiềm năng bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm rác thải nhựa, giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Rong biển giúp hành tinh thêm xanh!

“Cuộc cách mạng rong biển” là thông tin mới được Liên Hợp Quốc công bố, cho thấy giải pháp sáng tạo giải quyết những thách thức cấp bách nhất (trên phạm vi toàn cầu) mà nhân loại đang phải đối mặt hiện nay có thể được tìm thấy ở rong biển - nguồn tài nguyên lớn trên hành tinh vẫn chưa được nghiên cứu khai thác hết tiềm năng vốn có của nó.

Tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu - lần thứ 28 (COP28) được tổ chức trong các ngày từ 28/11 đến 12/12/2023 tại Dubai (UAE), Cố vấn cấp cao về Đại dương của Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc (the UN Global Compact) Vincent Doumeizel cho biết, ông đang lãnh đạo "cuộc cách mạng rong biển" có thể giúp giải quyết không chỉ khủng hoảng an ninh lương thực, xã hội mà còn cả khủng hoảng khí hậu. Ông Doumeizel đã nhấn mạnh khả năng hấp thụ carbon to lớn của rong biển và là nguyên liệu xanh để sản xuất “nhựa sinh học”- chất thay thế bền vững cho các sản phẩm nhựa, khiến nó trở thành một công cụ tuyệt vời để giảm thiểu biến đổi khí hậu và phục hồi đa dạng sinh học.

Rong biển có thể phát triển rất nhanh - lên đến 40 cm một ngày để đạt chiều cao 60 mét. Vì vậy, chúng là một khu rừng thực sự, có thể hấp thụ nhiều carbon hơn rừng rậm Amazon. Chuyên gia về Đại dương còn cho biết các hệ thống thực phẩm lỗi thời là một trong những tác nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, tình trạng khan hiếm nước, cạn kiệt đất và bất công xã hội, với một lượng lớn lao động đang làm việc trong các hệ thống thực phẩm này. Ông cho biết nghề trồng rong ở Đông Phi đã chứng minh khả năng tạo ra việc làm và trao quyền cho người phụ nữ (80% doanh thu có được từ hoạt động sản xuất của phụ nữ).

Ông Doumeizel lưu ý rằng rong biển chứa nhiều chất dinh dưỡng và protein, hầu như tất cả số rong biển mà chúng ta đang tiêu thụ đều tập trung ở các bãi biển. "Tôi tin rằng nếu chúng ta học cách nuôi dưỡng đại dương, chúng ta sẽ được ghi nhớ là thế hệ đầu tiên trên hành tinh có thể nuôi sống toàn bộ dân số trong khi giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời khôi phục đa dạng sinh học và xóa đói giảm nghèo".

Rong biển hấp thụ carbonic gấp 2,4 lần so với cây cối trên đất liền

Khí thải carbonic (CO2) là một phần tất yếu của cuộc sống. Con người càng theo đuổi lối sống hiện đại thì càng thải ra nhiều khí thải hơn. Như chúng ta đã biết, cây xanh hấp thụ khí carbonic thải ra từ các hoạt động của con người và cây xanh cũng có tác dụng làm cho không khí sạch hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rong biển có thể hấp thụ lượng khí carbonic nhiều hơn các loại cây cối mọc trên đất liền.

Từ xa xưa, rong biển đã được biết đến là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhiều báo cáo chỉ ra rằng chất xơ và polysaccharides có trong rong biển có rất nhiều tác dụng. Ngoài việc được dùng làm thực phẩm, các thành phần trong rong biển như axit alginic, carrageenan và agar được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực quan trọng như y tế, công nghiệp. Ngày nay, rong biển còn được đánh giá là loài thực vật hữu ích, có tác dụng lưu giữ “carbon xanh”

Tạp chí JIME Vol. 52, số 6 (2017) cho biết, “carbon xanh” là thuật ngữ chỉ carbon được lưu giữ trong các hệ sinh thái biển như thảm rong biển. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung là rừng hấp thụ khí carbonic và đại dương cũng vậy. Trên thực tế, nó hấp thụ khí carbonic nhiều gấp 2,4 lần so với cây cối trên đất liền. Theo cơ chế, khí carbonic dễ tan trong nước nên khí carbonic trong khí quyển sẽ hòa tan trong nước biển. Ngoài ra, các hệ sinh thái biển như rong biển còn hấp thụ khí carbonic thông qua quá trình quang hợp.

Khi rong biển bị rách, nó sẽ nổi trên mặt biển. Rong biển không lấy chất dinh dưỡng từ rễ của nó, không chết ngay lập tức ngay cả khi bị xé rách, nó trôi dạt ra khơi rồi chìm xuống biển sâu. Đây là cách mà "carbon xanh" được lưu giữ dưới đáy biển. Những nơi có rong biển mọc dày tạo nên “thảm rong biển”. Nó chiếm một vị trí quan trọng trong hệ sinh thái biển và được ví như một khu rừng dưới nước.

Tuy nhiên, trên thế giới, những thảm rong biển này đang tiếp tục suy giảm. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này như việc cải tạo các vùng ven biển, thay đổi môi trường sống do nhiệt độ nước biển tăng… Vì vậy, việc tăng cường các thảm rong biển để làm phong phú hệ sinh thái biển là rất quan trọng. Phát triển hoạt động trồng rong sẽ làm tăng khối lượng thảm rong biển trong đại dương, nơi lưu giữ "carbon xanh".

Thủy sản Việt Nam chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngày 6 tháng 7 năm 2024, tại Cục Thuỷ sản, được sự chỉ đạo của Cục trưởng Trần Đình Luân, Chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” đã chính thức ra mắt. Chương trình được thực hiện bởi Trung tâm ICAFIS (Hội Thủy sản Việt Nam) và nhãn hàng JAPIFOODS - Công ty CP WinEco Việt Nam. Tại buổi lễ, các bên hữu quan còn thực hiện Lễ ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết đồng hành để tạo ra Chuỗi kinh tế tuần hoàn toàn diện, có trách nhiệm, thông qua hoạt động thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ rong biển.

Tại Việt Nam hiện nay, sinh kế của người dân sống ở các vùng ven biển phụ thuộc vào chất lượng nước và môi trường sống của các hệ sinh thái biển phong phú. Với mục tiêu giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường biển và phát triển sinh kế cộng đồng, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) đã hợp tác với nhãn hàng JAPIFOODS của Công ty CP Wineco Việt Nam thúc đẩy Chương trình “Blue Ocean – Blue Foods”.

Chương trình hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự tham gia “có trách nhiệm” của các bên liên quan trong việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường biển và sinh kế cộng đồng. Nâng cao nhận thức cộng đồng ven biển về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển; Thúc đẩy chương trình đồng hành doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường biển (Blue Ocean); Thúc đẩy chuỗi kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm (Blue Foods); giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu vùng ven biển và thúc đẩy liên minh thực phẩm thuỷ sản có trách nhiệm (Blue Food Alliance).

Nội dung chính của “Blue Ocean – Blue Foods”

Một là, Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển: Phối hợp với các trường học ven biển triển khai chương trình “Đại sứ biển xanh – Blue Ocean Kid Heros”. Phối hợp với các địa phương ven biển, Hội Thuỷ sản tỉnh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, các trường ven biển triển khai chương trình “Làm sạch bờ biển – Clean Up Ocean”. Phát động cuộc thi vẽ tranh, kể chuyện, sáng tác tác phẩm văn học, văn nghệ về môi trường biển trong các trường học ven biển. Phối hợp với Hội hoạ sỹ Việt Nam triển khai nhận rộng mô hình “Làng ngư bích hoạ” gắn với bảo vệ môi trường biển. Đặc biệt, huy động sự tham gia của các đơn vị báo chí, truyền thông chia sẻ nhân rộng câu truyện, hoạt động của chương trình dự án.

Hai là, Gắn kết chương trình ESG doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường biển “Blue Ocean”: Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, chương trình làm sạch bờ biển, phát triển sinh kế vùng ven biển gắn với giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Ba là, Thúc đẩy chuỗi kinh tế toàn hoàn, có trách nhiệm, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu vùng ven biển “Blue Foods”: Huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi nuôi trồng thuỷ sản gắn với phát triển trồng rong biển tại Việt Nam. Hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn “Đầu tư – Nuôi trồng – Chế biển – Tiêu thụ rong biển”.

Bốn là, Thúc đẩy liên minh thực phẩm thuỷ sản có trách nhiệm “Blue Foods Alliance”: Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong chương trình. Kêu gọi thành lập liên minh thực phẩm thuỷ sản có trách nhiệm “Blue Foods Alliance” với nhiều doanh nghiệp cùng tham gia. Xây dựng kênh truyền thông hiệu quả cho liên minh “Blue Foods Alliance”.

TS Nguyễn Thị Sâm - Giám đốc JAPIFOODS khẳng định JAPIFOODS sẽ luôn đồng hành cùng “Blue Ocean – Blue Foods” trong khoảng thời gian 3 năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc nội dung triển khai cụ thể của chương trình; đồng thời cam kết đóng góp 10% doanh thu của JAPIFOODS cho chương trình để phát triển diện tích trồng rong tại Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, “Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được thông qua ngày 28/6/2024; hiện Việt Nam chưa có quy hoạch riêng cho rong biển. Mục tiêu phát triển trồng rong biển tại các vùng ven biển Việt Nam chính là để nâng cao đời sống của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường sinh thái ngày một tốt hơn. Ông hy vọng, thông qua Chương trình “Blue Ocean – Blue Foods”, rong biển sẽ được phát triển mạnh tại Việt Nam, đem lại nhiều ý nghĩa to lớn về môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác