Nguyên tắc kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng (14-11-2015)

Trong nuôi trồng thủy sản, việc kiểm soát hóa chất, kháng sinh sử dụng trong quá trình nuôi có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm nuôi và hiệu quả sản xuất. Điều này đòi hỏi người nuôi phải nắm được thông tin các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và biện pháp phòng tránh gây nhiễm trong quá trình nuôi.
Nguyên tắc kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng

Nguyên tắc kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm đối với người nuôi là không sử dụng sản phẩm chứa chất cấm trong cơ sở sản xuất giống, không sử dụng thuốc chứa chất cấm để phòng trị bệnh thủy sản. Không sử dụng chất cấm để trộn thức ăn. Không sử dụng chất cấm làm chất bảo quản sản phẩm khi thu hoạch. Trước khi thu hoạch, nếu phát hiện còn dư lượng kháng sinh thì cần phải nuôi lưu để đào thải chất cấm.

Trước khi sử dụng thuốc và hóa chất, cần đọc kỹ các thành phần của sản phẩm hoặc tham khảo ý kiến của cán bộ kỹ thuật để chắc chắn không có thành phần cấm sử dụng. Cần lưu ý không sử dụng các sản phẩm có chứa các cấm để diệt giáp trong ao và khu vực quanh ao nuôi.

Khi nuôi, nên chọn nguồn nước đảm bảo chất lượng hoặc có biện pháp xử lý nước phù hợp. Định kỳ thực hiện phân tích chất lượng nước cấp hoặc cập nhật các thông tin quan trắc môi trường nước của các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương. Cần thường xuyên kiểm tra bờ mương, bờ ao chứa nước thải để kịp thời xử lý các trường hợp thẩm lậu. Trong quá trình sử dụng cần lưu thông tin về sử dụng thuốc hóa chất để có thể truy xuất được nguồn gốc lây nhiễm khi cần.

Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản quy định tại các Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009, Thông tư số 20/2010/TT-BNNPTNT 2/4/2010 và Thông tư số 03/2012/TT-BNNPTNT 16/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

TT

Tên hoá chất, kháng sinh bị cấm

TT

Tên hoá chất, kháng sinh bị cấm

1

Aristolochia spp và các chế phẩm từ chúng

12

Ipronidazole

2

Chloramphenicol

13

Các Nitroimidazole khác

3

Chloroform

14

Clenbuterol

4

Chlorpromazine

15

Diethylstilbestrol (DES)

5

Colchicine

16

Glycopeptides

6

Dapsone

17

Trichlorfon (Dipterex)

7

Dimetridazole

18

Gentian Violet (Crystal violet)

8

Metronidazole

19

Nhóm Fluoroquinolones (cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Bắc Mỹ)

9

Nitrofuran (bao gồm cả Furazolidone)

20

Green Malachite (Xanh Malachite)

10

Ronidazole

21

Ipronidazole

11

Green Malachite (Xanh Malachite)

22

Trifluralin

 

 

23

Cypermethrin, Deltamethrin và Enrofloxacin 

 

Ngoài các chất cấm sử dụng, người nuôi cũng cần phải biết quy định về các chất hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và biện pháp phòng tránh thủy sản nhiễm dư lượng vượt mức cho phép đối với sản phẩm nuôi.

Đối với sử dụng thuốc và hóa chất, cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh và chỉ sử dụng thuốc khi đã biết chắc chắn tôm bị bệnh gì và sử dụng loại thuốc nào để chữa trị. Khi sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của cơ quan thú y thuỷ sản hoặc người có chứng chỉ hành nghề thú y thuỷ sản. Người kê đơn trị bệnh phải ghi rõ các hiện tượng bệnh lý, kết quả phân tích mầm bệnh (nếu có), ghi rõ loại thuốc, liều dùng và phương pháp điều trị.

Khi mua thuốc, người sử dụng cần yêu cầu nhà cung cấp xuất trình giấy chứng nhận, công nhận hoặc Danh mục lưu hành của sản phẩm. Nếu thấy nghi ngờ không nên mua hoặc nếu mua cần lấy mẫu để kiểm tra. Khi sử dụng thuốc cần liên tục theo dõi diễn biến sức khoẻ của tôm và lấy mẫu tôm kiểm tra để biết được hiệu quả của việc chữa bệnh. Cần ngừng sử dụng thuốc ít nhất 4 tuần trước khi thu hoạch. Phải nuôi lưu để đào thải nếu trước khi thu hoạch phát hiện còn dư lượng. Phải lưu thông tin về sử dụng thuốc hóa chất để có thể truy xuất được nguồn gốc lây nhiễm khi được yêu cầu.

Đối với việc sử dụng thức ăn, cần lựa chọn thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm nuôi và mua thức ăn từ nguồn cung cấp có uy tín và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm nuôi. Nên chọn thức ăn của các nhà sản xuất có áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng trong sản xuất như HACCP, GMP,...

Khi mua thuốc cần kiểm tra thông tin trên bao bì để biết chất lượng và hạn sử dụng của thức ăn, đối chiếu các chỉ tiêu chất lượng ghi trên nhãn với phiếu kiểm tra chất lượng của lô hàng. Nếu có thể, nên yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn ký cam kết về chất lượng sản phẩm họ cung cấp.

Chú ý bảo quản thức ăn nơi khô ráo, thoáng mát đồng thời có biện pháp ngăn chuột và côn trùng xâm hại. Tránh mối nguy khác tác động đến thức ăn trong bảo quản và sử dụng. Trước khi thu hoạch nếu phát hiện còn dư lượng phải nuôi lưu để đào thải nếu và phải lưu thông tin về sử dụng thức ăn để có thể truy xuất được nguồn gốc lây nhiễm khi cần.

Trong quá trình nuôi, người nuôi phải lưu ý ghi chép, lưu trữ hồ sơ  Vệc lập hồ sơ và  lưu trữ hồ sơ là nhằm phục vụ cho việc kiểm các yếu tố đầu vào, yếu tố môi trường và các hoạt động khác trong vụ nuôi. Đồng thời  thông qua đó có thể tích luỹ kinh nghiệm cho vụ nuôi tiếp theo và phục vụ truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Việc này còn giúp cho người nuôi có thể sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của cơ quan thẩm quyền kiểm tra, đánh giá, công nhận cơ sở đạt điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nội dung các biểu mẫu hồ sơ cần lập bao gồm thông tin chung về cơ sở nuôi trồng; Biểu mẫu ghi chép cho cơ sở nuôi như giống thả, nhập thức ăn, thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trườngsử dụng và thu hoạch; và Biểu mẫu ghi chép cho từng ao nuôi như sử dụng thức ăn, thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trường; theo dõi sinh trưởng và tỷ lệ sống; môi trường nước ao nuôi

                                                                                                                              Thu Hiền (tổng hợp)

 

Ý kiến bạn đọc

64x64

Khách 22/10/2018

Cho biết lý do các hoá chất và kháng sinh trên bị cấm

Tin khác