Thanh Hóa: Phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển thủy sản nhanh, bền vững (15-06-2023)

Ngày 5 tháng 6 năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt “Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển”. Trong giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm ngành Thủy sản đạt 5%/năm trở lên; trong giai đoạn 2026-2030, phấn đấu đạt 6%/năm trở lên.
Thanh Hóa: Phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển thủy sản nhanh, bền vững
Ảnh minh họa

Đến 2025: Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 125 triệu USD. Tổng sản lượng thủy sản 198.500 tấn; trong đó: sản lượng khai thác thủy sản 134.500 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 64.000 tấn. Tổng số tàu thuyền khai thác vùng khơi phấn đấu đạt 1.230 chiếc; sản lượng khai thác thủy sản vùng khơi 88.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ là 5.100 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 700 ha, nuôi ngao 1.000 ha, ao đầm 3.400 ha. Thể tích nuôi lồng bè 70.000 m3. Giảm tổn thất sản phẩm khai thác hải sản sau thu hoạch xuống dưới 15%. Phấn đấu 100% tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên tham gia các tổ, đội khai thác trên biển. Đặc biệt, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá đồng bộ, hiện đại, lưỡng dụng (vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa phục vụ mục đích quốc phòng).

Đến 2030: Giá trị xuất khẩu thủy sản 145 triệu USD. Tổng sản lượng thủy sản 215.000 tấn; trong đó: sản lượng khai thác thủy sản 145.000 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 70.000 tấn. Tổng số tàu thuyền khai thác vùng khơi phấn đấu đạt 1.331 chiếc; sản lượng khai thác thủy sản vùng khơi 93.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ giữ ổn định 5.100 ha; trong đó, tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lên 1.000 ha, nuôi ngao giữ ổn định 1.000 ha, giảm diện tích ao đầm xuống 3.100 ha. Thể tích nuôi lồng bè tăng hơn hai lần, lên 150.000 m3. Giảm tổn thất sản phẩm khai thác hải sản sau thu hoạch xuống dưới 10%. Duy trì 100% tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên tham gia các tổ, đội khai thác trên biển. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá đồng bộ, hiện đại.

Đến 2045: Ngành Thủy sản tỉnh Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.

Để triển khai hiệu quả “Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển”, ngành Thủy sản Thanh Hóa sẽ phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững, gắn với chế biến và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, lưỡng dụng; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi hợp lý để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; bảo vệ môi trường sinh thái và phục hồi nguồn lợi thủy sản. Phát triển thủy sản nhanh và bền vững kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tỉnh đã xác định phát triển thủy sản bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; góp phần phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Cùng với đó, tăng cường liên kết, cơ cấu lại ngành Thủy sản theo hướng: Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Thủy sản. Xây dựng và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển thủy sản, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá mang tính lưỡng dụng, trọng tâm là các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu.

Phát triển kinh tế biển với trọng tâm là phát triển kinh tế thủy sản

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật thủy sản, các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững; phát huy vai trò chủ thể của ngư dân, doanh nghiệp trong phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; đồng thời, chỉ rõ các quy định của Luật Biển quốc tế; các cam kết, thỏa thuận song phương và đa phương của Việt Nam với các nước; kịp thời thông tin, tuyên truyền cho ngư dân về tình hình vi phạm của tàu cá trên biển nhằm giúp ngư dân khai thác bền vững, an toàn, không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Xây dựng và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản nhanh và bền vững; huy động đa dạng các nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá (ưu tiên các công trình lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa phục vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc). Xác định việc thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh, lập quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển thủy sản là khâu quan trọng, được thực hiện thường xuyên, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển kinh tế thủy sản nhanh và bền vững, gắn kết các nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

Xây dựng chính sách đặc thù riêng của tỉnh để phát triển thủy sản

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản; hỗ trợ đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi nghề, tăng cường sự hiện diện của ngư dân tại các vùng biển; hỗ trợ rủi ro trong sản xuất thủy sản; kiểm soát môi trường, dịch bệnh; cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; đồng thời, thực hiện tốt các chính sách của tỉnh về đóng hầm bảo quản đối với tàu cá hoạt động vùng khơi bằng vật liệu mới, phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm công nghiệp… Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng các chính sách đặc thù riêng của tỉnh nhằm phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Cụ thể là: Chính sách hỗ trợ của các tổ, đội khai thác trên biển; dân quân biển và các đội tàu sẵn sàng tham gia huy động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá; đào tạo kỹ năng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đào tạo kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nghề cho con em ngư dân về lĩnh vực thủy sản. Chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng trong thời gian cấm khai thác thủy sản có thời hạn trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân nhằm giảm áp lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (nhất là vùng biển ven bờ). Chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, quản lý và phát triển các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; chú trọng phát triển chế biến sâu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho ngành Thủy sản Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra trong “Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác