Theo Bộ NN&PTNT, tại ĐBSCL có trên 5.470ha nuôi cá tra. Dự báo nguồn cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu sẽ khan hiếm vào cuối năm nên không ít nông dân hăm hở bắt tay vào thả nuôi, với hy vọng gỡ lại phần nào thua lỗ vụ trước. Tuy nhiên, mọi hy vọng đã không thành vì giá cá tra loại 1 hiện chỉ còn khoảng 20.000-21.000 đồng/kg, giảm 500-700 đồng/kg so với đầu tháng 12/2012. Với mức giá này, người nuôi lỗ từ 3.000-3.300 đồng/kg.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở Đồng Tháp cho biết nếu bán cá lấy tiền chậm thì mới được 22.000 đồng/kg; còn lấy tiền ngay thì chỉ được 19.000-20.000 đồng/kg. Ông Hải cho biết, nếu tình trạng này cứ kéo dài thì không biết đến bao giờ mới thu lại vốn. Chỉ tính riêng tỉnh Đồng Tháp, hiện có khoảng 80ha ao nuôi của bà con vẫn tiếp tục “treo” do không có vốn tái đầu tư.
Không những chịu áp lực bởi tình trạng giá giảm, người nuôi cá tra còn luôn trong cảnh lo sợ thương lái “quỵt tiền”, bởi hầu hết các hộ nuôi đều không ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với thương lái, DN ngay từ đầu mà thường chờ đến ngày ao cá gần thu hoạch mới tìm người mua. Vì vậy, khó tránh khỏi chuyện bị thương lái ép giá, chậm trả tiền.
Các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cá giảm như hiện nay là do chính các DN đua nhau giảm giá để chào hàng với giá xuất thấp. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) từng khuyến cáo giá cá tra xuất khẩu phải ở mức tối thiểu 3 USD/kg thì mới bảo đảm các bên có lãi. Nhưng do tranh giành khách hàng, nhiều DN đã chào với mức giá chỉ 1,8-2,3 USD/kg. Chính điều này kéo theo giá cá nguyên liệu giảm.
Không chỉ khó khăn về thị trường, có một thực tế là hiện nay là cả DN lẫn người nuôi cá đều thiếu vốn, đặc biệt là nông dân, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng vì không còn tài sản thế chấp.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng thừa nhận thực tế này. Ông Tuấn đưa ra bằng chứng điển hình là đến nay nhiều DN cá tra vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ. Trong khi, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến tháng 9/2012 đã có trên 38.200 tỷ đồng cho vay phục vụ nuôi trồng, tiêu thụ cá tra. Dư nợ cho vay đạt trên 20.700 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2011.
Hiện nay, do thiếu vốn mua nguyên liệu nên nhiều DN chỉ nhận đơn hàng vừa và nhỏ. Đại diện một DN ở TP.HCM cho biết DN đang có rất nhiều đơn hàng cho quý I-2013 nhưng không đủ vốn mua nguyên liệu nên chỉ có thể nhận đơn hàng vừa phải. Ngoài ra, để cạnh tranh với các nhà xuất khẩu nước khác có giá bán rẻ hơn, nhiều DN đã chấp nhận bán sản phẩm với giá bằng hoặc thấp hơn giá thành nhưng vẫn không có khách hàng.
Với những khó khăn này, theo VASEP, hiện có khoảng 160 DN xuất khẩu cá tra, giảm 30% so năm 2011 nhưng chỉ có chừng 20% DN duy trì xuất khẩu ổn định. Số DN còn lại chỉ hoạt động cầm chừng.
Để vực dậy ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông-lâm và thủy sản khẩn trương xây dựng Thông tư quy định về hàm lượng, các chất phụ gia tăng trọng… để nâng chất lượng cá tra. Đặc biệt cần có biện pháp chống tình trạng gian lận, phá giá, góp phần bình ổn thị trường xuất khẩu cá tra đang xuống dốc.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án tăng cường xúc tiến thương mại đối với cá tra. Tổng cục Thủy sản xây dựng và sớm trình Bộ để ban hành thực hiện ngay từ năm 2013, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu đối với mặt hàng này.
Phó Chủ tịch VASEP ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cần giảm bớt DN tham gia sản xuất mà không có nhà máy; đặc biệt, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc sử dụng hóa chất nuôi cá tra, thậm chí cấm sử dụng hóa chất tăng trọng; tiến tới nói không với chất tăng trọng cho cá tra và trước mắt thực hiện nghiêm đối với sản phẩm xuất sang thị trường Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.
Đồng thời, cần có các chính sách giải quyết khó khăn về vốn nuôi và chế biến cá tra như thực hiện giãn nợ và cơ cấu lại nợ cho các DN cá tra thực sự có năng lực sản xuất và xuất khẩu.
Nhằm giúp người nuôi cải thiện chất lượng thịt cá thương phẩm, tránh tình trạng bị ép giá, giảm giá như hiện nay, các tỉnh khuyến cáo người nuôi mở rộng liên kết với DN trong quá trình sản xuất và tiêu thụ cá tra vì hình thức này mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Nhiều DN cho rằng tới đây phải đẩy mạnh khâu quảng bá hình ảnh thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quy mô ở tầm quốc gia, nhất là khi cá tra đã đi vào sản xuất bền vững theo tiêu chuẩn ASC (nuôi cá tra theo tiêu chuẩn quốc tế).
Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng hiệp hội, DN cần phải phối hợp với Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), ASC… tiến hành quảng bá rộng rãi hình ảnh cá tra Việt Nam được nuôi có trách nhiệm ra toàn thế giới.
Để gỡ khó về vốn cho các DN thủy sản, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết, Bộ NN&PTNT đang đề nghị Chính phủ xem xét sử dụng nguồn vốn vay ODA từ một số tổ chức tài chính quốc tế để các DN vay phục vụ sản xuất với lãi suất thấp hơn so với lãi suất vay từ các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, trước những thông tin khác nhau về tình hình sử dụng vốn vay đối với cá tra, mới đây, Bộ đã thành lập đoàn công tác liên ngành gồm có các thành viên là đại diện Hội Nghề cá Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, VASEP, lấy An Giang làm điểm để kiểm tra, xác minh vốn vay trong năm 2012 từ các ngân hàng thương mại đối với các hộ gia đình, DN nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra tại tỉnh này.
Theo Vietnamplus