Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển (16-08-2022)

Ngày 26 tháng 7 năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 892/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030”.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển
Ảnh minh họa

Theo đó, Việt Nam tập trung phát triển nhanh, bền vững các cụm liên kết ngành kinh tế biển tạo dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia gắn kết với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Đồng thời, phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển trên cơ sở phát huy lợi thế của từng khu vực vùng biển và ven biển, liên kết liên ngành, liên tỉnh khai thác, sử dụng hiệu quả cao các nguồn lực, nguồn tài nguyên biển đi đôi với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển...

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung phát triển ở những khu vực vùng biển và ven biển gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia với các ngành lĩnh vực kinh tế biển có thế mạnh ưu tiên phát triển nhanh để nâng cao sức cạnh tranh quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, đi liền với phát triển cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần chủ thể, tạo dựng môi trường phát triển các ngành nghề kinh tế biển có sức thu hút, hấp dẫn cao.

Đặc biệt, sẽ tiến hành huy động các nguồn lực của trong nước và nước ngoài, sự tham gia của các cấp, ngành và khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa của con người Việt Nam, ý chí tự cường vươn lên của doanh nghiệp, xã hội vào phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng trung tâm kinh tế biển mạnh.

Trở thành quốc gia biển mạnh

Theo Đề án này, Việt Nam sẽ tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển và ven biển (trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh) hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể là:

Tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030. Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia (trong đó phát triển được 3-4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á). Các khu vực trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước từ 1,2 lần trở lên.

Bảo tồn hệ sinh thái biển - Phát triển bền vững kinh tế biển

Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh đã chỉ rõ phương hướng phát triển như sau: Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển với các thành phần chủ yếu gồm doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức, cơ sở cung ứng dịch vụ, hạ tầng chuyên dụng kinh tế biển, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, thương mại, hội ngành nghề. Phát triển bền vững không phụ thuộc vào ranh giới hành chính. Liên kết ngành, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động ở ven biển và trên biển đảo gắn với kết nối với mạng lưới cơ sở liên quan ở trong nội địa, kết nối liên kết giữa các cụm liên kết ngành và với quốc tế.

Phát triển cụm liên kết ngành với các ngành ưu tiên theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam có lợi thế phát triển tại vùng biển và ven biển nhất là các ngành sản phẩm, dịch vụ kinh tế biển có chuỗi giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, đóng góp vào tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái biển, ngành nghề kinh tế biển. Trong đó, phát triển du lịch biển đảo là một trong những trọng tâm ưu tiên trên cơ sở liên kết phát triển khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh từng vùng và toàn bộ dải ven biển Việt Nam. Đặc biệt phát triển mạnh kinh tế du lịch ở những cụm liên kết ngành kinh tế biển.

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm, có lợi thế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh đa ngành có sức cạnh tranh hội nhập quốc tế cao. Tập trung tạo dựng, hình thành các khu vực thu hút phát triển mạnh các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh tế biển tạo thành những trung tâm kinh tế biển về ngành, đa ngành kinh tế biển gắn với các khu cảng biển quốc tế. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp lớn, dự án đầu tư có quy mô lớn, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến ở những khu vực trọng điểm tạo hạt nhân, động lực phát triển và lan tỏa mở rộng cụm liên kết ngành kinh tế biển.

Phát triển mạnh các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ biển, dịch vụ gắn với kinh tế biển đạt chuẩn quốc tế, tầm quốc tế như dịch vụ hậu cần cảng biển, hàng hải, logistics, dịch vụ hậu cần, kỹ thuật trên biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, y tế biển, bảo vệ môi trường biển, dịch vụ an toàn cho các hoạt động trên biển, dịch vụ khảo sát, nghiên cứu biển, dịch vụ khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực kỹ thuật ngành nghề kinh tế biển, dịch vụ thương mại, tài chính liên quan đến kinh tế biển tại các khu vực trọng điểm trung tâm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển, xây dựng phát triển là các trung tâm dịch vụ hàng hải, dịch vụ biển, dịch vụ kinh tế biển của vùng, cả nước và có tầm quốc tế.

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra tại từng khu vực vùng biển và ven biển. Gắn phát triển cụm liên kết ngành với cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển, hình thành các mô hình phát triển bền vững kinh tế biển như các khu cảng xanh, khu công nghiệp sinh thái, vùng khai thác, sản xuất kết hợp với bảo tồn hệ sinh thái biển.

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển - Xây dựng trung tâm kinh tế biển mạnh quốc gia

Cụ thể, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở phía Bắc với khu vực trọng điểm phát triển ở Hải Phòng - Quảng Ninh gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Phát triển với những ngành lĩnh vực ưu tiên như: Cảng biển quốc tế, vận tải biển viễn dương, dịch vụ logistics đa phương thức. Hình thành khu công nghệ cao, khu thương mại, khu trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế. Nuôi trồng hải sản, thủy sinh vật biển và nghề cá ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản với trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Bắc Trung Bộ với khu vực trọng điểm phát triển là ven biển Nghệ An - Hà Tĩnh gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế. Phát triển với những ngành lĩnh vực ưu tiên: Cảng biển xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa ở cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ và các dịch vụ vận tải biển, dịch vụ logistics liên vùng, quốc tế, hình thành khu chế xuất, khu đô thị công nghiệp công nghệ cao, trung tâm logistics quốc tế gắn với cảng biển. Phát triển nghề cá xa bờ và nuôi trồng thủy sản ven biển tập trung vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ chế biến xuất khẩu.

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung Bộ với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Phát triển với những ngành lĩnh vực ưu tiên: Cảng biển container trung chuyển trong nước, quốc tế; vận tải biển quốc tế, trong nước và các dịch vụ gắn với cảng biển. Hình thành các khu đô thị cảng biển quốc tế, khu trung tâm giao dịch tài chính quốc tế. Công nghiệp chế biến thủy sản, khoáng sản ven biển, sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu. Phát triển dịch vụ hậu cần trên biển và nghề cá khai thác bền vững ngư trường Trung Trung Bộ - Hoàng Sa với trung tâm dịch vụ nghề cá ở Đà Nẵng. Phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Nam Trung Bộ với khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Đông Nam A. Phát triển với những ngành lĩnh vực ưu tiên: Cảng biển tổng hợp trung chuyển hàng hóa trong nước, quốc tế. Dịch vụ hậu cần cảng biển, hàng hải và dịch vụ logistics quốc tế, hình thành đô thị dịch vụ cảng biển quốc tế. Phát triển các dịch vụ khoa học công nghệ có tầm quốc tế về nghiên cứu biển, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển. Nuôi trồng hải sản, thủy sinh vật biển ứng dụng công nghệ cao và nghề cá xa bờ có phương tiện, thiết bị hiện đại.

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở vùng Đông Nam Bộ mở rộng với khu vực trọng điểm phát triển ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh gắn với xây dựng là trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Phát triển với các ngành lĩnh vực ưu tiên: Cảng biển container trung chuyển quốc tế, trong nước; vận tải biển viễn dương và các dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ logistics liên vùng, quốc tế. Hình thành các khu trung tâm thương mại, tài chính quốc tế lớn trong khu vực và châu Á Thái Bình Dương. Phát triển nghề cá xa bờ, nuôi trồng hải sản giá trị hàng hóa cao gắn kết với dịch vụ thương mại nghề cá và chế biến xuất khẩu.

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển phía Đông vùng Tây Nam Bộ với trọng điểm phát triển ở khu vực dọc hạ nguồn cửa sông Hậu (thuộc Trà Vinh – Cần Thơ - Sóc Trăng) gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế. Phát triển với các ngành lĩnh vực ưu tiên: Cảng biển cho xuất khẩu nông sản, thủy sản và xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ kho bãi bảo quản, dịch vụ logistics. Đặc biệt, hình thành trung tâm dịch vụ logistics liên vùng, quốc tế. Nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu với trung tâm vùng nuôi trồng ở Bạc Liêu. Phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá hiện đại phục vụ khai thác xa bờ vùng biển phía Nam với trung tâm hoạt động nghề cá ở Bến Tre. Hình thành trung tâm căn cứ dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển ở cửa sông Hậu, trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ, dịch vụ đào tạo nhân lực kỹ thuật trình độ cao về nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản ở Cần Thơ.

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển Tây Nam với trọng điểm phát triển là ở vùng đảo Phú Quốc và khu vực ven biển thành phố Rạch Giá - thành phố Cà Mau - Khu kinh tế Năm Căn gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế. Phát triển các ngành lĩnh vực ưu tiên: Cảng biển xuất nhập khẩu hàng hóa, trung chuyển trong nước, quốc tế. Công nghiệp chế biến thủy sản và thức ăn thủy sản.

Phát triển nghề cá và nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản là trung tâm lớn, hiện đại của cả nước. Hình thành các tổ, đội hợp tác khai thác ngư trường vùng biển Tây Nam với trung tâm dịch vụ nghề cá ở Rạch Giá - An Biên (Kiên Giang). Phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn gắn với bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn và liên kết với các dịch vụ hỗ trợ nuôi trồng, chế biến xuất khẩu.

Thông tin chi tiết: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn

 Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác