Hình thành và phát triển các ngành kinh tế biển chủ lực đạt tiêu chuẩn quốc tế: Kinh tế hàng hải (cảng biển, logistics, các dịch vụ vận tải biển); công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới... Chú trọng bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng các ngành kinh tế biển trong GRDP của tỉnh (không kể dầu khí) khoảng 60%, trong đó các ngành kinh tế thuần biển khoảng 20%; cơ cấu kinh tế (GRDP) nông lâm thủy sản 6,0-6,5%.
Cụ thể phương hướng phát triển ngành nông lâm thủy sản như sau: Phát triển nông nghiệp chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, thân thiện với môi trường. Cơ cấu lại nông nghiệp trên cơ sở các yếu tố hiệu quả, sinh thái, bền vững, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, theo chuỗi từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, chăn nuôi gắn với truy xuất nguồn gốc; gắn sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp với phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học. Phát triển nông thôn mới với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đầy đủ tiện ích, điều kiện sống, đời sống nông thôn tiệm cận với khu vực đô thị.
Tái cơ cấu khai thác và nuôi trồng thủy sản, không đặt mục tiêu về tăng sản lượng mà chủ yếu tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến đối tượng tiêu dùng chính là du khách và người dân khu vực đô thị trong vùng. Ưu tiên phát triển tàu khai thác hải sản xa bờ; nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi trồng hữu cơ, sinh thái bền vững, hiệu quả; phát triển mạnh nuôi thủy sản trên biển. Xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vùng Đông Nam Bộ và đầu tư, khai thác, phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng khai thác hải sản (cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá) theo quy hoạch quốc gia…
Tiếp tục thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao/ nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.
Thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Phát triển hạ tầng, tiềm lực KHCN đồng bộ, hiện đại; tập trung phát triển hình thành các tổ hợp (cụm liên kết ngành) về khoa học biển và đại dương… đủ năng lực tổ chức nghiên cứu khoa học, giải quyết tốt vấn đề thực tiễn, trực tiếp là những ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh như: cảng biển gắn với logistics; khai thác - nuôi trồng - chế biến hải sản; nông nghiệp sinh thái, hữu cơ...
Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 04 vùng chức năng: Vùng chức năng công nghiệp - cảng biển; Vùng chức năng du lịch và đô thị biển; Vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái; Vùng biển và hải đảo. Trong đó:
“Vùng chức năng du lịch và đô thị biển” phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng - khai thác thủy sản trong vùng định hướng phục vụ du lịch. Đồng thời, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ; nuôi trồng thủy sản hữu cơ, sản xuất sạch, an toàn thực phẩm. Duy trì các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản ở mức hợp lý, giảm dần số lượng tàu cá; nâng cấp (không mở rộng quy mô), hiện đại hóa các cảng cá, bến cá nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động khai thác hải sản, bảo vệ môi trường.
“Vùng biển và hải đảo” là vùng tập trung phát triển kinh tế biển như: kinh tế hàng hải, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển, đảo; phát triển các ngành kinh tế biển mới…; hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển.
Phương án sử dụng mặt nước ven biển được xác định phân bổ theo các tiêu chí phân vùng sử dụng cho nhiều mục đích (trong đó có các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn sinh cảnh; phát triển các ngành kinh tế biển, khu vực cảng và dịch vụ cảng; các vùng ngư trường khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản).
Phương án phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung: Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao/ nông nghiệp hữu cơ/ nông nghiệp sinh thái. Phân bố hợp lý các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, gồm: (i) Vùng nuôi nước ngọt (trong đó có Khu vực xã Suối Rao nuôi cá nước ngọt công nghiệp); (ii) Vùng nuôi mặn lợ gồm hạ lưu sông Chà Và, sông Dinh, sông Rạch Tranh, sông Ray và các khu đất trũng nhiễm mặn giáp theo các cửa sông; các khu rừng ngập mặn ven biển; (iii) Vùng nuôi ven biển và (iv) Vùng nuôi biển.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) được khuyến khích triển khai trong tất cả các vùng quy hoạch chức năng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, phù hợp với mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành và các quy định pháp luật có liên quan.
Ngọc Thúy - FICen