Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, Chi cục Thủy sản các tỉnh/thành phố, các Viện, trường, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cùng với các phóng viên báo chí đến đưa tin về Hội nghị.
Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân và ông Lê Văn Hoan, Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà đã chủ trì Hội nghị.
Hiện nay môi trường nuôi trồng thủy sản đang bị suy thoái và có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát: Biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp, cũng như hoạt động nuôi trồng thủy sản không ngừng gia tăng đã làm tăng nguy cơ dịch bệnh thủy sản; việc tăng cường quản lý để kiểm soát môi trường và dịch bệnh là vấn đề cấp bách. Công tác quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản sẽ giúp cung cấp thông tin kịp thời, dự báo diễn biến môi trường vùng nuôi, mùa vụ nuôi, kế hoạch phòng tránh dịch bệnh, giúp cho cơ quan quản lý trong việc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tại địa phương và định hướng phát triển ngành thủy sản trong tương lai. Công tác quan trắc môi trường còn giúp người nuôi chủ động trong công tác quản lý chất lượng nước vùng nuôi và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả. Do vậy quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản đóng vai trò cực kỳ quan trọng để nuôi trồng thủy sản hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, thực hiện Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) giai đoạn 2021-2025 phục vụ NTTS. Tính đến nay đã có 56/63 tỉnh/thành phố đã xây dựng và thực hiện kế hoạch QTMT. Tổng số điểm được quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên cả nước đạt 996 điểm trong đó: tại vùng nuôi tôm có 460 điểm; vùng nuôi cá tra 140 điểm; vùng nuôi nhuyễn thể 71 điểm; vùng nuôi cá rô phi/cá lồng bè 239 điểm; vùng nuôi tôm hùm 59 điểm và Vùng nuôi cá biển 23 điểm.
|
Ngoài ra, Cục Thuỷ sản cũng đã phối hợp với các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I, II, III, Viện Nghiên cứu Hải sản và chỉ đạo Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định Nuôi trồng Thuỷ sản tiến hành quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng NTTS trên tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể tại 29 tỉnh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với 498 bản tin (tôm 160, cá tra 68, nhuyễn thể 44, cá lồng bè và cá rô phi 78, tôm hùm 64, cá biển 84).
Cùng với đó, Cục Thủy sản cũng đã hoàn thiện ban hành Quyết định số 513/QĐ-TCTS-NTTS ngày 28/12/2021 về việc hướng dẫn quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, đã xây dựng TCVN về quản lý môi trường nước ngọt; TCVN về chất lượng môi trường nuôi thuỷ sản mặn lợ; TCVN về môi trường nước nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Đặc biệt, đã xây dựng Dự thảo và lấy ý kiến góp ý về “Bộ thông số, chỉ số đánh giá chất lượng nước trong NTTS”.
Qua kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng môi trường nguồn nước cấp cho nuôi tôm nước lợ, cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể có hiện tượng ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của thuỷ sản nuôi; tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện bệnh. Hiện tượng phì dưỡng ở nguồn nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ, cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể (một số thông số như N-NH4+ P-PO43- ,COD, mật độ vi khuẩn vibrio, coliform…vượt giới hạn cho phép). Các thông số khác về cơ bản phù hợp cho NTTS.
Đối với vùng nuôi tôm nước lợ một số tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà chỉ số chất lượng nước vào một số thời điểm không phù hợp cho nuôi tôm.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng hệ thống các TC, QC chuyên ngành liên quan đến quản lý môi trường nước thiếu đồng bộ, đơn cử như tiêu chuẩn của Bộ TNMT áp dụng đánh giá cho NTTS còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu 1 số hướng dẫn trong công tác quản lý môi trường như: quy trình xử lý khi xảy ra sự cố môi trường, chất thải. Việc áp dụng đánh giá chỉ số chất lượng lượng (WQI) cho các vùng nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, vẫn đánh giá chung trên nền nước sinh hoạt. Các quy định về chất lượng nước cấp, nước thải nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ và đầy đủ cho các đối tượng thủy sản nuôi.
Mặt khác, về hệ thống cơ sở dữ liệu điểm, tần suất quan trắc còn mỏng dẫn đến giá trị dữ liệu đơn lẻ, không liên tục. Cảnh báo về tình trạng ô nhiễm chất lượng môi trường tại một số thời điểm chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo sản xuất. Một số địa phương chưa báo cáo, cập nhập CSDL nên cơ sở dữ liệu về QTMT chưa đồng bộ…Ý thức quản lý dịch bệnh, môi trường vùng nuôi của người dân chưa cao. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác QLMT dịch bệnh chỉ dừng lại ở mức cảnh báo chưa có giải pháp phòng chống hiệu quả, Ô nhiễm môi trường tiếp tục xảy ra, tác động đến quản lý và phát triển sản xuất thủy sản.
Đa số các địa phương trang thiết bị còn thiếu, không đảm bảo cho hoạt động quan trắc diễn ra thường xuyên, đồng bộ và đầy đủ. Nhân lực tham gia QTMT nuôi trồng thủy sản rất thiếu, chủ yếu là cán bộ quan trắc các chi cục kiêm nhiệm, thiếu cán bộ quan trắc cấp huyện và vùng nuôi.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ông Trần Đình Luân đề nghị các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, cập nhật báo cáo kịp thời các chỉ số liên quan đến môi trường và có những khuyến cáo đối với người nuôi được biết để tránh những rũi ro thiệt hại do môi trường, thời tiết gây ra. Đặc biệt, trong thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay.
Đề nghị các tỉnh chưa trình UBND phê duyệt kế hoạch quan trắc khẩn trương trình phê duyệt để triển khai thực hiện. Phối hợp với các đơn vị quan trắc chuyển tải các bản tin thông báo tới vùng nuôi, người nuôi kịp thời, hiệu quả thông qua nhiều hình thức; đồng thời thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện các khuyến cáo tại các bản tin.
Viện Nghiên cứu NTTS I, II, III, Viện Hải sản và Trung tâm 3K tiếp tục phối hợp với Cục Thuỷ sản và các địa phương triển khai có hiệu quả nhiệm vụ quan trắc môi trường; đồng thời phối hợp với địa phương giám sát chặt chẽ việc chuyển tải bản tin thông báo kết quả quan trắc tới các vùng nuôi, việc thực hiện các khuyến cáo tại các bản tin…Chủ động hơn trong việc theo dõi tình hình diễn biến thời tiết (nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa bão…), sự cố môi trường, hiện tượng thuỷ sản chết hàng loạt để kịp thời ban hành các công văn cảnh báo, dự báo diễn biến môi trường vùng nuôi, hỗ trợ xác định nguyên nhân và các giải pháp khôi phục sản xuất. Dựa trên bộ cơ sở dữ liệu về môi trường đã được thực hiện, tiếp tục rà soát đề xây dựng hoàn thiện TC, QC phục vụ quan trắc môi trường trong NTTS hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; đề xuất xây dựng hướng dẫn quy trình xử lý sự cố môi trường, xử lý chất thải.
Đối với doanh nghiệp, người nuôi, chủ động xây dựng kế hoạch quan trắc, giám sát, kiểm soát môi trường tại vùng nuôi, ao nuôi ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường…Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, NTTS, ATTP, Thú y. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi: mô hình nuôi 2 giai đoạn, mô hình nuôi thân thiện với môi trường…
Văn Thọ