Theo đó, đối với vùng nuôi tôm hùm: Các thông số quan trắc gồm nhiệt độ, pH, độ mặn, N-NO2, S2-, DO, COD) đều nằm trong GHCP; có 4/12 thông số nằm ngoài giới hạn cho phép (N-NH4+ , P-PO43-, Vibrio tổng số và Coliform), bằng với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, phát hiện một số loài tảo độc nhưng với mật độ thấp, chưa ảnh hưởng đến chất lượng nước và tôm hùm nuôi. Trong các thông số nằm ngoài GHCP thì: N-NH4+ có 19/84 mẫu thấp hơn GHCP, chiếm 22,6%, tăng so với năm 2021 (16,7%). P-PO43-có 5/84 mẫu vượt GHCP, chiếm 6,0%. Coliforms có 3/84 mẫu vượt GHCP, chiếm 3,6%, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (5,97 %). Mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số các khu nuôi dao động từ 60 – 9.600 cfu/ml, có 13/84 mẫu vượt GHCP, chiếm 15,5%, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (20,2%).
Chỉ số chất lượng nước (WQI): chất lượng môi trường nước vùng nuôi tôm hùm 4 đợt quan trắc đều ở mức tốt đến rất tốt (VN-WQI=78-96); ngoại trừ đợt thu mẫu tại vùng nuôi Xuân Yên (Phú Yên), Vạn Hưng (Khánh Hòa) đợt 11 và Vạn Hưng (Khánh Hòa) đợt 13 chỉ đạt chất lượng trung bình (VN-WQI=55-68). Chất lượng môi trường nước vùng nuôi tôm hùm tháng 04/2022 giảm tại một số điểm quan trắc so với cùng kỳ năm 2021 (VN-WQI=79-97).
Vùng nuôi nhuyễn thể khu vực phía Bắc: Các thông số nhiệt độ, pH, độ kiềm và H2S có giá trị nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Độ mặn vùng nuôi ngao và hàu tại Thanh Hoá và Quảng Ninh dao động từ 25 – 34 ‰, độ mặn vùng nuôi ngao – Thái Bình thấp, dao động từ 0-3 ‰ do ảnh hưởng của mưa lớn. Các thông số N-NH4 và N-NO2 ở một số điểm quan trắc cao vượt ngưỡng giới hạn như vùng nuôi ngao tại Thanh Hoá và Thái Bình. Mật độ Vibrio tổng số trong nước vùng nuôi hàu tại xã Hạ Long và Thị Trấn Vân Đồn – Quảng Ninh cao hơn 2,2 -3,3 lần, tại vùng nuôi ngao Nam Bãi Ngang – Thanh Hoá cao hơn 13 lần so với quy định. Mật độ coliform tổng số trong nước vùng nuôi nhuyễn thể cao hơn từ 1 – 460 lần so với QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Phát hiện 02 loài vi khuẩn trên ngao, hàu nuôi bao gồm V. alginolyticus và V. fluvialis với tần suất bắt gặp 1/3 mẫu kiểm tra. Không phát hiện kí sinh trùng Perkinsus sp. trong các mẫu nhuyễn thể đã thu trong tháng 05.
Chỉ số chất lượng nước (WQI) trong tháng 05/2022 ở vùng nuôi nhuyễn thể xấu hơn so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số WQI ở mức kém đến rất tốt, trong đó số điểm quan trắc có WQI ở mức kém (2/11 mẫu), mức xấu (6/11 mẫu).
Vùng nuôi nhuyễn thể khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Đối với vùng nuôi nhuyễn thể các thông số hóa lý đều ở mức cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Ghi nhận Vibrio tổng số cao hơn 103CFU/mL và đồng thời có sự hiện của Vibrio parahaemolyticus trong các thủy vực được khảo sát, ngoại trừ HTX Tân Thủy. Chưa ghi nhận hiện diện của Perkinsus, Rickettsia-like organisms và ký sinh trùng trên mẫu nghêu nuôi. Ghi nhận loài các loài tảo có khả năng gây hại khi nở hoa như Pseudonitzschia spp., Chaetoceros spp., Skeletonema costatum, Euglena spp., Geitlerinmema sp. ở các bãi nghêu được khảo sát, tuy nhiên chưa ở mức gây hại cho sinh trưởng và phát triển của nhuyễn thể nuôi.
Vùng nuôi cá rô phi, cá nuôi lồng khu vực phía Bắc: Các thông số nhiệt độ, pH, DO, H2S, P-PO4 có giá trị nằm trong khoảng giới hạn cho phép. Hàm lượng N-NH4 trong nước vùng nuôi cá lồng và rô phi cao, dao động từ 0,775 – 1,134 mg/L, trong đó điểm quan trắc Thung Nai – Hoà Bình và Hán Đà – Yên Bái có N-NH4 vượt giới hạn cho phép theo QCVN 02-22:2015/BNNPTNT. Chỉ số COD trong nước vùng nuôi cá rô phi tại Thanh Miện – Hải Dương cao hơn ngưỡng giới hạn 1,5-2,6 lần. Mật độ coliform trong nước ở các điểm quan trắc cao hơn từ từ 4 – 100 lần so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT, ngoại trừ điểm quan trắc Thái Bình – Hoà Bình và Hán Đà – Yên Bái có mật độ trong ngưỡng cho phép. Mật độ Streptococcus tổng số dao động từ 0 -1800 cfu/ml. Không phát hiện vi rút TiLV và vi khuẩn gây bệnh trên cá rô phi trong các đã thu.
Chỉ số chất lượng nước (WQI) so với kết quả quan trắc cùng kỳ năm 2021 thì môi trường vùng nuôi cá lồng và rô phi tháng 05/2022 có chất lượng xấu hơn, chỉ số WQI của nước vùng nuôi trong tháng 05/2022 có 8/11 điểm ở mức xấu, nhiều hơn so với tháng 5/2021 (chỉ có 3/11 điểm ở mức xấu).
Vùng nuôi cá rô phi, cá nuôi lồng và nuôi tôm càng xanh khu vực ĐBSCL: Chỉ số chất lượng nước (WQI) trong tháng 05/2022 cho thấy chất lượng nước ở mức tốt cho nuôi cá rô phi và tôm càng xanh chiếm tỷ lệ cao (40,0%). Chất lượng nước mức trung bình chiếm tỷ lệ 33,33% lượt quan trắc, nước mức xấu có xu hướng tăng so với tháng 04, chiếm 20,0% lượt quan trắc và nước ở mức kém trong tháng 05 giảm mạnh so với tháng 04, chiếm tỷ lệ nhỏ 6,67% lượt quan trắc (chỉ tập trung tại điểm quan trắc ở Kiên Giang).
Khuyến cáo đối với người nuôi
Sau khi có kết quả quan trắc, kết hợp với bản tin dự báo tình hình thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I, II, III gửi thông báo kết quả quan trắc đến Chi cục Thuỷ sản/Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản, phòng nông nghiệp huyện, các doanh nghiệp và cơ sở nuôi trồng thuỷ sản bằng hình thức email, EMS, zalo… để triển khai ngay các biện pháp ổn định môi trường vùng nuôi; cập nhập số liệu quan trắc vào phần mềm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường.
Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn nhân lực và chủ động tổ chức triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, ứng phó hiệu quả với mưa, bão, lũ trong nuôi trồng thủy sản; tăng cường truyền tải thông tin về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai, các bản tin thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III và cơ quan quản lý địa phương đến người nuôi để chủ động phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản; hóa chất xử lý môi trường... phục vụ công tác phục hồi sản xuất thủy sản sau mưa bão; hướng dẫn người nuôi thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân theo quy định,..
Thanh Thủy