Theo đó, đối với vùng nuôi nhuyễn thể: Diễn biến môi trường vùng nuôi nhuyễn thể tháng 3/2022 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, về cơ bản các thông số quan trắc đều ở mức cho phép theo QCVN 10MT:2015/BTNMT. Mật độ vi khuẩn Vibrio tổng cao chỉ ghi nhận ở Hợp tác xã (HTX) Rạng Đông và HTX Thành Đạt (>103 CFU/mL). Chưa ghi nhận hiện diện của Perkinsus, Rickettsialike organisms và ký sinh trùng trên mẫu nghêu nuôi, ngoại trừ HTX Thành Công ghi nhận có 11% Rickettsia-like organisms. Ghi nhận loài các loài tảo có khả năng gây hại khi nở hoa như Pseudonitzschia spp., Skeletonema costatum, Euglena spp., ở các bãi nghêu được khảo sát, tuy nhiên chúng chưa ở mức gây hại.
Vùng nuôi tôm hùm: Các thông số quan trắc gồm N-NH4+, Vibrio spp. và coliform nằm ngoài giới hạn cho phép (GHCP), tăng 01 thông số so với cùng kỳ năm 2021. Các thông số còn lại (nhiệt độ, pH, độ mặn, N-NO2-, P-PO43-, S2-, DO, COD) đều nằm trong GHCP. Ngoài ra, phát hiện một số loài tảo độc nhưng với mật độ thấp, chưa ảnh hưởng đến chất lượng nước và sinh trưởng của tôm hùm nuôi.
Trong các thông số nằm ngoài GHCP thì N-NH4+ có 2/42 mẫu thấp hơn GHCP, chiếm 4,8%, giảm so với năm 2021 (19,0%). Coliforms có 4/42 mẫu vượt GHCP, chiếm 9,5%, tăng so với cùng kỳ năm 2021 (2,4 %). Mật độ vi khuẩn Vibrio spp. trong nước ở các khu nuôi dao động từ 90 đến 9.500 cfu/ml, có 12/42 mẫu vượt GHCP, chiếm 28,1%, tăng so với cùng kỳ năm 2021 (23,8%).
Chỉ số chất lượng môi trường nước vùng nuôi tôm hùm đợt 5 và 6 đều ở mức tốt đến rất tốt (VN-WQI=78-95), ngoại trừ đợt 5 tại Xuân Yên (Phú Yên) ở mức trung bình (VN-WQI=68). Chất lượng môi trường nước (VN-WQI=84-91) vùng nuôi tôm hùm tháng 03/2022 biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm 2021.
Vùng nuôi biển: Kết quả quan trắc môi trường vùng nuôi biển tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Kiên Giang tháng 3/2022 vẫn tiếp tục ghi nhận biểu hiện ô nhiễm chất hữu cơ COD, muối dinh dưỡng N-NH4+, dầu, cục bộ; ghi nhận xảy ra hiện tượng bị thiếu hụt ôxy (vùng nuôi của Cát Bà - Hải Phòng), tuy nhiên mức độ vượt khoảng GHCP của các thông só này không nhiều.
Kết quả quan trắc cho thấy N-NH4+ có 10/56 mẫu vượt GHCP (17,9%), COD có 14/56 mẫu vượt GHCP (25%), dầu có 6/28 mẫu vượt GHCP (21,4%). Trong đợt quan trắc tháng 3/2022, ghi nhận khoảng giá trị của các thông số môi trường ở mức tốt hơn so với các đợt quan trắc tháng 6 - 11/2021.
Tính đa dạng của quần xã thực vật phù du hầu hết ở mức đa dạng khá phong phú, chỉ số J ở mức khá bền vững, chỉ số H ở mức thể hiện chất lượng môi trường nước ở mức ô nhiễm trung bình dạng β. Kết quả ghi nhận mật độ tảo độc hại cũng khá cao, ghi nhận một số loài tảo độc nhưng với mật độ thấp.
Kết quả quan trắc ghi nhận mật độ Vibrio tổng số ở mức thấp hơn so với các đợt quan trắc tháng 6-11/2021. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận mật độ cao và vượt ngưỡng ở một số khu vực nuôi (với số mẫu vượt GHCP là 8/28 mẫu - tỷ lệ 28,6%) như Bến Bèo (Hải Phòng), hòn Ông Cụ, Béo Cò (Quảng Ninh) và hòn Heo, hòn Nhum (Kiên Giang), tiềm ẩn nguy cơ gây bất lợi cho cá nuôi.
Chỉ số chất lượng nước các vùng nuôi biển được quan trắc đều ở mức tốt đến rất tốt, không ghi nhận mức chất lượng trung bình như giai đoạn tháng 6-9/2021 ở Quảng Ninh, Hải Phòng và tháng 10-11/2021 ở Kiên Giang. Tuy nhiên, giá trị WQI tại khu vực nuôi ở Bến Bèo, hòn Ông Cụ, Béo Cò, Hòn Nhum, Hòn Heo gần ở mức chất lượng nước trung bình.
Một số khuyến cáo đối với người nuôi
Sau khi có kết quả quan trắc, kết hợp với bản tin dự báo tình hình thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I, II, III gửi thông báo kết quả quan trắc đến Chi cục Thuỷ sản/Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản, phòng nông nghiệp huyện, các doanh nghiệp và cơ sở nuôi trồng thuỷ sản bằng hình thức email, EMS, zalo… để triển khai ngay các biện pháp ổn định môi trường vùng nuôi; cập nhập số liệu quan trắc vào phần mềm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường.
Trên cơ sở kết quả quan trắc Tổng cục Thuỷ sản phối hợp cảnh báo diễn biến môi trường vùng nuôi 3 tháng đầu năm và dự báo cáo tháng tiếp theo tại khu vực Bắc, Trung, Nam,..
Cụ thể đối với nuôi nhuyễn thể: Chủ động duy trì mật độ nuôi phù hợp. Đối với nhuyễn thể (ngao) chưa đạt cỡ thu hoạch tiến hành kiểm tra mật độ để có kế hoạch chủ động san thưa (Duy trì mật độ nuôi từ 180 đến 200 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 400 đến 600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 500 đến 800 con/kg; 250 đến 350 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 800 đến 2000 con/kg. Đối với ngao đạt cỡ thu hoạch (50 đến 70 con/kg) nên khuyến cáo người dân có phương án thu hoạch tránh thiệt hại xảy ra.
Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh, san phẳng mặt bãi nuôi, khai thông các vùng nước đọng, gia cố vệ sinh lưới vây tạo sự thông thoáng cho nước triều lên xuống; thu gom nhuyễn thể chết trên bãi và xử lý đúng quy định tránh làm ô nhiễm môi trường.
Theo dõi chặt chẽ biến động của thời tiết và môi trường nước, khi phát hiện nhuyễn thể nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết rải rác cần có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Khuyến cáo người nuôi không nên thả giống khi điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi và yếu tố môi trường chưa phù hợp.
Đối với tôm hùm: đảm bảo mật độ lồng nuôi phù hợp, đúng quy hoạch của địa phương, nâng cao lồng nuôi, đặt lồng nuôi tôm hùm ở giữa cột nước (cách đáy khoảng 2,0 mét và cách bề mặt khoảng 2,0 mét) nhằm giảm thiểu việc thiếu oxy cục bộ; vệ sinh lồng nuôi thường xuyên để tăng cường trao đổi nước bên trong và bên ngoài lồng nuôi; sử dụng lưới che để giảm ánh sáng trực tiếp vào lồng nuôi.
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khoẻ tôm nuôi, kiểm tra sự phân tầng nước tại vùng nuôi để kịp thời điều chỉnh lồng nuôi cho phù hợp. Thu gom vỏ tôm lột, vỏ nhuyễn thể từ thức ăn, bao đựng thức ăn, chất thải sinh hoạt từ các lồng nuôi và thức ăn dư thừa sau 2 đến 3 giờ cho tôm ăn trước khi vận chuyển vào đất liền để xử lý theo đúng quy định.
Đồng thời, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Khuyến cáo người nuôi giảm 70% lượng thức ăn cho tôm hùm trong những ngày thời tiết bất thường để hạn chế dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường.
Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn của địa phương tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường; làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng đến vùng nuôi tôm hùm; không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh,..
Thanh Thủy