Sóc Trăng: Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2021 ước đạt 271.257 tấn, tăng 5,01% so với cùng kỳ (23-01-2022)

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng, năm 2021 tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 339.082 tấn, vượt 4,98% kế hoạch, tăng 4,24% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 271.257 tấn, vượt 6,7% kế hoạch, tăng 5,01% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác thủy sản 67.825 tấn, đạt 93,68% kế hoạch, nhưng sản lượng khai thác biển tăng 1,34%.
Sóc Trăng: Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2021 ước đạt 271.257 tấn, tăng 5,01% so với cùng kỳ
Ảnh minh họa

Cụ thể, đối với tôm nước lợ, cho kết quả thả nuôi cả năm đạt 53.000 ha, vượt 3,92% kế hoạch, tăng 2,49% so với cùng kỳ, trong đó tôm thẻ chân trắng 40.000 ha và tôm sú 13.000 ha; diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm 93,7%. Nhu cầu giống tôm nước lợ đã thả nuôi khoảng 16.439,8 triệu con giống (tôm thẻ chân trắng ước khoảng 14.328,7 triệu giống).

Ước sản lượng tôm nuôi đến cuối năm đạt 189.746 tấn vượt 6,06% kế hoạch và cao hơn 17,07% so với cùng kỳ. Với năng suất cụ thể như sau: Đối với tôm Thẻ chân trắng: hình thức thâm canh 5 tấn/ha; Đối với Tôm sú: hình thức quảng canh cải tiến 1,1 tấn/ha; hình thức bán thâm canh 2,4 tấn/ha; hình thức thâm canh 4,5 tấn/ha.

Tổng diện tích thả nuôi thủy sản nước ngọt là 20.930ha, đạt 96,67% kế hoạch, giảm 8,8% so với năm ngoái; ước sản lượng đạt 82.406 tấn vượt 5% kế hoạch, giảm 18% so với năm trước. Tổng diện tích thả nuôi thủy sản khác ước đạt 2.600 ha vượt 92% kế hoạch và ước sản lượng đạt 1.700 tấn.  

Kế hoạch trong năm 2022, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 75.000 ha. Trong đó, nuôi tôm nước lợ 51.000 ha; nuôi thủy sản nước ngọt 21.410 ha và nuôi thủy sản khác 2.590 ha. Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 352.000 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi thủy sản là 283.000 tấn (tôm nước lợ 196.000 tấn, cá tra 13.500 tấn, tôm càng xanh 6 tấn, cá các loại 71.794 tấn và thủy sản khác 1.700 tấn); sản lượng khai thác thủy sản 69.000 tấn (khai thác biển 63.500 tấn và khai thác nội địa 5.500 tấn).

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Sóc Trăng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cụ thể như sau:

Về công tác quy hoạch: Đẩy nhanh tiến độ rà soát quy hoạch nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2045, Đề án phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ cấu giống thủy sản, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện tại các vùng sản xuất tập trung. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025 và các nhiệm vụ liên quan đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng ngừa dịch bệnh do Covid - 19.

Tổ chức lại sản xuất: Tập trung những hộ nuôi nhỏ lẻ với nhau thành các Hợp tác xã/Tổ hợp tác theo hướng tập trung, hợp tác thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phối hợp các bên (nhà nước, người sản xuất doanh nghiệp, hiệp hội), tiếp tục phát huy vai trò của các Hợp tác xã/Tổ hợp tác trong việc tổ chức lại sản xuất. Tiếp tục hướng tới việc sản xuất an toàn và trách nhiệm theo các quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, … để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

 Công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật: Không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền cả về hình thức, nội dung và phương pháp hợp tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, trang thông tin điện tử, email, báo đài… để thông tin được truyền đi và tiếp nhận lại phản hồi của người dân một cách kịp thời và hiệu quả  nhất.  Đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả; tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình nuôi các giống mới có giá trị kinh tế, nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi đa dạng hóa, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm giá thành sản xuất, …để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý thiết lập phần mềm quản lý, tạo Appstore trong dữ liệu hệ thống nông nghiệp nói chung trong lĩnh vực thuỷ sản nói riêng.

Công tác thanh, kiểm tra: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bơm chích tạp chất trong thủy sản nuôi, đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng các Sở, Ngành có liên quan trong công tác kiểm soát môi trường vùng nuôi tôm, nhất là hành vi xả thải, bơm bùn thải ra môi trường bên ngoài.

Công tác quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh: Tiếp tục thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh; triển khai thực hiện các chương trình giám sát chủ động và bị động đối với dịch bệnh trên tôm giống, tại vùng nuôi và các kênh cấp đầu nguồn, thông báo kịp thời đến các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm để người nuôi chủ động phòng bệnh, chủ động sản xuất giảm tỷ lệ thiệt hại trước diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu. Đặc biệt chú trọng công tác ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quan trắc cảnh báo môi trường,..

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác