Cao Bằng: Phòng, chống đói, rét cho thuỷ sản vụ Đông - Xuân năm 2023 – 2024 (19-10-2023)

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cao Bằng có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về việc hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đói, rét cho vật nuôi – thuỷ sản vụ Đông - Xuân năm 2023 – 2024.
Cao Bằng: Phòng, chống đói, rét cho thuỷ sản vụ Đông - Xuân năm 2023 – 2024
Ảnh minh họa

Trong những năm vừa qua, thời tiết khí hậu diễn biến bất thường, nhất là các tháng mùa Đông, hoạt động sản xuất thuỷ sản, ảnh hưởng của rét đậm, rét hại cũng gây thiệt hại lớn, khi nhiệt độ xuống dưới 120C, một số loài cá có thể ngừng sinh trưởng, như rô phi, cá chim…, thậm chí có thể gây chết hàng loạt khi nhiệt độ xuống dưới 100C gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

Để chủ động công tác phòng, chống đói, rét (PCĐR) cho đàn vật nuôi, thuỷ sản vụ Đông -Xuân năm 2023-2024, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với chăn nuôi - thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác PCĐR cho nuôi trồng thủy sản

Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp xây dựng công văn, kế hoạch triển khai thực hiện công tác PCĐR, dịch bệnh cho vật nuôi, thuỷ sản vụ Đông-Xuân năm 2023-2024 trên địa bàn; xây dựng phương án ứng phó khi điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại xảy ra trong thời gian dài, liên tục ảnh hưởng đến đàn vật nuôi – thuỷ sản trên địa bàn.   

Giao trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban chuyên môn và chính quyền cơ sở trong việc hướng dẫn, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp PCĐR cho vật nuôi tại khu vực vùng cao, những nơi thường có thiệt hại do rét đậm, rét hại trong những năm gần đây. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; in, dán tờ Hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp PCĐR cho vật nuôi - thuỷ sản để người dân biết và thực hiện.  

Chủ động bố trí nguồn ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ công tác PCĐR cho vật nuôi, thuỷ sản; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về công tác triển khai thực hiện các biện pháp PCĐR và tình hình rét đậm, rét hại tại các địa phương về Sở Nông nghiệp và PTNT để kịp thời tham mưu, chỉ đạo.

Các biện pháp phòng, chống rét đối với nuôi trồng thuỷ sản

Chăm sóc thuỷ sản nuôi: Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, chủ động nguồn nước đối với nuôi ao, chuẩn bị các thiết bị máy móc như sục khí, quạt nước, máy bơm… Sử dụng các loại thức ăn phải đảm bảo chất lượng, tuỳ vào giai đoạn sinh trưởng  của đối tượng nuôi để dùng thức ăn cho phù hợp. Tuỳ theo diễn biến thời tiết có chế độ chăm sóc, cho các ăn hợp lý đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng, không lãng phí. Khẩu phần ăn có thể áp dụng theo công thức sau:

Khi nhiệt độ >200C: Cho ăn bằng 3% trọng lượng cá (TLC)/2 ngày. Khi nhiệt độ từ 13 – 200C: Chỉ cho ăn bằng 2% TLC/2 ngày. Khi thời tiết rét đậm (nhiệt độ nước ao nuôi thấp hơn 120C) thì ngừng cho ăn, nên tranh thủ cho cá ăn vào lúc thời tiết ấm, có hửng nắng trong ngày..

Vệ sinh xung quanh ao, lồng nuôi, dọn sạch cỏ, rác, thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn, dùng vôi bột và Sunphat đồng cho vào túi vải treo ở nơi cho ăn để diệt trùng và nấm gây bệnh cho cá. Nếu phát hiện cá bị bệnh thì cách ly sớm để tránh bệnh lây lan ra đàn cá trong ao, trong lồng nuôi. Trong suốt thời gian cá trú đông, hạn chế không dùng lưới, các loại phương tiện đánh bắt cá, tránh cá bị xây xát dẫn đến bị nhiễm bệnh và chết.

Một số biện pháp - Đối với ao cá nuôi: Chủ động thu hoạch cá khi đã đạt kích cỡ thương phẩm, đặc biệt đối với cá rô phi, chim trắng; thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động phòng, chống rét hoặc thu hoạch sớm để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại khi nhiệt độ giảm sâu.

 Chủ động duy trì mực nước trong ao từ 1,5 – 2,0m; đối với những ao nhỏ, nếu có điều kiện bơm bổ sung nước giếng khoan là tốt nhất. Đối với những vùng không thuận lợi về nước cấp, tạo một hố sâu trong ao dài từ 2,5 – 3,0m, chiều rộng 2,0 – 3,0m, sâu 0,5m so với đáy ao để làm nơi cho cá trú đông, biện pháp này giúp cho thuỷ sản nuôi tránh được rét ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời xuống 100C

Thả bèo tây lên mặt ao từ 1/2- 2/3 diện tích mặt ao, lưu ý bèo phải được gom vào một góc ao để tạo nơi tránh rét cho cá, đồng thời tránh bèo phát triển tràn lan che kín hết mặt ao làm giảm độ thông thoáng của ao. Những nơi có điều kiện có thể làm khung sắt và sử dụng bạt nilon sáng màu để che phủ lên mặt ao, giúp cách nhiệt không khí bên ngoài, tăng khả năng giữ nhiệt độ nước ổn định trong ao nuôi. Khi trời nắng nilon màu sáng cũng có khả năng tiếp thu năng lượng mặt trời, bổ sung nhiệt độ trong ao, giữ ấm cho cá. 

Lưu ý: Đối với Cá chim trắng, rô phi, trôi ấn độ là những giống cá chịu được nhiệt độ thấp, khi trời rét kéo dài 6-7 ngày ở nhiệt độ 8-100C cá sẽ chết nhanh hơn các lời thủy sản khác, nếu để nuôi lưu các loại cá trên qua đông cần làm tốt công tác chống rét cho cá.

Đối với nuôi cá lồng bè trên sông và lòng hồ: Đối với các loài thuỷ sản khi đã đạt kích cỡ thương phẩm hoặc gần đến kỳ thu hoạch, có thể tiến hành thu hoạch sớm để hạn chế xảy ra hiện tượng thuỷ sản bị chết vì rét, làm thiệt hại kinh tế. Khi có rét đậm, rét hại nên di chuyển lồng bè đến các eo, ngách kín gió hoặc hạ thấp lồng nuôi, lưới quây đến mức tối đa (từ 1,8-3,0m); những ngày rét đậm, rét hại cần che phủ kín mặt lồng bè nuôi cá bằng nilon sáng màu nhằm tăng khả năng giữ nhiệt độ trong lồng nuôi.

Đối với nuôi cá lồng ở sông có thể dùng các loại cỏ, cây chít bó thành bó, thả vào lồng để tạo chỗ trú cho cá (lưu ý khi cỏ, cây chít phân huỷ cần vớt lên, vệ sinh lồng và thay các bó mới). Thực hiện kết hợp các biện pháp chăm sóc, quản lý nâng cao sức đề kháng cho đàn cá nuôi; thường xuyên treo các túi vôi ở các vị trí góc lồng để khử trùng nước. Khi môi trường nước có dấu hiệu ô nhiễm thì phải sử dụng các chế phẩm sinh học có tác dụng làm sạch nước để cải thiện môi trường nuôi.

Kiểm tra, báo cáo

 Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã phân công các thành viên chủ động bám sát địa bàn các xã, thị trấn theo nhiệm vụ được giao; thành lập các đoàn công tác kiểm tra tình hình triển khai thực hiện tại cơ sở. Gắn trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong việc bám sát cơ sở thực hiện công tác PCĐR; nghiêm túc kiểm điểm các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các đơn vị còn để xảy ra tình trạng gia súc bị chết rét do lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm. 

Chỉ đạo chính quyền cơ sở thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, thông báo kịp thời cho các địa phương để người dân thực hiện các biện pháp PCĐR cho vật nuôi, thuỷ sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thống kê, xác minh đầy đủ số lượng vật nuôi bị thiệt hại do rét (nếu có), tổng hợp số liệu báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để nắm thông tin và phối hợp xử lý.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác