Ngày 30 tháng 12 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã ban hành Thông tư 30/2022/TT-BNNPTNT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và PTNT thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (sau đây gọi chung là Thông tư 30). Trong quá trình tổ chức thực hiện Thông tư 30, có một số nội dung (điểm d khoản 8 Điều 2 và điểm d khoản 2 Điều 3) chưa được thống nhất về việc phân công nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản tại một số địa phương.
Để đảm bảo việc phân công nhiệm vụ thú y thủy sản được thực hiện đúng quy định, thống nhất trong toàn quốc, phù hợp với thực tiễn hiện nay và giữ ổn định tổ chức bộ máy phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số nội dung có liên quan như sau:
Một là, theo quy định của pháp luật về thú y
Luật Thú y số 79/2015/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y (Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y; Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản; Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật), nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản do Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh và cấp huyện thực hiện (theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1, Điều 6; khoản 3 Điều 33; khoản 6 Điều 35 Luật Thú y).
Hai là, theo quy định tại Thông tư 30
Điểm d khoản 2 Điều 3 Thông tư 30 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: “Chi cục về lĩnh vực thủy sản, kiểm ngư giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy sản, kiểm ngư theo quy định của pháp luật về thủy sản; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về lĩnh vực thủy sản quy định tại khoản 8 Điều 2 và các quy định khác có liên quan của Thông tư này theo phân công của Giám đốc Sở và quy định của pháp luật”.
Ba là, cũng theo quy định tại Thông tư 30
Khoản 8 Điều 2 Thông tư 30 quy định nhóm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực thủy sản, trong đó tại điểm d quy định như sau: “Thực hiện quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; giám sát hoạt động khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, căn cứ theo các quy định hiện nay, nhiệm vụ “phòng, chống dịch bệnh thủy sản” không được quy định trong pháp luật về thủy sản mà được quy định cụ thể trong pháp luật về thú y.
Trong thực tế, công tác thú y thủy sản (bao gồm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, quản lý thuốc thú y thủy sản, kiểm dịch động vật thủy sản dùng làm giống là những nhiệm vụ không thể tách rời) được chuyển giao cho các Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện từ năm 2008. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng ban hành nhiều văn bản gửi các địa phương để thống nhất thực hiện công tác thú y thủy sản trong toàn quốc nhằm nâng cao hiệu quả trong phối hợp chỉ đạo điều hành (giữa Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của địa phương với các Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của Trung ương và các địa phương khác). Kết quả đến nay đã có 61/63 tỉnh, thành phố chuyển giao nhiệm vụ thú y thủy sản cho Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của địa phương thực hiện; công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản đã đi vào ổn định, phát huy hiệu quả, góp phần rất lớn cho phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, tạo thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản, thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động chuyên môn thú y của địa phương.
Căn cứ quy định của Luật Thú y số 79/2015/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, căn cứ thực tiễn hiện nay về công tác thú y thủy sản và chức năng, nhiệm vụ của hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nghiên cứu, xem xét, thống nhất tiếp tục giao nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản cho Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT để phối hợp xử lý kịp thời.
Ngọc Thúy - FICen