Phú Yên chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản 2023 (08-02-2023)

Để triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2023, tỉnh Phú Yên sẽ thực hiện các nội dung cụ thể như sau:
Phú Yên chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản 2023
Ảnh minh họa

Tích cực tuyên truyền trước vụ nuôi

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến về Luật Thú y, Luật Thủy sản; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành, UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi đến người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tuyên truyền trước mùa vụ nuôi và khi có dịch bệnh xảy ra.

Xác định quan điểm phòng chống dịch bệnh thủy sản, phòng là chính; áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, có sự tham gia phối hợp và chia sẻ thông tin của nhiều đơn vị liên quan (nhất là người nuôi). Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động người nuôi tự giác, tích cực báo cáo dịch bệnh, tham gia phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, có ý thức cao trong việc ngăn ngừa lây lan dịch bệnh khi có bệnh xảy ra.

Cảnh báo phòng chống dịch bệnh

Hệ thống thú y cấp tỉnh đến cấp cơ sở tích cực nắm bắt, tiếp nhận và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh khi có bệnh xảy ra trên các đối tượng thủy sản nuôi trồng để triển khai công tác cảnh báo và phòng chống dịch bệnh mang lại hiệu quả cao, giảm thiệt hại cho người nuôi.

Giám sát định kỳ, đột xuất bệnh trên thủy sản nuôi thương phẩm: Thực hiện lấy mẫu định kỳ, đột xuất giám sát chủ động các loại bệnh nguy hiểm trên tôm và các đối tượng thủy sản nuôi nhằm phát hiện sớm, cảnh báo tình hình dịch bệnh cho cộng đồng nuôi kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Cụ thể, giám sát bệnh định kỳ trên tôm nuôi: Lấy mẫu giám sát định kỳ 08 tháng, từ tháng 02/2023 đến 9/2023. Tần suất lấy mẫu giám sát định kỳ 01 lần/tháng. Riêng trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 (mùa nắng nóng, dịch bệnh nguy hiểm dễ phát sinh) lấy mẫu giám sát 02 lần/tháng.

Địa điểm thực hiện là các ao, lồng của các hộ nuôi tôm tại vùng nuôi trồng thủy sản thuộc huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa và Sông Cầu. Định kỳ giám sát các loại bệnh nguy hiểm trên tôm nước lợ thương phẩm (đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đầu vàng, hoại tử cơ, hoại tử cơ quan tạo máu, vi bào tử trùng, taura), bệnh sữa trên tôm hùm.

Bên cạnh đó, giám sát bệnh đột xuất trên các đối tượng thủy sản nuôi: Thực hiện lấy mẫu giám sát trong trường hợp môi trường vùng nuôi diễn biến xấu, thủy sản nuôi xảy ra vấn đề về sự cố môi trường, làm gia tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Căn cứ tình hình thực tế nuôi trồng thủy sản tại các địa phương, kịp thời tổ chức lấy mẫu giám sát để cảnh báo và hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Giám sát định kỳ bệnh trên thủy sản giống: Các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh định kỳ lấy mẫu giám sát bệnh con giống tại cơ sở mình. Kết quả giám sát được sử dụng để kiểm dịch giống xuất tỉnh theo quy định.

Kiểm soát giống thủy sản

Tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh khi xảy ra tình trạng thủy sản nuôi bị chết để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, xử lý ổ dịch tránh lây lan. Đồng thời, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại các địa phương, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi, hướng dẫn cho người nuôi và địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Tổ chức kiểm tra đột xuất tình hình kiểm dịch giống thủy sản tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, giống thủy sản nhập tỉnh (nhằm kiểm soát mầm bệnh từ con giống).

Nhanh chóng xử lý triệt để, khống chế dịch bệnh

Thực hiện xử lý, khống chế dịch bệnh theo đúng quy định; đảm bảo nhanh chóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh, tiến hành điều tra và xử lý, khống chế dịch bệnh, xử lý ổ dịch triệt để, tránh lây lan đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch. Căn cứ tình hình thực tế, UBND tỉnh phân bổ hóa chất dập dịch được sử dụng từ nguồn dự trữ quốc gia do Trung ương cấp cho các địa phương để chủ động trong công tác xử lý, khống chế dịch bệnh thủy sản.

Tập huấn phòng chống dịch bệnh thủy sản (khi có dịch bệnh xảy ra hoặc theo đề nghị của địa phương). Cụ thể: Tập huấn kiến thức về bệnh thủy sản, giải pháp phòng trị bệnh và các quy định của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi. Trong đó, chú trọng đến phổ biến các quy định của Nhà nước về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi; các loại bệnh mới trên các đối tượng thủy sản để người nuôi chủ động phòng chống.

Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản

Thực hiện kiểm dịch giống thủy sản theo quy định. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản vận chuyển ra ngoài tỉnh; kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển giống xuất tỉnh chưa thực hiện kiểm dịch. Tổ chức kiểm dịch đối với động vật thủy sản giống vận chuyển về tỉnh chưa được kiểm dịch đúng theo quy định; xử lý động vật thủy sản mang mầm bệnh nguy hiểm, động vật thủy sản giống vận chuyển vào địa bàn tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Tiếp tục phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; tổ chức kiểm tra thẩm định và chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở đủ điều kiện theo quy định.

Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản. Rà soát, bổ sung, cập nhật các quy trình xét nghiệm bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên động vật thủy sản. Đào tạo, tập huấn chuyên môn về dịch tễ, kỹ thuật xét nghiệm, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam và yêu cầu thực tế phát sinh.

Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin. Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ một số bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên động vật thủy sản và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bao gồm: Báo cáo, chia sẻ, phân tích số liệu dịch bệnh, dự báo, cảnh báo dịch bệnh, lập bản đồ dịch tễ.

Đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường

Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hướng dẫn thực hiện lịch mùa vụ, đối tượng và cơ cấu thủy sản nuôi trồng phù hợp. Thực hiện quản lý truy xuất nguồn gốc giống thủy sản và quản lý chất lượng giống thủy sản theo quy định của pháp luật.

UBND các huyện, thị xã có nuôi trồng thủy sản có nhiệm vụ báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2023 của địa phương cho UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) trước ngày 25/10/2023 để có cơ sở tổng hợp, xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.

Cơ sở nuôi trồng thủy sản: Các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi; tuân thủ mùa vụ thả nuôi theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; tuân thủ theo đúng quy trình trong việc chuẩn bị hệ thống nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh và giảm thiểu các chất độc hại cho thủy sản nuôi. Chỉ được phép sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố. Thiết kế hệ thống nuôi trồng thủy sản và áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn, quy định của các cơ quan chức năng, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác