Tác động của ENSO trong quá khứ
Trong vài năm qua, ngành tôm của Ecuador đã trải qua những biến động về khối lượng xuất khẩu do các điều kiện ENSO thay đổi. Dữ liệu từ năm 2019 đến năm 2024 cho thấy những tác động rõ ràng trong cả hai giai đoạn El Niño và La Niña.
Ảnh hưởng của El Niño (năm 2019 và 2023)
El Niño có đặc trưng là nhiệt độ bề mặt biển ở Thái Bình Dương ấm hơn mức trung bình, giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của tôm và cải thiện năng suất chung. Ví dụ:
• Năm 2019: Ngành tôm Ecuador ghi nhận khối lượng xuất khẩu đạt 718.320 tấn LSE mặc dù phải đối mặt với những thách thức như lũ lụt và thiệt hại về cơ sở hạ tầng do mưa lớn gây ra. Nhiệt độ nước ấm hơn trung bình các năm đã giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi, nhờ vậy có thể bù đắp phần nào sản lượng tôm thiệt hại do thiên tai gây ra.
• Năm 2023: Giai đoạn El Niño gần đây nhất chứng kiến khối lượng xuất khẩu tôm LSE của Ecuador phá kỷ lục là 1.306.040 tấn. Khối lượng nuôi đạt đỉnh được ghi nhận vào các tháng 3 (115.600 tấn LSE), tháng 5 (115.100 tấn LSE) và tháng 6 (117.330 tấn LSE) là minh chứng cho hiện tượng nước ấm giúp kích thích tôm nuôi tăng trưởng nhanh hơn trong nửa đầu năm 2023, giúp nông dân Ecuador tận dụng các điều kiện thuận lợi để tăng sản lượng tôm nuôi.
Tuy nhiên, lợi ích của El Niño cũng đi kèm với rủi ro. Lũ lụt và lượng mưa quá nhiều, đặc biệt là ở các vùng nuôi trũng thấp có thể làm giảm độ mặn của ao nuôi và cạn kiệt oxy, ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ sống của tôm. Mặc dù vậy, những cải tiến về cơ sở hạ tầng như đào ao sâu hơn để giảm bớt tác động của lượng mưa và ổn định các kênh dẫn nước để tối ưu hóa dòng nước vào và ra khỏi ao đã giúp giảm thiểu những rủi ro này trong những năm gần đây.
Tác động của La Niña (2020, 2021 và 2022)
Ngược lại, La Niña có đặc trưng là làm cho nhiệt độ đại dương lạnh hơn đã đặt ra những thách thức cho hoạt động nuôi tôm ở Ecuador. Nước mát làm chậm quá trình tăng trưởng của tôm, kéo dài quá trình nuôi và làm chậm thời gian thu hoạch cũng như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh trên tôm như bệnh đốm trắng (WSSV) và hội chứng tôm chết sớm (EMS).
• Năm 2020: Bất chấp La Niña, xuất khẩu tôm của Ecuador đã tăng từ 718.320 tấn LSE (năm 2019) lên 798.640 tấn LSE. Kết quả này có được còn nhờ vào việc người nuôi tôm đã áp dụng các biện pháp như thả giống tôm kháng bệnh và cải thiện các giao thức an toàn sinh học, tuy nhiên nó vẫn chứng tỏ khả năng phục hồi của ngành nuôi tôm Ecuador.
• Năm 2021: Sau những tác động kéo dài của La Niña, ngành nuôi tôm Ecuador đã phục hồi trong năm 2021 với khối lượng xuất khẩu đạt 980.130 tấn LSE. Kể từ sau tháng 6, số liệu sản xuất hàng tháng tăng đều đặn phản ánh sự điều chỉnh phù hợp của ngành trước hiện trạng nhiệt độ nước giảm so với mức trung bình năm.
• Năm 2022: Năm cuối cùng trong giai đoạn 3 năm diễn ra hiện tượng La Niña gần đây nhất ghi nhận khối lượng xuất khẩu tôm tiếp tục duy trì đà tăng. Nhiều người nuôi tôm phải vật lộn với các đợt bùng phát dịch bệnh (như bệnh đốm trắng) trong điều kiện nhiệt độ giảm hơn so với mức trung bình năm. Tuy nhiên, điều này cũng giúp thúc đẩy ngành nuôi tôm Ecuador củng cố và phục hồi tốt hơn. Nhờ vậy, xuất khẩu tôm Ecuador năm 2022 đạt mức 1.168.060 tấn LSE.
Triển vọng ENSO cho năm 2024 và các năm sau
Dự báo mới nhất của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho thấy tình trạng La Niña sẽ quay trở lại trong giai đoạn từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025. Theo Trung tâm Dự báo Khí hậu NOAA, khả năng La Niña phát triển vào tháng 11 năm 2024 sẽ là khoảng 60%, và dự kiến sẽ kéo dài đến đầu năm 2025.
Tác động của La Niña đối với hoạt động nuôi tôm ở Ecuador
• Tốc độ tăng trưởng chậm và sản lượng giảm: Khi nhiệt độ nước giảm, tốc độ tăng trưởng của tôm có khả năng sẽ chậm lại, do đó sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tôm cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Người nuôi tôm cần điều chỉnh chế độ ăn của tôm để giảm mức nitrat có hại tích tụ do thức ăn thừa gây ra. Đồng thời, cần giảm mật độ thả giống để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh và giúp tôm không bị căng thẳng (stress); và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như tăng cường kiểm soát dịch bệnh trong ao nuôi và đầu tư vào nghiên cứu tại chỗ.
• Quản lý dịch bệnh: Nhiệt độ nước lạnh hơn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như đốm trắng. Do đó, người nuôi tôm cần ưu tiên cho việc quản lý dịch bệnh hiệu quả.
• Đầu tư vào cơ sở hạ tầng: Đầu tư vào các cải tiến cơ sở hạ tầng như ổn định kết cấu ao để ứng phó với tình trạng mực nước dâng cao nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và gia cố hệ thống cấp nước cho ao nuôi do La Niña có thể dẫn đến tình trạng mưa nhiều, ảnh hưởng đến nguồn nước và độ mặn trong ao.
Tuy nhiên, các dự báo về tác hại của La Niña cho thấy tác động của nó có thể không nghiêm trọng như những năm trước. Sự quay trở lại của hình thái thời tiết trung hòa ENSO vào mùa xuân năm 2025 có thể giúp giảm bớt phần nào tác động của La Niña, cho phép ngành tôm ổn định và phục hồi trong những tháng cuối năm 2025.
Kết luận
Hiện nay, Ecuador vẫn đang tiếp tục dẫn đầu thị trường tôm toàn cầu. Mặc dù năm 2024 xuất khẩu tôm có thể chỉ duy trì mức ổn định hoặc thậm chí giảm nhẹ so với năm trước, song khả năng phục hồi của ngành nuôi tôm Ecuador trước các tác động của biến đổi khí hậu vẫn rất khả quan. Giai đoạn La Niña sắp tới sẽ đặt ra những thách thức mới, nhưng những người nuôi tôm Ecuador đã chứng minh được khả năng thích ứng của mình thông qua việc sử dụng các chiến lược giảm thiểu tác động tiêu cực của cả El Niño và La Niña. Nhờ tinh thần chủ động và đầu tư vào các hoạt động canh tác bền vững, Ecuador có thể tiếp tục phát triển trong bối cảnh khí hậu luôn thay đổi. Do đó, xuất khẩu tôm của Ecuador vẫn được kỳ vọng sẽ phục hồi mức tăng trưởng vào năm 2025 khi các nhà xuất khẩu chuyển hướng sang các thị trường có nhu cầu tương đối tích cực như Hoa Kỳ và EU.
Hương Trà (theo thefishsite)