Đẩy mạnh cơ giới hóa nuôi trồng thủy sản tại Gia Lai (09-10-2024)

Nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa hoạt động sản xuất giúp giảm chi phí, nhân công, gia tăng năng suất, sản lượng nuôi trồng; mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Đẩy mạnh cơ giới hóa nuôi trồng thủy sản tại Gia Lai
Ảnh minh họa

Xác định thủy sản là một trong những ngành chủ lực của địa phương, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tập trung  thực hiện các giải pháp đồng bộ, đặc biệt chú trọng ứng dụng cơ giới hoá nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận nuôi trồng thủy sản. Huyện Phú Thiện có diện tích ao nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 350ha diện tích nước mặt, có dòng nước từ hồ Ayun Hạ dồi dào. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Để khuyến khích người dân ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động nông nghiệp nói chung và hoạt động nuôi trồng thủy sản nói riêng, huyện Phú Thiện đã hỗ trợ kỹ thuật, vận động người dân cơ giới hóa các quy trình nuôi trồng, thu hoạch thủy sản để giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. Toàn huyện hiện có hơn 900 hộ nuôi trồng thủy sản, trung bình mỗi hộ có từ 5-7 sào (1 sào bằng 360m2), chủ yếu nuôi tôm càng xanh, cá trôi, mè, chép, rô phi Na Uy và các loại cá giống.

Hàng năm, huyện phối hợp với các đơn vị hỗ trợ về kỹ thuật, kiểm định chất lượng nguồn nước tại các ao nuôi và triển khai thử nghiệm các giống mới để giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế. Trước đó vào năm 2022, UBND huyện Phú Thiện đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh; năm 2023 triển khai mô hình nuôi cá rô phi Na Uy. Ngoài ra, huyện còn hướng dẫn người dân ứng dụng cơ giới hóa vào nuôi trồng thủy sản để giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đơn cử như xã Ia Ake hiện có 15 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích gần 14 ha. Các hộ chủ yếu nuôi cá lóc, cá rô phi Na Uy, cá trắm và tôm càng xanh. Lãnh đạo UBND xã Ia Ake thông tin, hầu hết người dân đều sử dụng máy móc phục vụ nuôi trồng thủy sản nên tôm cá sinh trưởng, phát triển nhanh hơn so với trước. Một số người dân có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản hàng chục năm tại thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake cho biết, với khoảng 4 sào nuôi cá trắm cỏ, 2 sào nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm để bán, mỗi năm, người dân thu được 4 tấn cá giống, bán với giá trung bình 60.000đồng/kg. Đối với cá rô phi đơn tính, mỗi năm, cho thu về khoảng 6 tấn, bán với giá 50.000đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, thu gần 350 triệu đồng/năm.

Cùng với việc áp dụng kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, người dân còn vào các tỉnh miền Tây để học hỏi thêm kinh nghiệm. Hàng năm, nông dân đã sử dụng máy móc để múc ao đảm bảo độ sâu mặt nước và xử lý nước bằng vôi bột để hạn chế dịch bệnh. Cùng với đó, nông dân đã tự đầu tư một số thiết bị  như  quạt gió loại 12 cánh để quạt nước nhằm tăng tỷ lệ oxy giúp tôm, cá phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn. và mua thêm máy đo độ pH nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nước, đảm bảo môi trường sống an toàn cho các loại thủy sản. Hầu hết người dân tại địa bàn xã Ia Ake đều sử dụng hệ thống máy móc nhằm giảm công sức, chi phí. Ngoài ra, một số hộ đã đầu tư máy chế biến thức ăn cho cá, máy bơm nước để thay đổi nguồn nước nhằm đảm bảo môi trường thuận lợi cho các loại thủy sản sinh sống nên hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao.

Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại được người nông dân chú trọng hơn. Hiện có khoảng 60% hộ dân đã ứng dụng cơ giới hóa vào nuôi trồng thủy sản. Trong đó, hầu hết các hộ đều sử dụng hệ thống máy móc để cải tạo ao sau mỗi vụ thu hoạch, đầu tư máy đo độ pH, máy sục khí để cung cấp oxy đảm bảo cho vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, sau khi trừ chi phí, bình quân thu nhập trên 1 sào nuôi trồng thủy sản đạt 40-50 triệu đồng/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn vẫn gặp một số khó khăn, việc đầu tư cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản vẫn chưa đồng bộ; việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế. Đa số người dân vẫn còn nuôi theo hình thức quảng canh và ít có giống thủy sản mới, chất lượng cao. Do đó, thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực áp dụng cơ giới hóa vào nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh, Gia Lai đã ban hành Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, lĩnh vực thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2025, duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 16,53%/năm, chiếm tỷ trọng 1,13% trong cơ cấu ngành nông - lâm - thủy sản. Khai thác hiệu quả khoảng 15.720 ha mặt nước. Trong đó: Diện tích nuôi trồng khoảng 1.020 ha, diện tích khai thác tự nhiên khoảng 14.700 ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8.550 tấn/năm, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 4.875 tấn, sản lượng khai thác đạt 3.675 tấn.

Đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước để phát triển ngành thủy sản trong các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, gắn với bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản. Chuyển dịch hình thức nuôi trồng theo hướng thâm canh, bán thâm canh, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển đổi số. Thu hút dự án thủy sản nhằm chủ động nguồn lực về giống, vật tư, thức ăn phục vụ phát triển thủy sản, chú trọng bảo tồn và phát triển các loài thủy sản bản địa quý hiếm có giá trị kinh tế cao thân thiện với môi trường…

Đặc biệt, tập trung ứng dụng các chủng loại máy, thiết bị đặc thù phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản, áp dụng hệ thống tự động hóa trong hoạt động nuôi trồng tại huyện Phú Thiện nói riêng và toàn tỉnh Gia Lai nói chung; giúp giảm chi phí, nhân công, gia tăng năng suất, sản lượng nuôi trồng; từng bước hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững.

Ngọc Thúy (theo TMO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác