Đổi mới trong nuôi trồng thủy sản không phải lúc nào cũng nhắc tới các giải pháp công nghệ cao giúp tăng năng suất. Nó cũng có thể liên quan đến việc cải thiện các hệ thống hiện có thông qua việc sử dụng các biện pháp quản lý tốt hơn và các công nghệ phù hợp, đôi khi nhằm mục đích tạo ra các kết quả xã hội và môi trường tích cực hơn.
Ở Indonesia, các hệ thống nuôi tôm rất đa dạng, từ quy mô truyền thống đến bán thâm canh và thâm canh. Tuy nhiên, những người nông dân nuôi tôm truyền thống hiếm khi trở thành đối tượng được hướng tới khi nói đến đổi mới trong nuôi tôm, trong khi họ chiếm tới 170.000 hộ gia đình và quản lý khoảng 300.000 ha ao, với sản lượng khoảng 200-500 kg tôm/ha/năm. Trong khi diện tích các ao nuôi tôm truyền thống cao gấp 6 lần so với các ao bán thâm canh và thâm canh, chúng đóng góp chưa đến 20% tổng sản lượng tôm của Indonesia.
Nhận thấy tiềm năng to lớn mà các ao nuôi tôm này mang lại, Diễn đàn Tôm Indonesia (FUI), Chương trình Chất lượng và Tiêu chuẩn Toàn cầu Indonesia (GQSP) và các bên liên quan đã thúc đẩy việc nâng cấp các hệ thống nuôi tôm truyền thống lên thành các ao “truyền thống cải tiến” nhằm mục tiêu tăng năng suất ao nuôi từ 0,2 - 0,5 tấn lên ít nhất 0,8 - 2 tấn/ha/năm, bằng cách triển khai các quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) và các công nghệ dễ áp dụng. Cách tiếp cận này đã tính đến chi phí và khả năng áp dụng các phương pháp mới của người nông dân.
Các quy trình vận hành tiêu chuẩn truyền thống cải tiến đã được trình bày tại các buổi giới thiệu do các trung tâm nuôi tôm truyền thống tổ chức, với chương trình được thí điểm tại một số địa điểm như Nam Sulawesi, Tây Sulawesi, Lampung, Đông Java và Tây Java. Các quy trình vận hành tiêu chuẩn bao quát tất cả các khía cạnh sản xuất, bao gồm chuẩn bị ao nuôi, chuẩn bị nước, lựa chọn giống, quản lý chất lượng thức ăn và nước, quản lý dịch bệnh và triển khai hệ thống hai giai đoạn đơn giản (ươm giống và nuôi thương phẩm), hiện vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở Indonesia.
Chuẩn bị ao nuôi
Phương pháp nuôi tôm truyền thống thường thả giống ở mật độ rất thấp (dưới 5 con/m2) và đợi đến thời điểm thu hoạch, không cần thức ăn bổ sung hoặc công nghệ. Tuy nhiên, phương pháp truyền thống cải tiến giúp mật độ thả có thể tăng nhẹ lên ít nhất 5-8 con/m2. Điểm mấu chốt của phương pháp này là chất lượng con giống phải đảm bảo không có mầm bệnh, có nguồn gốc rõ ràng để giảm thiểu rủi ro trong ao nuôi. Ngoài ra, các hoạt động chuẩn bị ao nuôi như chuẩn bị đất, chẳng hạn như xới đất đáy ao, bón vôi và chế phẩm sinh học cũng rất quan trọng, trong khi nông dân truyền thống thường bỏ qua những bước này.
Hệ thống hai giai đoạn
Hệ thống hai giai đoạn cũng hiếm khi được triển khai ở Indonesia, ngay cả trong các hệ thống thâm canh. Phương pháp tiếp cận này hiện đang được áp dụng và đang trở thành một thành phần quan trọng của các SOP do FUI và GQSP phát triển.
Việc sử dụng tôm giống trong ao nuôi thương phẩm có tác động đáng kể vì tôm giống từ trại giống được nuôi trong ao nhỏ và được kiểm soát trong 2-3 tuần trước khi được chuyển đến ao nuôi thương phẩm, giúp chúng thích nghi tốt hơn. Ao ươm có mật độ thả 200 con/m2, sử dụng thức ăn và máy sục khí cho tôm giống vào những thời điểm cụ thể để đảm bảo đủ oxy. Trong giai đoạn ươm quan trọng này, đất được khử trùng kỹ để giảm thiểu sự bùng phát của mầm bệnh. Phương pháp hai bước được thực hiện dễ dàng trong các ao nuôi thương phẩm truyền thống so với hệ thống nuôi thâm canh, và khá phổ biến ở các quốc gia nuôi tôm lớn. Hệ thống này giúp cải thiện tỷ lệ sống sót ở giai đoạn nuôi thương phẩm từ khoảng 30% lên 70-80%.
Một cải tiến tương đối đơn giản khác là sử dụng chế phẩm sinh học ở mỗi giai đoạn và kiểm soát chế độ cho ăn. Việc cho ăn hợp lý giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân. Ngoài ra có nhiều lĩnh vực trong quy trình vận hành tiêu chuẩn mà người nông dân có thể lựa chọn để cải thiện ao nuôi truyền thống dựa trên khả năng của họ. Những lĩnh vực này bao gồm sử dụng thức ăn và máy sục khí, cho phép tăng nhẹ mật độ thả giống lên 15-18 con/m2 cho năng suất hàng năm là 1,9 - 2,1 tấn. Các ao nuôi truyền thống nên bắt đầu cho ăn thêm sau 10 ngày, với thức ăn chứa 28-30% protein và sử dụng máy sục khí sau 14 ngày, hoạt động từ tối đến sáng. Việc sử dụng máy sục khí giúp tăng cường khả năng chứa và năng suất của ao. Bên cạnh đó, việc phát triển máy sục khí chạy bằng năng lượng mặt trời sẽ giúp các ao nuôi truyền thống không có cơ sở hạ tầng điện có thể tiếp cận với các phương pháp cải tiến đơn giản và hiệu quả. Đây cũng là một phần trong sứ mệnh nuôi trồng thủy sản ít carbon mà Indonesia hướng tới.
|
Mô hình ao nuôi truyền thống cải tiến mặc dù dễ triển khai ở Indonesia nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Rào cản lớn nhất chính là sự đồng thuận của nông dân. Không phải tất cả những người nông dân truyền thống đều sẵn sàng thay đổi phương pháp của họ, đặc biệt là khi phải trả thêm chi phí, ngay cả khi năng suất được hứa hẹn cao hơn.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng là một thách thức, đặc biệt là các kênh dẫn nước vào và ra khỏi ao vẫn được nông dân truyền thống sử dụng đang ngày càng trở nên nông hơn. Để giải quyết khó khăn này, chính phủ cần hỗ trợ xây dựng các kênh dẫn nước vào và ra chuyên dụng cho những người nông dân truyền thống, đảm bảo kiểm soát tốt hơn dòng chảy của nước và giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tối ưu hóa lợi ích của carbon xanh
Ngoài những lợi ích trực tiếp về năng suất đối với ao nuôi tôm, hệ thống truyền thống cải tiến còn bộc lộ tiềm năng đáng kể khi được tích hợp với rừng ngập mặn. Một số người nông dân truyền thống đã nhận thức được những lợi thế sinh thái của việc kết hợp rừng ngập mặn với nuôi tôm, vừa giúp tăng năng suất ao vừa có lợi cho môi trường. Tuy nhiên, mô hình này không phù hợp với cả ao cát và ao không có thủy triều.
Ngày nay, rừng ngập mặn cũng được công nhận vì những lợi ích bổ sung đáng kể của chúng. Chúng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì chúng hấp thụ một lượng lớn carbon. Khi các quốc gia trên thế giới cam kết giảm lượng khí thải, nông dân có thể kiếm tiền từ hệ sinh thái rừng ngập mặn thông qua giao dịch tín chỉ carbon.
Mặc dù giao dịch carbon vẫn đang phát triển ở Indonesia, nhiều công ty đang tích cực hành động để giảm tác động đến môi trường bằng cách giảm thiểu lượng khí thải của chính họ thông qua các chương trình bù trừ carbon và sáng kiến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) hỗ trợ các tổ chức hoặc nhóm (như kiểm lâm và người quản lý rừng ngập mặn) quản lý quá trình cô lập carbon tự nhiên.
Tóm lại, hệ thống nuôi tôm truyền thống cải tiến ở Indonesia là một phương pháp đầy hứa hẹn để thúc đẩy sản lượng tôm bằng cách cải thiện các hoạt động nuôi trồng truyền thống nhờ vào các công nghệ đơn giản và quản lý tốt hơn. Mặc dù hệ thống có tiềm năng giúp tăng năng suất và mang lại lợi ích cho môi trường, nhưng những thách thức như tư duy của người nông dân và hạn chế về cơ sở hạ tầng cần được giải quyết để phương pháp này có thể được áp dụng rộng rãi. Việc tích hợp các hoạt động này với các phương pháp tiếp cận sinh thái như rừng ngập mặn có thể tăng cường hơn nữa tính bền vững và mở ra những cơ hội mới cho nông dân, chẳng hạn như giao dịch tín chỉ carbon.
Hương Trà (theo thefishsite.com)