Dự án Shrimp Tech Việt Nam, được triển khai vào năm 2020, là sáng kiến gồm hai giai đoạn nhằm đạt mục tiêu sản xuất tôm không phát thải ròng tại Việt Nam. Giai đoạn đầu tiên (2020 – 2023) tập trung vào nghiên cứu và phát triển, đánh giá cách thức tích hợp các hoạt động bền vững vào hoạt động nuôi tôm trong môi trường địa phương. Giai đoạn này nhằm mục đích giúp các hoạt động nuôi tôm bền vững trở nên dễ tiếp cận và khả thi đối với người nông dân địa phương.
Giai đoạn thứ hai là thời gian để triển khai các nghiên cứu của giai đoạn đầu. Từ năm 2023 đến năm 2026, các đối tác của dự án Shrimp Tech nỗ lực áp dụng những phát hiện từ nghiên cứu của mình vào hoạt động nuôi tôm thực tế, với mục tiêu cuối cùng là đạt được một ngành công nghiệp nuôi tôm bền vững. Dự án này là nỗ lực hợp tác được khởi xướng theo yêu cầu của Đại sứ quán Hoàng gia Hà Lan tại Hà Nội, thông qua Cơ quan Doanh nghiệp Hà Lan (RVO).
Ngành nuôi tôm của Việt Nam chủ yếu diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những ngành nuôi tôm lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng quốc gia sản xuất tôm sú hàng đầu. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng đã dẫn đến nhiều thách thức, bao gồm tỷ lệ mắc bệnh cao, sử dụng kháng sinh quá mức và suy thoái môi trường. Các hoạt động nuôi thâm canh không được xử lý nước và quản lý đất đai hợp lý đã gây ra thiệt hại đáng kể cho hệ sinh thái, bao gồm cả việc phá hủy hơn một nửa diện tích rừng ngập mặn tự nhiên của Việt Nam. Hiện nay, mô hình nuôi tôm thâm canh bộc lộ nhiều hạn chế như không bền vững, gây hại cho môi trường. Nông dân thường không được tiếp cận với các biện pháp thực hành tốt nhất (BAPs) và không nhận thức đầy đủ về các vấn đề rộng hơn liên quan đến phát triển thị trường và quản lý môi trường.
Do đó, mục tiêu chính của dự án là giáo dục người nông dân và sinh viên về các hoạt động nuôi tôm bền vững, để đạt được mục tiêu sản xuất tôm không phát thải ròng thông qua việc triển khai các công nghệ mới này. Hệ thống năng lượng mặt trời do Rhinan – một trong những đối tác tham gia dự án – cung cấp nằm trong số các công nghệ này. Chúng sử dụng năng lượng mặt trời tái tạo và thông qua việc tối ưu hóa thời gian sản xuất và tiêu thụ năng lượng, cắt giảm năng lượng sử dụng trên mỗi tấn tôm từ 3.000 kWh xuống còn 1.500 kWh, mà không cần phải sử dụng các phương pháp lưu trữ năng lượng. Các công nghệ khác như sử dụng men vi sinh do Tiptopp Aquaculture - một công ty chế phẩm sinh học của Hà Lan, cũng là một trong những đối tác của dự án – nghiên cứu và phát triển. Khi sử dụng trong các trại ương giống ở Việt Nam, những sản phẩm này không chỉ giúp giảm đáng kể tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) từ mức trung bình 1,6 xuống dưới 1,0 mà còn làm tăng chất lượng nước trong ao nuôi.
Mục tiêu của dự án nhằm giúp nông dân tiếp cận được các phương pháp nuôi tiên tiến càng nhiều càng tốt. Mặc dù có tiềm năng lớn, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Thị trường tôm toàn cầu hiện đang trong cơn khủng hoảng, giá cả giảm mạnh ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vào công nghệ mới của nông dân. Việt Nam và các quốc gia khác có chi phí lao động và đầu vào tương đối cao nên khó có thể cạnh tranh với các quốc gia như Ecuador và Ấn Độ trong việc sản xuất tôm số lượng lớn với chi phí thấp hơn. Do đó, giúp nông dân tiếp cận với các phương pháp bền vững với mức giá phải chăng là thách thức chủ yếu của dự án. Cần đảm bảo các giải pháp bền vững thực sự giúp nông dân giảm chi phí trong dài hạn. Cùng với đó, dự án còn phát triển các dự án trồng lại rừng ngập mặn để bảo vệ bờ biển, xử lý nước và môi trường sống cho nhiều loài sinh vật. Dự án đặt mục tiêu tích hợp các khu rừng này vào các trại nuôi tôm với tỷ lệ cứ 10ha ao nuôi tôm sẽ có 1 – 2ha rừng ngập mặn.
Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người nông dân địa phương bằng cách cải thiện chất lượng tôm, giảm chi phí sản xuất và tăng cường tính bền vững của môi trường. Ngoài ra, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận nguồn tôm chất lượng cao, được nuôi bền vững của Việt Nam.
Mục tiêu sản xuất tôm không phát thải ròng là mục tiêu dài hạn đòi hỏi sự hợp tác và đổi mới liên tục.
Hương Trà (theo thefishsite.com)