Đẩy mạnh Ứng dụng công nghệ 4.0 cho nuôi biển Việt Nam (18-11-2019)

Nhân sự kiện kỷ niệm 03 năm Ngày thành lập (09/11/2016-09/11/2019), bên cạnh việc tổ chức Hội nghị toàn thể tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã tổ chức “Hội thảo Ứng dụng công nghệ 4.0 cho nuôi biển Việt Nam”.  
Đẩy mạnh Ứng dụng công nghệ 4.0 cho nuôi biển Việt Nam

Mục đính chính của Hội thảo là Liên kết các nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và khoa học công nghệ trong chuỗi giá trị hải sản nuôi của Việt Nam, góp phần phát triển hiện đại hóa nuôi biển công nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp Lần thứ 4. Tại Hội thảo, các đại biểu đã thống nhất nhận định: Phát triển nuôi biển công nghiệp; Ứng dụng công nghệ 4.0 cho nuôi biển Việt Nam là giải pháp tối ưu trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt.

Đến tham dự “Hội thảo Ứng dụng công nghệ 4.0 cho nuôi biển Việt Nam” có gần 100 đại biểu là các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực Thủy sản, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh/ thành phố ven biển, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, Công ty Australis, Công ty Scale AQ Vietnam, Trung tâm AI&Data, Công ty iDataBox - Aquabox - OneBox, ATA Link, Công ty Hoàn Vũ, Trường đại học Việt - Đức, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Công ty Sinh thái Việt Nam, các nhà nghiên cứu khoa học và toàn thể Hội viên của Hiệp hội.

Nhiều bài tham luận đã được trình bày, xoay quanh các chủ đề: Kinh nghiệm của Australis trong phát triển nuôi biển công nghiệp ở Việt Nam; Công nghệ 4.0 trong nuôi trồng thủy sản; Giải pháp quan trắc nuôi cá xa bờ; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công nghiệp nuôi biển Việt Nam; Nhiệm vụ quan trọng của Dữ liệu trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0; Xác thực nguồn gốc thực phẩm bằng đồng vị bền thực phẩm vân tay; Tính xác thực của cá trong chuỗi cung ứng toàn cầu - Các kỹ thuật phân tích mới giúp xác định nhanh. Ngoài ra, Hội thảo cũng đã tập trung thảo luận Công nghệ tự động hóa nuôi biển công nghiệp (RAS, cho ăn tự động, giám sát cá nuôi, lồng nuôi và môi trường); Thiết kế và chế tạo thiết bị công nghệ số ứng dụng cho nuôi biển công nghiệp; Những vấn đề về tự động hóa công nghiệp nuôi biển Việt Nam; Chứng thực xuất xứ cho hải sản nuôi; Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản; Thiết lập nền tảng liên kết cho nuôi biển Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội thảo còn cùng nhau tập trung nghiên cứu Nghị quyết 52-NQ/TW; Tìm hiểu nhu cầu số hóa công nghiệp nuôi biển… Tất cả đều hướng đến một mục tiêu: Phát triển Nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam.

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam thúc đẩy việc Ứng dụng công nghệ 4.0

Liên quan đến lĩnh vực Ứng dụng khoa học công nghệ cho nuôi biển, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã xây dựng rất nhiều đề tài, dự án: Dự án“Thúc đẩy phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Việt Nam”; Dự án Hỗ trợ xác định vùng nuôi biển công nghiệp tiềm năng ở Quảng Ninh, Việt Nam”; Đề tài “Điều tra hiện trạng nuôi biển Việt Nam” thuộc Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới; Dự án “Nâng cao năng lực đào tạo nghề nuôi biển Việt Nam”. Bên cạnh đó, đã tổ chức/ tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo về nuôi biển, như: Hội thảo Nhuộm lưới chống bám bẩn sinh học của Steen Hansen (Vũng Tàu); Hội thảo Quốc gia về Nuôi biển công nghiệp Việt Nam (Hải Phòng), Hội thảo về Đánh giá sức tải môi trường (Hải Phòng), Diễn đàn Kinh tế Đại dương Xanh Hợp tác về Nuôi biển Việt Nam - Na Uy (Nha Trang). Đồng thời, tham gia có tham luận tại Hội thảo thực hiện Nghị quyết 36 của TW (Hà Nội), Hội nghị Khu vực về Thức ăn thuỷ sản (Hà Nội), Hội thảo Thức ăn thuỷ sản (Đại sứ quán Bỉ); Phối hợp với Global GAP tổ chức tập huấn tại Vũng Tàu.

Để thúc đẩy việc Ứng dụng khoa học công nghệ cho nuôi biển, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã dịch thuật nhiều tài liệu khoa học công nghệ về nuôi biển công nghiệp. Tiến hành hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, như: Hợp tác với Công ty Aquatec (Indonesia) trong việc sản xuất lồng bè nuôi cá, tôm hùm, các thiết bị nuôi trồng thủy sản khác; Phát triển, duy trì quan hệ hợp tác với Đài Loan, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoà Kỳ, Hà Lan, Úc… Trong số đó, đã làm việc với các đối tác Na Uy để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư; Và kết nối với các Tổ chức quốc tế IDH, GIZ, USSEC, Global GAP, ASIC, Tập đoàn Lobana…

Đối với lĩnh vực đào tạo, tập huấn nuôi biển công nghiệp, Hiệp hội đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức các khoá đào tạo Giảng viên nguồn về Nuôi biển công nghiệp; Chủ trì điều phối hoạt động thực tập cho lớp đào tạo này tại Phú Quốc; Tiến hành thăm và làm việc các đối tác, hội viên (Công ty PET, Trường cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thuỷ sản, Trường Val ForU (Na Uy), Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO), VCCI -Tp.HCM… nhằm tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực ngành Nuôi biển công nghiệp. Trong các ngày 6-8/11/2019, đã tổ chức Khoá tập huấn Công nhân Nuôi biển công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiệp hội sẽ tiếp tục chuẩn bị triển khai các khóa khác.

Trong năm tới (2020), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam sẽ tham gia điều phối thực hiện Đề tài “Điều tra năng lực và trình độ công nghệ nuôi biển” thuộc Chương trình KHCN phục vụ phát triển Nông thôn mới; Tập trung tư vấn, dịch vụ và hỗ trợ cho doanh nghiệp hội viên xây dựng các mô hình Nuôi biển công nghiệp kiểu mẫu tại các tỉnh. Có thể kể đến các dự án cụ thể như: Mô hình nuôi cá biển với 12 lồng tròn, có hệ thống neo buộc cải tiến, sử dụng sà lan cho ăn, ứng dụng công nghệ IoT tại Công ty Trấn Phú (Kiên Giang); Mô hình trại sản xuất giống cá biển quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ RAS tại Công ty Đông Á (Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa); Dự án nuôi cá biển và trồng rong biển quy mô công nghiệp ở Công ty TNHH MT Minh Quang (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi); Dự án Trại sản xuất giống cá Mú sử dụng công nghệ RAS Long Sơn tại Hợp tác xã Long Sơn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu); Dự án ứng dụng công nghệ nuôi cá biển bằng lồng chìm Aquapod, công nghệ sản xuất giống và nuôi cá mahi-mahi với đối tác Hawaii (Hoa Kỳ). Ngoài ra, tích cực hợp tác quốc tế về KHCN nuôi biển công nghiệp, tìm kiếm các nguồn lực ngoài nước, đặc biệt là với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng (Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam) đã kêu gọi toàn thể Hội viên cũng như các đại biểu đến tham dự Hội thảo, cần chung tay đẩy mạnh Ứng dụng công nghệ 4.0 cho nuôi biển. Việt Nam phải làm ngay để không lỗi nhịp với thế giới; Cần tối ưu hóa tiềm năng thiên nhiên. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào nuôi biển cần được xác định là trách nhiệm của cả cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, ngư dân và các nhà nghiên cứu khoa học, kết hợp với sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế để Nuôi biển trở thành đột phá cho ngành Kinh tế Nông nghiệp Việt Nam.

Để đẩy mạnh Ứng dụng công nghệ 4.0 cho nuôi biển Việt Nam, VSA cũng đã xác định sẽ phải tăng cường hợp tác với các tổ chức, cộng đồng tài trợ để có thêm nguồn lực cần thiết thúc đẩy sự phát triển của ngành theo hướng công nghiệp, bền vững.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác