Theo đó, đến năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 650.000 ha, trong đó: Tôm sú là 560.000 ha (thâm canh, bán thâm canh đạt 65.000 ha); Tôm thẻ chân trắng là 90.000 ha. Tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ toàn vùng đạt 700.000 - 825.000 tấn, trong đó: Tôm sú đạt 350.000 - 375.000 tấn, Tôm thẻ chân trắng đạt 350.000 - 450.000 tấn. Giá trị xuất khẩu đạt 4,0 tỷ USD, thu hút nguồn lao động khoảng 1.200.000 người. Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng là 670.000 ha, trong đó: Tôm sú là 570.000 ha (thâm canh, bán thâm canh đạt 70.000 ha); Tôm thẻ chân trắng là 100.000 ha. Tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 850.000 - 900.000 tấn, trong đó: Tôm sú đạt 400.000 - 450.000 tấn; Tôm thẻ chân trắng đạt 450.000 - 500.000 tấn. Giá trị xuất khẩu đạt 5,0 tỷ USD, thu hút nguồn lực lao động khoảng 1.300.000 người.
Để đạt được mục tiêu trên, 100% tôm giống thương phẩm (sú, thẻ chân trắng) đạt chất lượng, sạch bệnh và sản xuất tại các địa phương trong vùng đạt 50%. Đến năm 2020, nhu cầu giống tôm nước lợ toàn vùng cần khoảng 120 tỷ con (tôm sú khoảng 40 tỷ con giống và tôm thẻ chân trắng khoảng 80 tỷ con giống). Đến năm 2030, tổng nhu cầu giống tôm nước lợ khoảng 160 tỷ con giống (giống tôm sú khoảng 60 tỷ con giống và giống tôm thẻ chân trắng khoảng 100 tỷ con giống). Quy hoạch một số khu sản xuất giống tập trung như sau: Vùng sản xuất giống có quy mô lớn hơn 50 ha tại các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và các khu sản xuất giống tập trung quy mô nhỏ hơn 50 ha ở Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Tiền Giang.
Về quy hoạch nuôi tôm nước lợ thương phẩm, đối với tôm sú thâm canh, bán thâm canh diện tích nuôi đến năm 2020 đạt 65.000 ha, đạt 70.000 ha năm 2030. Diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến từ 200.000 ha năm 2020 giảm còn 135.000 ha năm 2030. Nuôi tôm – lúa đến năm 2020 là 200.000 ha tăng 50.000 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm – lúa, diện tích tăng 250.000 ha vào năm 2030. Nuôi tôm sinh thái (tôm – rừng, tôm quảng canh) đến năm 2020 là 95.000ha, năm 2030 là 115.000 ha. Đối với tôm thẻ chân trắng, diện tích nuôi theo hình thức nuôi thâm canh đến năm 2020 là 90.000 ha và 2030 tăng lên 100.000 ha.
Về quy hoạch chế biến tôm nước lợ, giai đoạn 2016 – 2020, tập trung đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị trong các nhà máy hiện có để chế biến sản phẩm tôm giá trị gia tăng, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn 2021 – 2030, căn cứ vào nhu cầu thị trường và khả năng sản xuất tôm nước lợ nguyên liệu, có thể đầu tư thêm các cơ sở chế biến sản phẩm. Tiếp tục áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị và công nghệ mới hiện đại vào chế biến sản phẩm giá trị gia tăng. Đưa hiệu suất sử dụng thiết bị chế biến vào năm 2030 đạt 80-90%.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Hà Kiều