Cấp chứng nhận BAP 4 sao cho sản xuất tôm (12-11-2015)
Việt Nam có 12 doanh nghiệp được cấp chứng nhận BAP 4 sao trên tổng số 67 doanh nghiệp đạt BAP. Trong khi Ấn Độ có 2 doanh nghiệp nhận BAP 4 sao trong số 73 doanh nghiệp đạt BAP; Thái Lan có 7/68; Trung Quốc có 2/26.
Liên Minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu (GAA) là tổ chức xây dựng tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về thủy sản nuôi, là một hiệp hội thương mại phi lợi nhuận với mục tiêu sứ mệnh Hỗ trợ Thế giới thông qua hệ thông Nuôi thủy sản có trách nhiệm. Các tiêu chuẩn chứng nhận của GAA, được biết đến với tên Thực hành Nuôi Thủy sản tốt (BAP), hướng đến tất cả các thành phần cần thiết để thực hiện hoạt động nuôi Thủy sản theo phương thức bền vững và có trách nhiệm. Các sản phẩm của các đơn vị được chứng nhận BAP đều có Logo BAP để phân biệt và nhận diện thương hiệu đồng nhất trên toàn thế giới.
Các tiêu chuẩn chuẩn được xây dựng và được xem xét bởi Ủy Ban Giám sát tiêu chuẩn độc lập bao gồm các thành viên đến từ ngành thủy sản cũng như từ các cơ quan không thuộc ngành. Các tiêu chuẩn được công bố, lấy ý kiến rộng rãi và được xem xét trước khi ban hành và thực hiện. Các đánh giá chứng nhận được thực hiện bởi các tổ chức chứng nhận được công nhận theo ISO65 trên thế giới.
BAP (Best Aquaculture Practices) 4 sao là chứng nhận cấp cao nhất của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu xây dựng. Mục đích là chứng minh cho người mua thủy sản biết nhà sản xuất đã có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Trong bối cảnh chất lượng hàng hóa ngày càng khó kiểm soát, lợi nhuận được xem như yếu tố hàng đầu, thì việc Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu xây dựng hệ tiêu chuẩn BAP bảo vệ người tiêu dùng. Các sản phẩm được chứng nhận sẽ được cấp nhãn “Chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất” in trên bao bì sản phẩm. Đây là một loại “tem” chất lượng uy tín ở Mỹ và châu Âu.
Hiện nay, các doanh nghiệp và người dân nuôi trồng sản xuất chế biến tôm ở ĐBSCL rất quan tâm đến giấy chứng nhận BAP. Các trang trại quan tâm đến mô hình này thường có quy mô 50 - 200 ha. Họ có thể liên kết hoặc cung ứng sản phẩm tôm nguyên liệu cho các nhà máy và việc được cấp giấy chứng nhận BAP sẽ giúp tiêu thụ dễ dàng hơn. Cụ thể là 100% trang trại được cấp chứng nhận BAP đều tiêu thụ thẳng tôm cho các nhà máy chế biến trong khi 80% trang trại không được chứng nhận thì chỉ có thể tiêu thụ tôm cho các thương lái và các vựa tôm.
Đánh giá về hiệu quả của các cơ sở được chứng nhận BAP thì tất cả đều cho rằng hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn vì hai lý do. Trước hết giá tôm bán cao hơn 11% so với tôm không được chứng nhận này, điều quan trọng khác là nhờ được chứng nhận mà việc tiêu thụ tôm cho nhà máy được khơi thông, công việc ổn định, lợi nhuận được duy trì đều đặn, giảm rủi ro do không bị tư thương ép giá.
Theo tính toán, chi phí để được cấp chứng nhận BAP cho các trang trại nuôi tôm trên toàn thế giới vào khoảng 0,07 USD/kg. Tuy nhiên để đạt giấy chứng nhận này tại Việt Nam, người nông dân chỉ phải chi số tiền chưa tới 20% chi phí đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc thực hiện BAP là tốt cho các cơ sở, vì tuy tốn tiền về khâu mua giống tốt, mật độ thả cao, nhưng giảm được 43% chi phí thức ăn trong quá trình nuôi do ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật.
Văn Thọ