Khánh Hòa: Đưa nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững (20-11-2015)
Khánh Hòa là một trong những tỉnh có nghề nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước với hơn 23.300 lồng tôm hùm được thả nuôi hằng năm, chiếm đến hơn 40% tổng số lồng nuôi tôm hùm của cả nước. Nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa mang lại giá trị kinh tế cao nhưng lại chưa có thương hiệu, lại thiếu sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu theo chuỗi giá trị. Hàng năm, giá tôm hùm thường biến động theo mùa, việc tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi sống ở trong nước và xuất khẩu sang nước bạn theo đường tiểu ngạch.
Vấn đề con giống đang được đặt ra cấp thiết khi thực hiện tái cơ cấu nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa. Người nuôi hiện gặp khó khăn về nguồn cung cấp con giống chiếm 60 đến 70%. Vào thời điểm được mùa, giá tôm hùm giống dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/con.
Để bù đắp lượng tôm hùm giống còn thiếu, hàng năm Khánh Hòa phải nhập tôm hùm giống từ các tỉnh khác và một số nước trong khu vực Đông Nam Á theo đường tiểu ngạch. Hiện, nguồn tôm hùm giống khai thác tự nhiên cũng không ổn định do phụ thuộc vào mùa vụ, diễn biến thời tiết, thay đổi dòng chảy và môi trường biển. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch, tôm hùm cũng chỉ sống được khoảng bảy đến mười ngày nếu được chăm sóc tốt, do vậy các hộ nuôi mong muốn có sự kết hợp chặt chẽ từ khâu thu hoạch đến vận chuyển và tiêu thụ. Ngoài ra, người nuôi tôm hùm chưa có hiệp hội để bảo vệ quyền lợi cho mình, nhất là về giá cả và chia sẻ kinh nghiệm.
Nhiều hộ nuôi cho rằng, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là xây dựng mối liên kết giữa người nuôi tôm hùm với các đơn vị cung cấp yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn… và doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh tôm hùm và sản phẩm có nguồn gốc từ tôm hùm. Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nhân tạo tôm hùm giống, đồng thời ban hành các tiêu chí về tôm hùm giống để kiểm soát số lượng, chất lượng, đầu tư xây dựng điểm ương tôm hùm giống tập trung trên bể nhằm kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng.
Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, trong đó có nghề nuôi tôm hùm, ngành thủy sản Khánh Hòa cần sớm tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết mặt nước để nuôi tôm hùm ở các vịnh, đầm; xây dựng rạn nhân tạo ở vịnh Nha Trang nhằm bảo vệ nguồn tôm hùm giống trong tự nhiên. Cần tổ chức nuôi tôm hùm theo quy trình VietGap, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm kết hợp quảng bá để đăng ký thương hiệu. Thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ thống phân phối tôm hùm tươi sống bao gồm các điểm thu mua, lưu giữ trước khi giao cho các cơ sở phân phối để tạo sản phẩm tôm sạch, khỏe, đảm bảo chất lượng.
Văn Thọ