Năm 2015 người nuôi tôm đã phải đối mặt với khó khăn kép: thời tiết biến đổi thất thường và giá cả thị trường tiêu thụ giảm sút. Do ảnh hưởng của hiện tượng El-nino điều kiện thời tiết diễn biến cực đoan, xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa, nắng nóng làm độ mặn, nhiệt độ… biến động mạnh. Giá tôm nguyên liệu giảm 20-30% so với cùng kỳ, khó khăn về thị trường, giá vật tư đầu vào cho nuôi tôm không giảm.
Về tình hình nuôi tôm nước lợ 10 tháng năm 2015, diện tích thả nuôi tôm đạt 677.459ha (bằng 100,7% so với cùng kỳ 2014) trong đó diện tích thả tôm sú là 592.777ha (bằng 103% so với 2014), diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là 84.682ha (bằng 87,1% so với 2014). Sản lượng thu hoạch 10 tháng năm 2015 là 484.182 tấn, bằng 116,2% so với cùng kỳ 2014, trong đó sản lượng tôm sú là 241.207 tấn (bằng 131% so với cùng kỳ), tôm chân trắng là 242.975 tấn (bằng 104,4% so với cùng kỳ). Các tỉnh ĐBSCL chiếm 70% về diện tích và sản lượng tôm chân trắng của cả nước (tương ứng 59,474ha và 242.975 tấn), tôm sú chiếm 93% diện tích và 69,9% về sản lượng của cả nước (tương ứng đạt: 556.252ha và 228.230 tấn).
Tính đến thời điểm 30/10/2015, kết quả nuôi tôm nước lợ của cả nước so với kế hoạch đề ra đạt 98,9% về diện tích và 68,2% sản lượng. Trong đó, tôm sú đã vượt chỉ tiêu về diện tích (101,3%) và đạt 92,8% về sản lượng. Tôm chân trắng chỉ đạt khoảng 84,7% kế hoạch năm về diện tích thả nuôi và 54% về sản lượng.
Về tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, theo báo cáo của Cục Thú y, trong 11 tháng đầu năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 49.656,51 ha (bằng 104,7% so với cùng kỳ năm 2014), chiếm 7,66% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Tuy nhiên, tổng diện tích bị bệnh là 15.405,59ha (giảm 48,37% so với cùng kỳ năm 2014). Nguyên nhân do thời tiết biến đổi, nắng nóng kéo dài dẫn đến thiếu nước, nhiệt độ tăng và độ mặn cao làm tôm bị suy yếu, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh; công tác giám sát, chẩn đoán bệnh được tăng cường nên việc xác định bệnh chính xác hơn; mầm bệnh lưu hành rộng rãi; các yếu tố đầu vào như tôm giống, hóa chất dùng xử lý cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học chất lượng không đảm bảo… Cục Thú y nhận định, từ nay đến hết năm 2015, diện tích thiệt hại và diện tích bị bệnh chỉ tăng nhẹ do mùa vụ chính thả nuôi tôm đã kết thúc.
Tại Hội nghị, các đại biểu cảnh báo tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ cả nước tiếp tục đối mặt với khó khăn do thời tiết và dịch bệnh có khả năng bùng phát nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ. Nhiều đại biểu đề nghị Trung ương hỗ trợ xử lý dịch khi xảy ra dịch bệnh trong vùng nuôi.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám nhận định, thời gian qua xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao, mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, tôm sinh thái… Bộ NN và PTNT khuyến khích người nuôi tôm áp dụng các mô hình này để hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y tăng cường kiểm tra chất lượng tôm bố mẹ nhập khẩu; hướng dẫn người nuôi cách nhận biết và chọn giống tốt; kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất giống, công bố các cơ sở sản xuất con giống không đạt chất lượng để người dân biết; tăng cường kiểm tra môi trường nguồn nước, ao nuôi… Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần quan tâm đến công tác rà soát vùng nuôi, đầu tư cho các dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.