Nuôi tôm biển đã phát triển rất mạnh trong bốn mươi năm qua. Sản lượng của các loài tôm nuôi khác nhau hiện đóng góp hơn 50% nhu cầu tôm toàn cầu (gần 4,5 triệu tấn, theo dữ liệu GOAL mới nhất của Anderson và ctv).
Tuy nhiên, ngành công nghiệp này liên tục bị ảnh hưởng đáng kể bởi các bệnh nghiêm trọng trên tôm, đồng thời giá tôm trên thế giới luôn biến động đang tác động tiêu cực đến nhiều nhà sản xuất. Do đó, việc phát triển và mở rộng thị trường và áp lực hiệu quả sản xuất ngày càng tăng là những mục tiêu quan trọng cho toàn ngành công nghiệp, điều này có thể đạt được thông qua việc đổi mới, đặc biệt liên quan đến thức ăn nuôi tôm.
Sản xuất không hiệu quả ảnh hưởng đến nhiều ngành chăn nuôi. Người nuôi đối mặt với nhiều căn bệnh nghiêm trọng trên tôm và các nhà khoa học đã có nhiều nỗ lực để cung cấp giải pháp quản lý sức khỏe tốt hơn. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng của tôm giảm đã làm hạn chế hiệu quả sản xuất, đồng thời việc sử dụng kháng sinh trên tôm có thể sẽ không được thị trường chấp nhận. Tăng trưởng nhanh hơn, tăng tỷ lệ sống và cải thiện các đặc tính cảm quan của sản phẩm là những mục tiêu chính của tất cả các ngành sản xuất động vật, trong đó có nuôi trồng thủy sản.
Ảnh hưởng của dịch bệnh
Tôm là một trong những loài thủy sản có giá trị nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sản lượng tôm nuôi trên thế giới đã bị tác động tiêu cực bởi một số bệnh do virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra kể từ khi bắt đầu vài thập kỷ trước, và nghiêm trọng hơn trong hai thập kỷ qua. Đứng đầu trong số các bệnh chủ yếu này là các bệnh do virus, trong đó có virus gây hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), bệnh đầu vàng (YHD), virus gây hội chứng Taura (TSV), virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) và virus gây bệnh hoại tử cơ (IMNV). Một trong số các bệnh trên đã ảnh hưởng đến ngành nuôi tôm từ đầu những năm 1980 và đã gây thiệt hại hàng tỷ USD tại các vùng nuôi tôm ở Châu Á và Châu Mỹ.
Các bệnh gần đây bao gồm Bệnh hoại tử gan cấp tính (AHPND) hoặc Hội chứng tử vong sớm (EMS), do một loại vi khuẩn (Vibrio parahaemolyticus) gây rối loạn chức năng gan tụy và làm nhiễm khuẩn Vibrio thứ phát. Một bệnh khác gần đây là microsporidiosis hepatopancreatic, còn được gọi là Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), gây ra bởi ký sinh trùng microsporidian ảnh hưởng đến tôm bằng cách phá vỡ hệ tiêu hóa của tôm. EHP đã ảnh hưởng đến sản lượng tôm và gây ra nhiều vấn đề cho nhiều nhà sản xuất tôm chính ở Châu Á và cũng đã được báo cáo ở Châu Mỹ. Và cũng có một số bệnh mới hơn, ít được biết đến hơn như Hội chứng phân trắng và virus iridescent mới được phát hiện gây bệnh nặng và tỷ lệ chết cao ở tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương được nuôi ở Trung Quốc, được đặt tên là Virus Hemocyte Iridescent Virus (SHIV) và một loạt các bệnh mới nổi quan trọng khác.
Bệnh tôm đã gây thiệt hại kinh tế lên tới ít nhất 45 tỷ đô la trên toàn cầu trong thập kỷ qua.
Theo Tiến sĩ Andy Shinn, giám đốc của Fish Vet Group Châu Á, những căn bệnh này đã gây ra thiệt hại đáng kể về kinh tế, lên tới ít nhất 45 tỷ USD trên toàn cầu trong thập kỷ qua. Chỉ riêng WSSV đã gây ra tổn thất khoảng 15 tỷ USD, và Tiến sĩ Shinn cũng ước tính rằng AHPND gây ra tổn thất về giá trị gia tăng khoảng 1,7 - 2 tỷ USD/năm.
Bệnh tôm cũng có tác động tiêu cực đáng kể đến các nhà đầu tư, khi lịch sử của ngành này là các đợt bùng phát dịch bệnh lớn định kỳ, liên tục làm đảo lộn thị trường và chuỗi cung ứng. Trong cuộc họp GOAL 2018 gần đây tại Ecuador, vấn đề dịch bệnh một lần nữa được xác định là thách thức hàng đầu của ngành công nghiệp (theo kết quả khảo sát ở Châu Á). Các nhà đầu tư thấy được nhiều tiềm năng trong nuôi tôm và coi đó là một cơ hội rất tốt nhưng họ cũng quan tâm đến việc quản lý những rủi ro liên quan đến dịch bệnh.
Xuất hiện các thành phần chức năng nâng cao sức khỏe tôm
Có nhiều thành phần chức năng hoặc phụ gia thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển và sức khỏe của tôm nuôi. Một số thành phần hoặc chất phụ gia có thể cải thiện phản ứng miễn dịch, các phản ứng và nhu cầu sinh lý khác như sinh sản, trong khi các thành phần khác hỗ trợ động vật phản ứng chống lại sự mất cân bằng oxy hóa, nhạy cảm với một số bệnh và các tác nhân gây sốc từ môi trường như chất lượng nước, nhiệt độ, biến động oxy và độ mặn. Một số chất phụ gia hỗ trợ chức năng của chức năng đường tiêu hóa, bao gồm sửa chữa nhanh chóng đường ruột và cải thiện hệ vi khuẩn. Một số thành phần chức năng hiện đang được sử dụng trong sản xuất thức ăn cho tôm, bao gồm các chất có nguồn gốc thực vật (phytogen), chất kích thích miễn dịch, enzyme, chất kết dính mycotoxin, acid hữu cơ, men vi sinh/prebiotic, nucleotide và các chất khác.
Ví dụ, nucleotide đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của động vật trong giai đoạn đầu bởi sự tăng trưởng nhanh và sự nhân lên của tế bào; trong việc tăng cường sức đề kháng bệnh và khả năng chịu đựng stress; trong việc hỗ trợ và thúc đẩy miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu; trong sinh tổng hợp các axit amin không thiết yếu.
Các nucleotide trong chế độ ăn thúc đẩy tăng trưởng và hiệu suất của tôm, và các tác dụng của việc cho tôm nhỏ ăn như vậy được phản ánh bởi chỉ số tốc độ tăng trưởng đặc biệt (specific growth rate - SGR) và tăng trọng (WG) để đạt kích cỡ thu hoạch. Cải thiện hệ số chuyển hóa thức ăn và sử dụng hiệu quả hơn lipid và protein trong thức ăn cũng đã được báo cáo. Thức ăn có nucleotide cũng cải thiện hiệu quả tiêu hóa, hấp thụ dưỡng chất, hiệu suất sinh sản bao gồm đường kính trứng, sức sinh sản tuyệt đối và thời gian hiệu ứng.
Do áp lực về kinh tế và tính bền vững nên hàm lượng bột cá trong thức ăn liên tục giảm, việc bổ sung các thành phần chức năng mới có thể sẽ có tầm quan trọng ngày càng tăng trong nuôi tôm.
Hiện nay, Công ty Menon Renewable Products, Inc., tham gia vào việc phát triển và sản xuất các sản phẩm thức ăn chăn nuôi bền vững, chất lượng cao, giàu protein và dinh dưỡng, có dòng sản phẩm được gọi là MrFeed, cung cấp một sự thay thế mới cho các thành phần thức ăn không bền vững hiện có trên thị trường, như bột cá và các thành phần khác.
Các thử nghiệm bổ sung một số thành phần vào thức ăn thương mại tại các trang trại nuôi tôm ở Châu Á và Châu Mỹ Latinh đã cho thấy có sự cải thiện rõ rệt và đáng kể về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hệ số chuyển đổi thức ăn của tôm, ngay cả khi có bệnh nguy hiểm xảy ra.
Công ty trên đã sử dụng một quy trình công nghệ độc quyền để chuyển đổi các loại nguyên liệu hữu cơ (từ thực vật) thành các loại nguyên liệu có giá trị kinh tế cao dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi có hiệu suất cao (tạo ra protein, nucleotide và peptide có tác dụng tăng cường sức khỏe và khả năng miễn dịch của vật nuôi) với chi phí cạnh canh.
Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm và tiếp tục phát triển sản phẩm và quy trình, Công ty Menon Renewable Products, Inc., đã bắt đầu sản xuất thương mại các sản phẩm dưới nhãn hiệu MrFeed® để sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, và chăn nuôi. Các cơ sở sản xuất thương mại của công ty đã có mặt ở Ấn Độ, Mỹ và Canada, các đối tác chiến lược ở 12 quốc gia trên thế giới và có thể sản xuất các thành phần tùy chỉnh phù hợp với một số loài thủy sản.
Trong ba năm qua, công ty đã và đang tiếp tục thử nghiệm rộng rãi các sản phẩm ở một số nước Châu Á và Mỹ Latinh trong điều kiện sản xuất thương mại với sự hỗ trợ của nhiều người nuôi tôm.
Gần đây, ông Suresh Monon - Chủ tịch công ty, đã có cơ hội giới thiệu công ty và sản phẩm của họ tại Thử thách F3 vừa mới diễn ra tại San Francisco, Mỹ. Ông cho biết: “Kết quả thử nghiệm các sản phẩm của chúng tôi khi kết hợp với thức ăn thương mại tại một số trang trại nuôi tôm ở Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Mexico, Honduras và Panama đã cho thấy có sự cải thiện đáng kể về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hệ số chuyển đổi thức ăn của tôm, ngay cả khi có sự hiện diện của các bệnh như WSSV và Hội chứng phân trắng”.
Suresh Monon cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các thử nghiệm trên tôm khi mở rộng thị trường đến các khu vực nuôi tôm lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã mở rộng nghiên cứu sang các loài khác quan trọng về mặt thương mại như cá hồi, cá rô phi, cá tra, cá chim vây vàng, cá cam Nhật Bản, cá vược và các loài khác để hỗ trợ có trách nhiệm trong việc cải thiện các thông số sản xuất chính, tính bền vững và lợi nhuận của ngành nuôi trồng thủy sản”.
Anh Minh (Theo GAA)