Dịch bệnh thủy sản tiếp tục được kiểm soát (19-05-2022)

Tuần đầu tháng 5/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2022 nhằm đánh giá kết quả giám sát dịch bệnh thủy sản tại Việt Nam; đồng thời tìm kiếm giải pháp phòng chống dịch bệnh, phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững.
Dịch bệnh thủy sản tiếp tục được kiểm soát
Ảnh minh họa

Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản vẫn tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: (i) Diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh 5.030 ha (giảm 27% so với cùng kỳ năm 2020); (ii) Diện tích nuôi cá tra bị dịch bệnh 501 ha (giảm 65 % so với cùng kỳ năm 2020); (iii) Diện tích nuôi một số loài thủy sản khác (gần 80 ha và 1.358 bè, vèo nuôi thủy sản) bị mắc một số bệnh thông thường.

Về cơ bản, các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tiếp tục được kiểm soát, nhất là không để các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi xâm nhập vào trong nước. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 15.582 ha (chưa bao gồm 5.608 ha do dịch bệnh), nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh khoảng 1.200 ha, cụ thể: (i) Diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là 978 ha, chủ yếu là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021); (ii) Diện tích cá tra nuôi bị mắc bệnh 153 ha (giảm 27% so với cùng kỳ năm 2021), chủ yếu do mắc các bệnh gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng, một số bị sưng bóng hơi, phù đầu và tuột nhớt. Ngoài ra, khoảng 50 ha và 406 bè, vèo thủy sản tại An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre bị mắc một số bệnh thông thường (cá điêu hồng, cá lóc, cá nàng hai bị xuất huyết, ký sinh trùng và phù đầu; ếch bị xuất huyết, chướng hơi, lở loét và ngoẹo cổ).

Tôm nước lợ

Theo thống kê năm 2021, các bệnh nguy hiểm gây thiệt hại trên tôm nuôi nước lợ tại Việt Nam gồm: bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, chậm lớn do còi và vi bào tử trùng và một số bệnh khác như phân trắng, đường ruột, đỏ thân:

- Bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 155 xã của 47 huyện, thị xã thuộc 18 tỉnh, thành phố; tổng diện tích tôm bị bệnh là 2.184 ha, giảm 22,6%. Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh hoại tử gan tuỵ cấp xảy ra tại 75 xã của 11 tỉnh, thành phố với tổng diện tích trên 342 ha, tăng 7%.

- Bệnh đốm trắng xảy ra tại 154 xã của 52 huyện, thị xã thuộc 18 tỉnh, thành phố; tổng diện tích thiệt hại do bệnh là 1.877 ha, giảm 29,7%. Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh đốm trắng xảy ra tại 99 xã của 11 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh khoảng 451 ha, tăng 41,6%.

- Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô xảy ra tại 8 xã của 3 huyện, thị xã thuộc 02 tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng với tổng diện tích thiệt hại là 25,9 ha, giảm 86,4%. Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh xảy ra tại 6 xã của tỉnh Kiên Giang,
với diện tích có tôm mắc bệnh là 8,12 ha.

- Bệnh chậm lớn do còi và vi bào tử trùng xảy ra tại 9 xã của 3 huyện, thị xã thuộc 03 tỉnh gồm: Hải Phòng, Ninh Thuận và Sóc Trăng, với tổng diện tích thiệt hại do bệnh là 93,3 ha, tăng 2,5 lần. Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh được ghi nhận tại 7 xã của 3 tỉnh, với diện tích có tôm mắc bệnh là 7,2 ha.

- Bệnh phân trắng có 484 ha tôm mắc tại Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau; 149,5 ha tôm mắc bệnh đường ruột tại Trà Vinh; 446,5 ha tôm mắc bệnh đỏ thân tại Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau.

Ngoài ra, còn có những thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân (do các địa phương và người nuôi không lấy mẫu) vớ tổng diện tích 12.295 ha tại các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Nghệ An. Từ đầu năm 2022 đến nay, có khoảng 9.649 ha tôm nuôi tại Long An và Cà Mau (chủ yếu là tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến) bị thiệt hại nhưng không xác định nguyên nhân.

Đối với những thiệt hại do biến động môi trường, thời tiết thì năm 2021 có tổng số 3.129 ha bị thiệt hại tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Long An, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Từ đầu năm 2022 đến nay, theo báo cáo của các địa phương, có gần 187 ha tôm nuôi bị thiệt hại do biến động môi trường và thời tiết tại các tỉnh Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang.

Cá tra

Năm 2021, dịch bệnh trên cá tra xảy ra tại 32 xã của 13 huyện của tỉnh An Giang và Đồng Tháp với tổng diện tích bị thiệt hại là gần 501 ha, giảm 65%, cụ thể như sau: Bệnh gan thận mủ: 40 ha diện tích sản xuất giống và 7 ha nuôi thương phẩm tại An Giang và Đồng Tháp; Bệnh xuất huyết: 151 ha sản xuất giống và 235 ha nuôi thương phẩm tại An giang và Đồng Tháp; Bệnh do ký sinh trùng: 32,5 ha diện tích sản xuất cá giống và 45 ha nuôi thương phẩm tại Đồng Tháp. Ngoài ra còn một diện tích nhỏ (7,1 ha) cá tra bị thiệt hại do các yếu tố môi trường, thời tiết. Từ đầu năm 2022 đến nay, có khoảng 153 ha diện tích sản xuất cá tra giống và nuôi thương phẩm tại các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp bị thiệt hại, trong đó cá bị các bệnh chủ yếu như gan thận mủ (gần 60 ha), xuất huyết (68 ha) và bệnh do ký sinh trùng (16 ha).

Tôm hùm

Theo báo cáo từ các địa phương, trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, không ghi nhận thiệt hại do dịch bệnh trên tôm hùm nuôi.

Các loài thủy sản khác

Dịch bệnh trên cá nước ngọt: Bệnh xuất huyết xảy ra trên 86 vèo cá thát lát tại An Giang và Đồng Tháp; Bệnh xuất huyết, ký sinh trùng và thối mang: 283 bè, vèo và 11,5 ha cá điêu hồng tại Hậu Giang, An Giang và Đồng Tháp; Bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng: 49 ha cá nước ngọt truyền thống nuôi quảng canh tại Bình Thuận có hiện tượng chết nhưng chưa rõ nguyên nhân, 50 ha tại Hưng Yên và 07 ha tại Hà Nội.

Dịch bệnh trên cá biển: Bệnh hoại tử thần kinh (VNN): 3.550 con/17 hộ nuôi cá mú tại Kiên Giang; Bệnh lở loét: 32 lồng cá chim vây vàng nuôi tại Bình Thuận và 107 lồng cá mú nuôi tại Phú Yên.

Dịch bệnh trên loài thủy sản khác: Bệnh xuất huyết: 22 bể lươn nuôi tại Đồng Tháp; Bệnh xuất huyết, chướng hơi, đường ruột: 14 bể và 784 vèo ếch nuôi tại Đồng Tháp; Ký sinh trùng giáp xác chân tơ: cua biển nuôi tại 4 huyện của tỉnh Cà Mau bị chết, gầy yếu do bị nhiễm ký sinh trùng với cường độ cao.

Đánh giá chung

Năm 2021, diện tích có tôm mắc bệnh giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước; diện tích tôm nuôi bị thiệt hại cũng giảm gần 50%, trong đó hơn 60% diện tích thiệt hại nhưng không rõ nguyên nhân. Một số loại mầm bệnh nguy hiểm (AHPND, WSD, IHHND, EHP trên tôm) vẫn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, kết hợp các yếu tố nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường nhanh, mạnh, cực đoan, … tác động đến sức khỏe tôm, làm cho tôm chậm lớn (không lột xác), kém phát triển, sức đề kháng yếu; điều kiện môi trường biến đổi tiêu cực lại tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, các bệnh xảy ra trên tôm chủ yếu vẫn là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính; bệnh EHP xuất hiện ở một số địa phương. Một số bệnh thông thường khác trên tôm vẫn xảy ra rải rác. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lưu hành, lây lan và gây thiệt hại cho người nuôi tôm trong thời gian tới là rất cao nếu không áp dụng các biện pháp chủ động để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là con giống và khâu chuẩn bị ao nuôi.

Do đó, cần có giải pháp đồng bộ để khắc phục, cải thiện điều kiện hạ tầng vùng nuôi, quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi bảo đảm điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp, xử lý nước thải, chất thải theo quy định; thực hiện quan trắc môi trường, tổ chức lấy mẫu đối với những diện tích bị thiệt hại để xác định nguyên nhân, thực hiện kế hoạch giám sát chủ động để dự báo, cảnh báo và áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh. Về lâu dài, các cơ sở ương dưỡng, sản xuất giống cần tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở nuôi thương phẩm xây dựng chuỗi sản xuất, bảo đảm an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đối với cá tra: Năm 2021, bệnh xuất huyết vẫn là bệnh phổ biến, xảy ra rải rác trong các ao nuôi; các bệnh gan thận mủ, ký sinh trùng,.. xuất hiện ít hơn. So với năm trước, dịch bệnh xảy ra trên cá tra giảm cả về phạm vi và diện tích có cá tra bị bệnh; chủ yếu là diện tích cá bị mắc bệnh xuất huyết.

Tuy nhiên, cá tra chủ yếu được nuôi theo hình thức ao nuôi hở, bè nuôi sử dụng nguồn nước sông tự nhiên, do vậy việc kiểm soát mầm bệnh có trong môi trường nước là rất khó khăn; bên cạnh đó, mật độ thả nuôi thường rất cao, do vậy thường trực nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Trong năm 2022, cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm cá mắc bệnh, cá chết để xử lý, trường hợp cá bị chết nhiều, chết bất thường với tỷ lệ cao cần phải lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân; người nuôi cần tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi, mật độ thả nuôi, quy trình xử lý nước thải, chất thải,... và tăng cường chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho cá. Khuyến khích sử dụng vắc xin phòng bệnh cho cá nhằm hạn chế sử dụng, lạm dụng kháng sinh.

Các bệnh nguy hiểm như bệnh xuất huyết trên một số loài cá nước ngọt vẫn thường xuyên xuất hiện và gây thiệt hại cho người nuôi; bệnh hoại tử thần kinh trên cá biển (ở Kiên Giang), bệnh do ký sinh trùng giáp xác chân tơ (trên cua Cà Mau),.. gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi chủ yếu là ao nuôi hở, nuôi lồng bè, không có biện pháp quản lý nguồn nước cấp, nước thải, khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình nuôi; kết hợp với tác động xấu của biến đổi khí hậu, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: rét đậm, rét hại, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn, mưa lũ, bão lụt... làm môi trường nuôi bị thay đổi nhanh và tác động xấu đến sức khỏe thủy sản, tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và gây bệnh cho thủy sản.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục tổ chức triển khai Kế hoạch Quốc gia phòng, chống dịch bệnh thủy sản; tích cực thực hiện công tác xây dựng văn bản chỉ đạo, điều hành; thực hiện tốt công tác giám sát, cảnh báo dịch bệnh; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh; xây dựng chuỗi, cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm dịch động vật thủy sản; quản lý thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản; tổ chức nghiên cứu khoa học, dịch bệnh động vật thủy sản. Về phía Cục Thú y, thực hiện hỗ trợ xuất khẩu thủy sản đi Thái Lan, Hàn Quốc, Úc, Indonesia và thị trường khác.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác