Tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng số tàu thuyền trong tỉnh năm 2024 hiện nay là 803 chiếc, với tổng công suất 208.163 CV, trong đó, tàu có chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét hoạt động vùng ven bờ là 302 chiếc, tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét tại vùng lộng là 156 chiếc, tàu có chiều dài lớn nhất Lmax từ 15 mét trở lên là 345 chiếc.
Tính đến nay cơ quan chức năng của tỉnh đã cấp lại 322/345 giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động vùng khơi, đạt 94,70%; còn lại 23 tàu cá chưa giấy phép khai thác thủy sản. Chi cục Thủy sản cập nhật đầy đủ thông tin về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, xử lý vi phạm lên trên hệ thống VNFishbase, hệ thống phần mềm xử lý vi phạm hành chính, hệ thống giám sát tàu cá thiết bị giám sát hành trình VMS của Cục Thủy sản.
Tỉnh Sóc Trăng đã có 345/345 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỷ lệ 100%, số tàu cá này đã được cập nhật và hiển thị vị trí trên hệ thống giám sát hành trình, được thực hiện đúng quy định kẹp chì trên thiết bị VMS.
Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề đã đã tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin tàu khai thác cập, xuất cảng, đối chiếu danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, sắp xếp tàu vào cảng và giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng. Tính từ đầu năm 2024 đến nay tổng số tàu khai thác hải sản cập cảng là 966 lượt tàu; sản lượng hàng thủy sản qua cảng là 13.485 tấn.
Tổ kiểm soát nghề cá tại cảng thực hiện 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần để kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ra, vào cảng; đã kiểm 2.413 lượt tàu cá cập, rời cảng cho tàu cá trong và ngoài tỉnh, phần lớn tàu cá đủ điều kiện xuất bến và cập bến.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề đã phối hợp với Lực lượng Biên phòng, các địa phương ven biển tổ chức triển khai hệ thống phần mền truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử. Qua đó đã hướng dẫn, hỗ trợ cho 250 chủ tàu/thuyền trưởng tải ứng dụng cài đặt và sử dụng phần mền truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử, đăng ký tài khoản cho 6 doanh nghiệp có chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác; xác nhận cho 781 tàu cá yêu cầu xuất cảng, 536 tàu cá cập cảng, cấp 118 biên nhận bốc dở hàng thủy sản, 05 giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản (05 SC) qua hệ thống phần mền truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT VN).
Từ đầu năm 2024 đến nay cơ quan chức năng của tỉnh đã cấp 44 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác với khối lượng 1.485 tấn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác; tổ chức 02 chuyến tuần tra, kiểm soát tàu cá trên biển; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của các tỉnh Bến tre, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang kiểm tra, giám sát các tàu cá mua bán, sang nhượng chủ quyền nhưng chưa đăng ký lại theo quy định, xác minh tàu cá mất kết nối với máy giám sát hanh trình.
Qua đó đã kiểm tra 40 tàu cá đang hoạt động trên biển, kiểm tra, giám sát 10 tàu cá mua bán, xác minh 08 tàu cá mất kết nối với máy giám sát hành trình, phát hiện và lập 14 biên bản làm việc về các hành vi tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày, tàu cá không cập cảng chỉ định để bốc dỡ hàng thủy sản, tàu cá ghi chép nhật ký khai thác không đúng với máy giám sát hanh trình, đồng thời chuyển cơ quan chức năng ra 07 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 37.500.000 đồng,..
Song song, trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đến nay đã thực hiện 08 phóng sự tuyên truyền, 06 đợt phối hợp Báo Sóc Trăng, Báo Nông nghiệp đăng tải công tác chống khai thác IUU, tổ chức tuyên truyền lồng ghép với công tác đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, thanh tra, kiểm tra hoạt động của tàu cá tại cảng, trạm kiểm soát biên phòng, trên biển; yêu cầu hệ thống chính trị địa phương vào cuộc để vận động tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm công tác chống khai thác IUU theo quy định.
Phối hợp với Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 tổ chức 01 đợt tập huấn, tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống khai thác IUU. Đặc biệt, Lực lượng Biên phòng phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các Địa phương ven biển thực hiện tháng cao điểm tuyên truyền về chống khai thác IUU như đã tổ chức 10 lớp tuyên truyền Luật thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Kiên quyết xử lý triệt để tàu cá “3 không”
Tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU và triển khai đợt hoạt động cao điểm từ nay đến hết tháng 10/2024 trong khoảng thời gian phái Đoàn EC sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 5; nhằm ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, làm cơ sở để phái đoàn EC xem xét gỡ “Thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các hình thức, hoạt động thông tin truyền thông phù hợp trên địa bàn tỉnh về nỗ lực chống khai thác IUU; tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật chống khai thác IUU cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đặc biệt, tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn đảm bảo nắm chắc thực trạng về số lượng tàu cá chưa hoặc đã hết hạn đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; tàu cá đã chuyển nhượng, mua bán, xóa đăng ký; tàu cá hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá chưa lắp thiết bị VMS...; xử lý triệt để và không để phát sinh tình trạng tàu cá “3 không: không đăng kiểm, đăng ký, không giấy phép khai thác thủy sản” hoạt động trên địa bàn.
Tiến hành tổ chức làm việc, trực tiếp hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase. Hướng dẫn ngư dân thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định đối với các tàu cá chưa đăng ký tại đia phương. Theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS;
Đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên ra vào cảng, xuất nhập bến phải có đầy đủ giấy tờ (đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đánh dấu tàu cá), có lắp đặt thiết bị VMS, đặc biệt là thiết bị VMS trên tàu phải hoạt động liên tục theo quy định; quản lý, kiểm soát 100% tàu cá tỉnh khác hoạt động trên địa bàn tỉnh, thực hiện cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các địa phương có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU.
100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đảm bảo về nhật ký khai thác, dữ liệu VMS, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác; thực hiện đúng quy định công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ. Tổng rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Âu đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, tổ chức triển khai hệ thống phần mền truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử.
Thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử phạt 100% các trường hợp vi phạm; xác minh, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS theo quy định, vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định; điều tra, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác, tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị VMS của tàu cá khác.
Thanh Thủy