Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Trà Vinh không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài (17-05-2022)

Thời gian qua, các Sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã tích cực vào cuộc thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chống khai thác IUU được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức phù hợp cho từng đối tượng; nhờ vậy từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Trà Vinh không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Trà Vinh không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh hiện nay có 1.142 tàu cá đã đăng ký; trong đó 13 tàu có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, 251 tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m, 311 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, 567 tàu có chiều dài dưới 12m. Tổng công suất là 153.276 CV, tổng số thuyền viên 4.201 người. Công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ là 609 giấy phép, vùng lộng là 654 giấy phép.

Tính đến nay, đã cấp phép khai thác thủy sản cho 1.078 tàu. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 06 đến dưới 15m là 830 chiếc, chiếm 94,6%; tàu có chiều dài từ 15 trở lên là 247 tàu, chiếm 93,6%. Chi cục Thủy sản đã tổ chức cập nhật dữ liệu tàu cá về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác của tỉnh lên hệ thống VNFishbase Tổng cục Thủy sản đúng theo quy định.

Qua rà soát, toàn tỉnh hiện nay có 264 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) (trong đó có 31 tàu cá bị mục nát, rã, hư hỏng, nằm bờ ngưng hoạt động, Chi cục Thủy sản rà soát để thực hiện thủ tục xóa đăng ký theo đúng quy định). Số tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị VMS đến nay là 233 tàu, đạt tỷ lệ 100%.

Chi cục Thủy sản thành lập Tổ trực ban giám sát xử lý thông tin tàu mất kết nối, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m trên địa bàn; bố trí cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, trang bị các trang thiết bị cần thiết như: Máy tính, màn hình lớn, đường truyền internet,… để đáp ứng yêu cầu khai thác, vận hành sử dụng hệ thống hiệu quả. Cùng đó, tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát tàu cá của địa phương hoạt động trên biển theo đúng quy định; đảm bảo ghi chép, lưu trữ cụ thể thông tin tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU được phát hiện qua VMS để xử lý.

Tính đến ngày 18/4/2022, có 137 tàu mất kết nối, trong đó có 134 tàu từ 15m đến dưới 24m, 03 tàu trên 24m; có 128 tàu mất tín hiệu kết nối 10 ngày trở lên, trong đó có 126 tàu từ 15m đến dưới 24m, 02 tàu trên 24m. Do hầu hết các tàu đã hết cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh. Chủ tàu còn gặp khó khăn trong việc đóng cước phí cho nhà cung cấp theo hình thức chuyển khoản. Còn có một số nhà cung cấp chưa tạo được độ tin cậy cho chủ tàu khi thực hiện giao dịch đóng cước phí,..

Chi cục Thủy sản đã gửi thông báo đến các đơn vị cung cấp thiết bị liên hệ chủ tàu, thuyền trưởng xử lý, khắc phục các trường hợp tàu cá mất tín hiệu. Đảm bảo tín hiệu sau xử lý của các tàu cá ở trạng thái hoạt động; hỗ trợ các đơn vị cung cấp thiết bị VMS chuẩn hóa thông tin dữ liệu người dùng, kết nối đồng bộ dữ liệu trên hệ thống VMS. Đồng thời, báo cáo kịp thời các thông tin dữ liệu chưa đảm bảo độ tin cậy về Tổng cục Thủy sản để theo dõi, xử lý theo đúng quy định,..

Từ đầu năm  2022 đến nay, số tàu thông báo cập cảng là 356 lượt tàu; số tàu/ sản lượng thủy sản được giám sát là 356 lượt tàu/790 tấn; tỷ lệ sản lượng đã giám sát/sản lượng khai thác của địa phương là 42%; sổ nhật ký đã thu là 452 sổ; số giấy biên nhận và sản lượng đã cấp là 356 giấy. Văn phòng IUU tại các cảng cá đã tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, theo dõi, giám sát đối với tàu cá cập bến, xuất bến làm cơ sở để thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc khai thác hải sản theo quy định; kiểm soát được 511 lượt tàu rời cảng, 11 lượt tàu cập cảng.

 Từ đầu năm 2022 đến nay, đã thực hiện 01 cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiểm tra 51 phương tiện, xử phạt 09 tàu cá với 10 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 43.200.000 đồng. Đến nay, tỉnh Trà Vinh không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Nhìn chung, Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn ra đời là cơ sở pháp lý để lực lượng chức năng và ngành chuyên môn chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản của tàu cá ở các vùng biển trong nước, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý và kiểm soát hoạt động nghề cá; sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các Bộ, Ngành, Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản; các văn bản pháp quy, cơ chế chính sách hỗ trợ có liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển được triển khai kịp thời đến ngư dân trong tỉnh, đã tạo điều kiện cho ngư dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất; công tác đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ cho khai thác thủy sản như: cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão được đầu tư các năm qua đã phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất và thu hút lực lượng tàu cá trong và ngoài tỉnh tập kết tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc phối hợp thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm đã được các cơ quan chức năng tổ chức triển khai thực hiện tốt, góp phần hạn chế vi phạm về khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản; đăng ký, đăng kiểm tàu cá và thuyền viên được thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả tốt; khi hoạt động trên biển, ngư dân ngày càng có ý thức hơn trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khai thác thủy sản; hệ thống thông tin liên lạc giữa cơ quan quản lý nhà nước với hộ gia đình, chủ tàu cá đã từng bước được thiết lập, qua đó đẩy mạnh công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và phương tiện khi có thiên tai xảy ra,..

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác hoạt động kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng, giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng, thời gian tàu cá cập cảng còn chưa đảm bảo theo quy định; tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định tại vùng biển ven bờ vẫn còn xảy ra.  Một số tàu cá trong và ngoài tỉnh chưa chấp hành đầy đủ các quy định về ghi chép sổ nhật ký khai thác, nhật ký thu mua, chuyển tải và thực hiện báo cáo ra, vào cảng theo quy định,..

Do vậy, thời gian tới tỉnh Trà Vinh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan, đặc biệt nhấn mạnh công tác chống khai thác IUU đến cộng đồng ngư dân, các thành phần liên quan tại địa phương và tàu cá các tỉnh bạn hoạt động khai thác thủy sản tại Trà Vinh;  tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định trên các vùng biển đã được phân cấp quản lý và các hành vi vi phạm pháp luật khác; tổ chức trực ban giám sát xử lý thông tin tàu mất kết nối, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m trên địa bàn tỉnh Trà Vinh để đáp ứng yêu cầu khai thác, vận hành sử dụng hệ thống hiệu quả;

 Kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; kiểm soát sản lượng cập bến theo quy định; thanh tra, kiểm tra tại cảng, xử phạt nghiêm hành vi khai thác IUU; ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác; thực hiện nghiêm công tác xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác theo quy định; 

Ngoài ra, triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp của UBND các tỉnh Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và tỉnh Cà Mau trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển; thường xuyên phối hợp với các tỉnh trao đổi thông tin trong công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên biển, trao đổi, thông báo tình hình có liên quan đến tàu cá, chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên của tỉnh này hoạt động tại tỉnh kia và ngược lại nhằm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp trên các vùng biển.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác