Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá (29-04-2022)

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản thay thế Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến của các Bộ, ban, ngành và địa phương.
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá
Ảnh minh họa

Sau 07 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các chính sách phát triển thủy sản đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân; mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%); tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.

Cơ bản đạt được mục tiêu hiện đại hóa đội tàu cá, đủ sức làm chủ các ngư trường trên Biển Đông. Cụ thể, đội tàu cá đánh bắt xa bờ từ 22.000 chiếc (năm 2014) đã tăng lên trên 31.320 tàu (năm 2020), trong đó có 2.630 tàu có chiều dài trên 24m, với công suất lớn trang bị hiện đại về kỹ thuật công nghệ. Trong số hơn 9.000 tàu cá xa bờ tăng thêm có 1.031 tàu đóng mới được Ngân hàng thương mại đã cho ngư dân vay có hỗ trợ lãi suất và có 39 tàu đóng mới được nhà nước hỗ trợ theo cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư.

Tuy nhiên, một số tồn tại bất cập trong việc triển khai thực hiện Nghị định nói riêng và phát triển thủy sản nói chung vẫn chưa được giải quyết. Trong đó đáng chú ý là chất lượng một số tàu cá vỏ thép chưa tốt, nhận thức của ngư dân về sử dụng, duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép còn hạn chế, lạc hậu; số lượng và chất lượng thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao (nợ quá hạn là 537,8 tỷ chiếm 4,67% tổng vốn vay, nợ xấu 3.430 chiếm tỷ lệ 33% tổng vốn vay). Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Để khắc phục những bất cập trên và thực hiệu có hiệu quả các chính sách chính sách phát triển thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang lấy ý kiến của các Bộ, ban, ngành và các địa phương liên quan cho  Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản thay thế Nghị định 67. Theo đó, Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản lần này đã sử đổi, bổ sung nội dung liên quan đến “làm rõ việc xử lý đối với các khoản cho vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và chuyển đổi chủ tàu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá”.

Cụ thể, tại Điều 4 của Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản thay thế (Nghị định 67), chủ tàu vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP chưa trả nợ đúng hạn cho ngân hàng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất. Các ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với số lần không hạn chế nhưng tổng thời gian các lần gia hạn nợ không vượt quá 1/3 thời gian cho vay ban đầu khi ký hợp đồng tín dụng.

Các nguyên nhân được xem là khách quan, bất khả kháng bao gồm:

a) Tàu bị thiên tai làm hư hỏng phải sửa chữa; tàu bị nước ngoài bắt, giam giữ (không do lỗi của chủ tàu/thuyền trưởng);

b) Tàu bị tàu khác đâm, va làm hư hỏng phải sửa chữa (không do lỗi của chủ tàu/thuyền trưởng);

c) Tàu đóng mới kém chất lượng, bị hư hỏng phải sửa chữa tàu dẫn đến không thể hoạt động khai thác thủy sản;

d) Chủ tàu bị bệnh tật, bị tai nạn không còn khả năng đi biển (trong trường hợp chủ tàu trực tiếp đi biển); chủ tàu chết, mất tích;

đ) Do ảnh hưởng bởi bệnh truyền nhiễm nhóm A theo pháp Luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm hiện hành.

e) Trường hợp phát sinh các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng khác, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác