Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ông Phùng Đức Tiến và Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT và một số Bộ ngành, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản của 28 tỉnh/thành phố ven biển, Viện Nghiên cứu Hải sản, Trường Đại học Nha Trang, đại diện các doanh nghiệp và người dân, một số phóng viên báo đài đến dự và đưa tin về Hội nghị.
Trước yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt, thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thực hiện Luật Thủy sản 2017, hội nghị lần này nhằm đánh giá công tác quản lý tàu cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, đánh giá tình hình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá trong thời gian qua và bàn giải pháp quản lý an toàn tàu cá, thúc đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý cảng cá để đáp ứng với nhu cầu hội nhập trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong những năm qua, cơ cấu đội tàu cá của Việt Nam có sự thay đổi đáng kể, tính đến 30/6/2020, trên toàn quốc có 96.609 tàu cá, trong đó: Tàu cá có chiều lớn nhất từ 6m đến 12m là 47.448 tàu; Tàu cá có chiều lớn nhất từ 12m đến 15m là 18.687 tàu; Tàu cá có chiều lớn nhất từ 15m trở lên là 30.474 tàu.
Hiện nay trên cả nước có 89/125 cảng cá đã được đầu tư, nâng cấp với tổng công suất khoảng 1,8 triệu tấn thủy sản qua cảng/năm. Hiện có 66/146 Khu neo đậu tránh trú bão đã được đầu tư với tổng công suất neo đậu khoảng 51.670 tàu.
Hằng năm, bằng vốn ngân sách của Trung ương, nguồn vốn địa phương và nguồn vốn từ ODA, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ hướng dẫn các địa phương thực hiện đầu tư cũng như duy tu bão dưỡng công trình hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn thực hiện đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão là 3.990 tỷ đồng, đầu tư khu neo đậu tránh trú bão: 1.965 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn thực hiện đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão khoảng 5.500 tỷ đồng. Đầu tư khu neo đậu tránh trú bão: 1.865 tỷ đồng.
Thực hiện Luật thủy sản 2017, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp và công bố 66 khu neo đậu tránh trú bão tại 25 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó: 50 khu neo đậu cấp tỉnh; 15 khu neo đậu cấp vùng; 01 khu chưa xác định cấp,; còn lại 03/28 tỉnh, thành phố năm 2020 chưa công bố là: Quảng Ninh, Ninh Bình và Bạc Liêu.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã công bố danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, theo báo cáo, hiện nay đã có 61 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, một số cảng cá không đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ nên UBND tỉnh/Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị đưa ra khỏi danh sách. Hiện tại, có 57 cảng cá đủ điều kiện. Hiện nay, cũng đã có 70 cảng cá được chỉ định cho tàu cá hoạt động tại vùng khơi vào cập cảng và 12 cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài vào cập cảng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ định và công bố danh sách 11 cảng biển cho tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Trong đó, khó khăn hiện nay là cơ sở hạ tầng tại các cảng cá ngày càng xuống cấp trong khi đó nguồn vốn đầu tư cơ hạ tầng nghề cá còn hạn chế. Tại một số cảng cá, các cơ sở hậu cần phục vụ nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều cửa sông bị bồi lấp, không có kinh phí nạo vét hàng năm nên dẫn đến tàu bị mắc cạn, sóng đánh chìm khi vào cửa, đặc biệt khu vực Miền Trung. Một vấn đề liên quan đến bảo hiểm tàu cá cũng được các đại biểu nêu ra, theo các đại biểu hiện nay, nhiều tàu cá không mua được bảo hiểm do còn có nhiều tàu chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định liên quan của pháp luật, dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình cấp đơn bảo hiểm; các doanh nghiệp bảo hiểm thu phí giảm sút, số tiền thu phí từ việc bán bảo hiểm tàu cá không bù đắp được số tiền bỏ ra để giải quyết bồi thường; các vụ tổn thất toàn bộ đều không tìm được, hoặc không trục vớt được xác tàu, nên khó có thể điều tra được rõ nguyên nhân sự cố, khiến các công ty bảo hiểm quan ngại trong việc bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân.
Đa số các cảng cá được đầu tư xây dựng từ rất lâu nên so với các tiêu chí quy định tại Điều 78 Luật Thuỷ sản 2017 thiếu nhiều hạng mục quy định như: diện tích vùng đất, vùng nước; các trang thiết bị chủ yếu phục vụ cho việc bốc dỡ hàng hoá của cảng; hệ thống điện, nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống phòng chống cháy... khó đáp ứng được nên việc quản lý, công bố mở cảng cá gặp nhiều khó khăn. Thủ tục liên quan đến công bố mở cảng hiện nay, một số địa phương vẫn còn những vướng mắc với các quy định khác.
Theo định hướng thời gian tới, cần thực hiện thống nhất công tác tổ chức, quản lý cảng cá theo Luật Thủy sản năm 2017 để đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả vai trò của các tổ chức quản lý cảng cá trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản, khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC. Đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảm bảo hiện đại đồng bộ, nâng cao giá trị gia tăng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng biển; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh; góp phần triển khai thực hiện Luật Thủy sản và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thực trạng hạ tầng thủy sản của chúng ta hiện rất yếu kém, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Nếu chúng ta không bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản sẽ khó gỡ “thẻ vàng“ và không thể chuyển ngành thủy sản từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có tránh nhiệm, hội nhập khu vực và quốc tế được.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay đòi hỏi ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng chủ động có những giải pháp tái cơ cấu theo hướng bền vững, đội tàu khai thác có cơ cấu ngành nghề hợp lý, phù hợp với tình hình mới hiện nay. Tập trung những giải pháp quyết liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc xử lý chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định nhằm tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của Liên minh Châu Âu đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam một cách sớm nhất. Thực hiện có hiệu quả các quy định trong Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các đơn vị tham mưu, cần nghiên cứu đề xuất các cơ quan Trung ương, địa phương bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; kinh phí duy tu, nạo vét luồng của các cảng cá, khu neo đậu để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá vào cảng, khu neo đậu được an toàn.
Những giải pháp căn cơ trong quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão
Trước mặt Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan quản lý, các địa phương thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả trong quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, theo đó, yêu cầu:
Tập trung Hoàn thiện các văn bản, chính sách pháp luật, sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý quy định về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp quy định của Luật Thủy sản và Luật Quy hoạch, trong đó có Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng các chính sách đầu tư đặc thù tạo tính đột phá nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.
|
Tăng cường nguồn lực đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, tập trung bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho ngành thủy sản trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển kinh tế thủy sản bền vững trong giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để tập trung đầu tư hoàn thành dứt điểm các dự án trọng điểm, bức thiết như: Cảng cá động lực thuộc các Trung tâm nghề cá lớn; cảng cá loại I; khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng; hệ thống thông tin quản lý tàu cá; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
Tiến hành tổ chức duy tu, bảo dưỡng định kỳ, nâng cao năng lực các cảng cá; cải thiện cơ sở hạ tầng tại cảng để đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần nghề cá, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trong cảng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại cảng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân nắm được các quy định liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các quy định đối với chủ tàu, thuyền trưởng phải thực hiện khi ra, vào cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá để thực hiện.
Nâng cao năng lực khai thác và quản lý cho các tổ chức quản lý cảng cá như: Hợp tác, nghiên cứu, học tập các nước trong khu vực và trên thế giới về các mô hình quản lý cảng cá hiệu quả để áp dụng vào Việt Nam; Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ven biển tổ chức lại các tổ chức quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảm bảo đủ năng lực phối hợp thực hiện kiểm soát hoạt động tàu cá ra, vào cảng, thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và xác nhận nguyên liệu thủy sản xuất khẩu; cung cấp thông tin về tình hình thời tiết trên hệ thống thông tin của cảng cá.
Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định trong quản lý an toàn tàu cá cho phù hợp với tìm hình mới. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyến biển các tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết không cho các tàu cá không trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn ra khơi.
Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin sự cố nghề cá trên biển của tàu cá và ngư dân giữa các cơ quan có liên quan.
Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ, đội sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai, tai nạn trên biển.
Tiếp tục đẩy nhanh thực hiện Dự án thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II, cùng với hệ thống thông tin của các đơn vị khác cung cấp thông tin, tiếp nhận và xử lý thông tin cho ngư dân hoạt động trên biển.
Tăng cường công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá và chỉ cho ra khơi đối với những tàu cá đảm bảo về trang bị an toàn hàng hải, con người theo quy định. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với lực lượng đăng kiểm viên tàu cá để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nghề cá, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm tàu cá.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác đảm bảo an toàn hàng hải trên biển cho ngư dân nhằm trang bị và nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi hoạt động trên biển cũng như hướng dẫn cho bà con ngư dân quy trình xử lý, giải quyết hậu quả sau tai nạn.
Văn Thọ