Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá vùng duyên hải miền Trung (16-04-2014)

Các tỉnh duyên hải Miền Trung là vùng có nghề khai thác hải sản phát triển mạnh. Hiện nay, toàn vùng có 70 cảng cá/bến cá - là nơi neo đậu thường xuyên cho tàu thuyền của 9 tỉnh duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận) và một số tỉnh lân cận. Trong đó, một số cảng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, có cầu cảng và kè bờ, đã được đưa vào hoạt động. Toàn vùng hiện có khoảng 100 cơ sở sửa chữa và đóng mới tàu cá, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sửa chữa/đóng mới của ngư dân. Cùng với sự phát triển của ngành thủy sản, sự phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá đang trở thành nhân tố thúc đẩy ngành phát triển bền vững.
Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá vùng duyên hải miền Trung

         Tại vùng duyên hải miền Trung, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển, vẫn còn những mặt tồn tại cần phải khắc phục. Hệ thống cảng cá/bến cá và các cơ sở sửa chữa/đóng mới tàu cá, cùng với các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho hoạt động khai thác, thu mua, kinh doanh nguyên liệu, thông tin ngư trường... chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành.

Thực trạng phát triển cảng cá/bến cá

Đến năm 2013, toàn vùng có 70 cảng cá/bến cá đã và đang được đầu tư phục vụ cho các hoạt động khai thác hải sản. Ngoài những cảng cá lớn, vùng duyên hải miền Trung còn có hàng chục bến cá quy mô vừa và nhỏ và hàng trăm điểm tập kết sản phẩm thủy sản khai thác ở các bãi ngang, làng cá dọc theo bờ biển... Về cơ bản, đã đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi sản phẩm của ngư dân sau những chuyến đi biển. Ngoài ra, đây cũng là nơi neo đậu cho tàu thuyền tránh trú bão hoặc khi thời tiết trên biển không thuận lợi.

Nhìn chung, hệ thống cảng cá/bến cá/chợ cá trong vùng nhiều nơi chưa được quy hoạch chi tiết; Một số cảng/bến được thiết kế xây dựng chưa thật sự phù hợp, không phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả khi đầu tư. Hệ thống cảng cá, luồng lạch và vũng đậu tàu chưa được đầu tư đồng bộ. Các điểm tập kết sản phẩm thủy sản ở các bãi ngang, làng cá... còn mang tính tự phát, thiếu tổ chức quản lí. Một số cảng cá/bến cá đã xuống cấp, cần phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới. Thiếu khu neo đậu trú bão tại các cảng cá/bến cá nên khi có bão lớn, các khu này thường bị quá tải. Công tác vệ sinh môi trường không đảm bảo, làm ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản sau thu hoạch.

Thực trạng phát triển các cơ sở đóng và sửa chữa tàu cá

Theo thống kê, năng lực đóng mới tàu cá của vùng là 1.400 chiếc/năm, sửa chữa 3.000 chiếc/năm. Năm 2012, số tàu khai thác hải sản xa bờ trong vùng đạt 12.465 chiếc (tăng gấp 2,4 lần so với năm 2000). Tốc độ tăng trưởng số tàu đánh bắt xa bờ của vùng giai đoạn 2000-2012 là 7,5%/năm, thấp hơn tốc độ tăng của cả nước (9%/năm). Tuy nhiên, trong đó vẫn có những tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng số lượng tàu xa bờ cao, như: Bình Thuận 11,8%, Đà Nẵng 14,4%, Ninh Thuận 15,3%, Phú Yên 24,7%. 

Tổng công suất tàu khai thác hải sản xa bờ toàn vùng năm 2012 khoảng 2.100.000 CV (tăng gấp 7 lần so với năm 2000). Tốc độ tăng trưởng công suất máy tàu đánh bắt xa bờ của vùng giai đoạn 2000-2012 là 17,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của công suất máy tàu đánh bắt xa bờ trong cả nước (13%/năm). Những tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng công suất tàu xa bờ cao là: Ninh Thuận 21,3%, Bình Thuận 23,3%, Quảng Ngãi 24,9%. Có được sự tăng trưởng nhanh chóng như vậy là nhờ chính quyền nhiều tỉnh đã có chính sách khuyến khích ngư dân đóng mới và cải hoán tàu cá. Điều này cũng đòi hỏi các cơ sở đóng và sửa chữa tàu cá phải phát triển toàn diện cả về lượng và chất.

Thực tiễn cho thấy, những năm qua, hệ thống cơ sở  đóng sửa tàu thuyền trên địa bàn vùng duyên hải miền Trung đã phát triển nhanh, bước đầu đáp ứng được nhu cầu đóng tàu công suất lớn đánh bắt hải sản xa bờ. Nhiều cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đóng sửa tàu thuyền, mang lại hiệu quả rõ rệt (điển hình là cơ sở đóng tàu xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Tuy nhiên, số lượng cơ sở đóng sửa tàu hiện đang phân tán, thiếu năng lực tài chính, quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu đóng tàu nhỏ, vỏ gỗ (theo mẫu và kinh nghiệm dân gian), phương thức đóng hầm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chỉ là ướp đá hoặc muối nên chất lượng bảo quản chưa cao.

Theo một số chuyên gia thủy sản, Việt Nam cần hướng đến phát triển các đội tàu cá công suất lớn, hiện đại, có hệ thống tàu dịch vụ đi kèm (như một số nước phát triển mạnh trong khu vực). Chỉ như vậy, ngư dân mới có thể bám biển dài ngày, khai thác hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.

Thực trạng phát triển các hoạt động dịch vụ khác

Vùng duyên hải miền Trung hiện có khoảng 1.180 cơ sở gia công máy móc, thiết bị phục vụ khai thác, kinh doanh xăng dầu, nước đá, ngư cụ... Trong đó, số cơ sở gia công máy móc, thiết bị; sản xuất, kinh doanh ngư cụ còn thiếu (phần lớn phải nhập ngoại). Hầu hết các cơ sở hoạt động với quy mô nhỏ, chưa thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một số giải pháp phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá vùng duyên hải miền Trung 

Trước tiên, các tỉnh/thành phố trong vùng cần nhanh chóng xây dựng và rà soát lại quy hoạch phát triển hệ thống cảng cá/bến cá và các điểm tập kết sản phẩm thủy sản khai thác ở các bãi ngang, làng cá. Việc quy hoạch này cần dựa trên điều kiện tự nhiên kết hợp với tập quán của ngư dân địa phương; đồng thời, tập trung xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng và quản lí cảng cá/bến cá và tranh thủ các nguồn vốn ODA và các nguồn tài trợ khác.

Phấn đấu đến năm 2020, đáp ứng được nhu cầu trong vùng và các địa phương khác trong cả nước. Mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất, gia công máy móc, thiết bị phục vụ khai thác, sản xuất, kinh doanh vật tư, ngư cụ. Chủ động trong sản xuất dây, lưới, sợi, phao, chì... thay thế hàng nhập khẩu. Thu hút cá nhân và các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho khai thác.

Các doanh nghiệp cần liên kết với ngư dân hoặc các hợp tác xã đánh bắt thủy sản, tạo nên một chuỗi sản xuất khép kín, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, đảm bảo lợi ích cho ngư dân. Về phía các nhà quản lí, cần nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thống kê, dự báo nhằm ứng dụng tốt công nghệ tin học, viễn thông, sử dụng công nghệ vệ tinh trong quản lí khai thác hải sản, nghiên cứu ứng dụng công nghệ dự báo tiến tiến.

Việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là rất quan trọng cần quan tâm đầu tư, quản lý, nhất là khi chúng ta đã xác định đến năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền biển đảo.

                                                                                                                                               Ngọc Thúy - FICen

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác