Tham dự buổi làm việc về phía Cục Thủy sản có đại diện lãnh đạo các phòng: Văn phòng Cục; Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế; Phòng Khai thác thủy sản; Phòng Nuôi trồng thủy sản.
Về phía Bộ Thủy sản và nguồn lực Maldives có bà Aminath Shafia, Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản và nguồn lực biển làm Trưởng Đoàn cùng với các đại diện cơ quan có liên quan.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Trần Đình Luân đã khái quát tình hình phát triển ngành thủy sản của Việt Nam trong thời gian qua và các định hướng chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam trong giai đoạn mới.
Cục trưởng Trần Đình Luân cho rằng, tiềm năng và lợi thế trong phát triển ngành thủy sản của Maldives còn rất lớn, đặc biệt trong khai thác thủy sản. Với hơn 26 nghìn hòn đảo lớn nhỏ là điều kiện để Maldives có thể khai thác và phát triển nuôi trồng thủy sản đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nuôi trồng thủy sản cũng như trong khai thác thủy sản, trong khi đó Việt Nam và Maldives có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên cũng như tiềm năng phát triển kinh tế biển. Chính vì vậy, Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẽ cũng như hợp tác với Maldives trong lĩnh vực thủy sản trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bà Aminath Shafia bày tỏ ấn tượng với những gì ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và mong muốn được làm việc với Cục Thủy sản Việt Nam để tìm hiểu về xây dựng những chính sách phát triển và trong công tác quản lý ngành thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, rất mong phía Việt Nam chia sẽ những kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực quản lý để chuyển đổi ngành thủy sản đa dạng hóa sản phẩm cũng như nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản cho phía Maldives.
|
Bà Aminath Shafia cho biết, hiện Maldives mới chỉ khai thác một lượng nhỏ về nguồn lợi thủy sản phục vụ trong nội địa và du lịch. Trong khi đó, nguồn lợi thủy sản vẫn còn rất dồi dào, đặc biệt là đối tượng cá ngừ và tôm hùm chính vì vậy rất muốn được học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc khai thác, chế biến các sản phẩm cá ngừ và tôm hùm. Đối với nuôi trồng thủy sản, Việt Nam cũng là một trong những nước có diện tích và sản lượng nuôi trông thủy sản lớn, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến đạt được các chứng chỉ thực hành tốt được thế giới công nghệ. Bên cạnh đó, Việt Nam có đội ngũ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu áp dụng công nghệ sản xuất và chế biến hàng đầu thế giới về các sản phẩm như: tôm, cá tra, tôm hùm.
Tại buổi làm việc, phía Maldives cũng đã tìm hiểu nhiều vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm, thu hút nguồn lao động phục vụ khai thác biển cũng như thu nhập và các chính sách khác có liên quan đến ngành thủy sản mà Việt Nam đã và đang triển khai để nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm giúp Maldives chuyển đổi, đa dạng hóa và nâng cao năng lực trong phát triển ngành thủy sản.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác Thủy sản (Cục Thủy sản) cũng đã khái quát về tình hình lĩnh vực khai thác của Việt Nam cũng như trong phát triển khai thác, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm cá ngư đại dương. Bên cạnh đó, ông Hải cũng chia sẽ những quy định và giải pháp quản lý ngành khai thác thủy sản, đặc biệt, trong công tác chống khai thác bất hợp pháp IUU mà Việt Nam đang thực hiện để sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.
Văn Thọ